TPO - Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an vừa triệt xóa đường dây tội phạm làm việc cho các công ty tại nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân ở trong nước với số tiền hơn 200 tỷ đồng, bước đầu bắt giữ 32 đối tượng.
Từ tháng 7/2023 qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An phát hiện tại tỉnh Nghệ An có một số đối tượng, ổ nhóm có nhiều dấu hiệu nghi vấn đang làm việc cho các công ty nước ngoài, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam ở nhiều địa phương trên cả nước.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan Công an xác định, các đối tượng trong đường dây trên là băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức làm việc cho các công ty nước ngoài vì một mục đích chung là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, Tăng Quảng Vinh (SN 1989), trú phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh là một trong những đối tượng chủ mưu quản lý, điều hành cấu kết với các đối tượng người Nghệ An và các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức cho người Việt Nam hoạt động phạm tội trong các công ty tại nước ngoài.
|
Các đối tượng trong đường dây bị bắt giữ
|
Các đối tượng hoạt động lừa đảo được tổ chức thành 3 tuyến gồm D1, D2, D3. D1, các đối tượng sẽ đóng vai cán bộ làm việc tại các cơ quan chức năng, nhiệm vụ gọi cho “con mồi” thông báo việc bị khóa sim, phong tỏa tài khoản ngân hàng vì nạn nhân đang liên quan tới các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội. Khi bị hại tin tưởng, sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho D2.
D2 là những đối tượng xưng là cán bộ Cục Cảnh sát Bộ Công an (hoặc đơn vị khác phù hợp), thông báo cho bị hại rằng giấy tờ tùy thân đang bị tội phạm lợi dụng phạm tội, yêu cầu phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của bị hại. Khi bị hại sợ hãi, đối tượng yêu cầu bị hại khai dùng tài khoản ngân hàng gì, các tài sản hiện có. Các thông tin này sẽ chuyển cho D3 (là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây).
D3 yêu cầu bị hại ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP cho đối tượng, qua đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng điện tử của bị hại. Tiếp đó, các đối tượng D3 yêu cầu bị hại rút sổ tiết kiệm, vay tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng rồi thao tác chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại đến các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.
|
Nhóm đối tượng cầm đầu đường dây
|
Toàn bộ quá trình liên hệ với bị hại, các đối tượng luôn yêu cầu bị hại ở không gian độc lập, kín đáo, không được cho ai khác biết sự việc, thường xuyên giữ liên lạc để dễ dàng thao túng tâm lý bị hại.
Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ từ 4 giờ 30 đến 8 giờ ngày 6/2/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Công an các các tỉnh, thành phố đã đồng loạt khám xét, bắt giữ 32 đối tượng trong đường dây tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu giữ nhiều tang vật liên quan.
Ngoài Tăng Quảng Vinh (đối tượng cầm đầu đường dây), 31 đối tượng còn lại bị Cơ quan Công an bắt giữ có 3 đối tượng trú tại thành phố Hồ Chí Minh gồm Vũ Hoàng Minh Tuấn (SN 1992); Lê Tuấn (SN 1996) và Phạm Thanh Hậu (SN 1996) cùng 2 đối tượng trú tại các tỉnh Bình Thuận và Thanh Hóa gồm: Lê Văn Tâm (SN 1998), trú huyện Tánh Linh, Bình Thuận và Lê Tiến Tùng (SN 1991), trú tại huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.
Tại Nghệ An, liên quan tới đường dây trên, Cơ quan Công an đã bắt giữ 26 đối tượng trú tại tỉnh Nghệ An gồm: 15 đối tượng trú tại huyện Yên Thành; 7 đối tượng trú tại huyện Con Cuông; 3 đối tượng trú tại huyện Diễn Châu; 1 đối tượng trú tại huyện Tân Kỳ.
|
Tang vật thu giữ
|
Tại Cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam với số tiền hơn 200 tỷ đồng.
Thu Hiền--TPO