CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo VietNamPlus, Tin tức, Chinhphu.vn, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an Nhân dân và các báo (08/4) đưa tin, Công an TP. Hải Phòng đã thực hiện quy trình để tước danh hiệu Công an nhân dân đối với hai nữ cán bộ Công an tham gia “bữa tiệc” ma túy tại phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã triệt xóa ổ nhóm sử dụng trái phép chất ma túy, bắt giữ 12 đối tượng, trong đó, có hai nữ Công an dương tính với ma túy là cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Công an thành phố và cán bộ Đội Hình sự, Kinh tế, Ma túy, Công an quận Dương Kinh.
Các báo (08/4) đưa tin, trả lời báo chí bên lề Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, bà Nguyễn Thị Thu Lan, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, đối với ông Lê Trí Thanh, với trách nhiệm người đứng đầu UBND tỉnh, đã để một số cán bộ cấp dưới có sai phạm phải xử lý kỷ luật, trong đó có trường hợp phải xử lý hình sự. Bản thân ông Thanh nhận hình thức khiển trách. Sau đó, ông Lê Trí Thanh đã tự nhận thức được trách nhiệm và tự nguyện viết đơn xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh. HĐND tỉnh Quảng Nam đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Thanh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam sẽ xem xét bố trí công tác phù hợp đối với ông Lê Trí Thanh sau khi ông thôi giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh.
Các báo (08/4) đưa tin, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa triệt phá đường dây bán điện thoại giả mạo trên các nền tảng xã hội như Facebook, Shopee, Lazada, TikTok, Tiki; Cơ quan Công an đã khởi tố “bà trùm” Bùi Thị Hương, trú tại Hà Nội cùng 21 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo Cơ quan điều tra, từ thông tin các bị hại cung cấp, đã phát hiện nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức bán điện thoại giá rẻ trên các nền tảng mạng xã hội; cơ quan Công an xác định, đường dây này hoạt động từ 2019 đến nay, ước tính lừa đảo khoảng 7.000 bị hại ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng.
Các báo (09/4) đưa tin, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật một số đảng viên có vi phạm, khuyết điểm tại Đảng bộ các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Yên, Hà Giang, Gia Lai. Theo đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với 7 cán bộ, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của 5 tỉnh này, gồm: Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang Nguyễn Thế Bình; nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai Nguyễn Tư Sơn và Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương.
Báo Lao động (09/4) phản ánh, sau khi Báo Lao Động có bài viết “Nhiều người lao động tố bị lừa đi xuất khẩu lao động tại Canada”. Bài báo nêu Công ty TNHH Abey’s Medical (Hà Nội) có dấu hiệu lừa đảo, thu tiền bất hợp pháp của người lao động. Theo nội dung bài báo, nhiều người lao động quê ở các huyện Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Diễn Châu (tỉnh Nghệ An); huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) đã nộp tiền đặt cọc hàng nghìn USD để được đưa đi lao động tại Canada. Tuy nhiên, đến thời hạn xuất cảnh thì Công ty này đã “bặt vô âm tín”. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có báo cáo với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về nội dung này.
Báo Lao động, Baomoi.com và một số báo (10/4) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra (PA09) Công an tỉnh Thái Bình quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở đối với Phạm Văn Yên, trú thôn Tống Khê, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Theo thông tin, PA09 đã tiếp nhận nguồn tin của một số cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh, tố giác Phạm Văn Yên có hành vi thu tiền và hồ sơ của nhiều người để làm chế độ trợ cấp khuyết tật, bệnh binh hàng tháng. Các giấy tờ giả do Yên tự ký và đóng dấu; hàng tháng, Yên tự chuyển tiền vào tài khoản của bị hại để tạo niềm tin cho các nạn nhân. Từ đó, trong thời gian từ tháng 01/2023 đến tháng 02/2024, Yên đã lừa đảo chiếm đoạt của khoảng 100 người với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo VietNamPlus, Tin tức, Chinhphu.vn, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an Nhân dân và các báo (08/4) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành cáo trạng truy tố 2 nhân viên thu phí Bệnh viện TP. Thủ Đức. Theo đó, bị can Nguyễn Thị Tuyết Nga bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”, với khung hình phạt từ 20 năm tù đến tử hình; bị can Đỗ Thị Quý bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, bị can Nga được giao nhiệm vụ thu, nhận tiền tạm ứng của các bệnh nhân và bảng kê hóa đơn tạm ứng do các nhân viên thu phí khác bàn giao lại để thống kê, quản lý, nhưng không nộp số tiền này về cho bệnh viện; lập khống các biên lai thu tạm ứng. Sau đó, bà Nga thực hiện chi hoàn ứng và ghi vào sổ tổng hợp viện phí để bù vào số tiền đã lấy trước đó nhằm che giấu hành vi chiếm đoạt tiền của Bệnh viện. Tổng số tiền bà Nga chiếm đoạt là trên 8,2 tỷ đồng. Bị can Đỗ Thị Quý đã thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo ra sơ hở, không kịp thời phát hiện bà Nga chiếm đoạt tiền của bệnh viện.
Các báo (08/4) đưa tin, ngày 16/4, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi sẽ đưa ra xét xử vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Pháp y tỉnh và cá nhân ông Phạm Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Trung tâm. Theo thông tin, ông Phượng đã làm sai lệch nhiều kết quả giám định có lợi cho các can phạm để hoãn thi hành án các vụ án có bản án và phải chấp hành án phạt tù. Bước đầu xác định có tổng cộng có 253 vụ án được giám định, trong đó Trung tâm này trực tiếp giám định 192 vụ việc. Trước đó, ngày 25/2/2023, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thi hành quyết định và lệnh bắt giữ ông Phạm Ngọc Phượng để điều tra về hành vi nhận hối lộ và bắt giữ một số cá nhân khác có liên quan đến tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, Truyền hình Quốc hội, báo Nhân Dân (09/4) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tiến hành phiên xét xử sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex) và các bị cáo liên quan, do có sai phạm trong đấu giá đất tại Đông Anh. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Loan và 08 bị cáo bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”. Hai bị cáo là Bùi Thanh Huyền, cựu Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Hà Nội và Nguyễn Thị Cẩm Lê, cựu cán bộ Sở TN-MT cùng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, năm 2020, các bị cáo đã cố ý hạ giá trị khu đất dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương) không đúng với giá trị thực tế (gần 285 tỷ đồng). Việc này đã gây hậu quả làm sai lệnh giá khởi điểm đưa vào đấu giá, tạo điều kiện cho các công ty tham gia đấu giá của Nguyễn Thị Loan thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho Nhà nước 136 tỷ đồng. Các báo (09/4) cho biết, trước khi bị đưa ra xét xử, Cựu Chủ tịch Tập đoàn Nguyễn Thị Loan đã nộp khắc phục hơn 580 tỷ đồng.
Các báo (09/4) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngày 10/4 xét xử sơ thẩm vụ án mua bán hóa đơn, đưa - nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó, bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng cùng 12 đồng phạm. Cựu Giám đốc Công an Hải Phòng được xác định nhận 35 tỷ đồng, đối diện mức án tới 20 năm tù với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Báo Tri thức và Cuộc sống, Baomoi.com và một số báo (10/4) thông tin, quá trình khám xét nhà ông Đỗ Hữu Ca, Cơ quan điều tra đã tạm giữ nhiều tài sản “khủng”, trong đó, có 35 tỷ đồng, hứa hẹn chạy án rồi chiếm đoạt. Với số tài sản tạm giữ gồm nhiều đồ vật, tài sản là tiền mặt, ngoại tệ, các trang sức, kim loại màu vàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, sổ tiết kiệm… Về nguồn gốc tài sản, ông Ca và vợ khai, số tài sản có được thông qua việc tiết kiệm trong quá trình công tác, bố mẹ để lại, quà lễ, Tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án, bất động sản. Tuy nhiên, nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh bất động sản không được ông Ca và vợ kê khai thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (10/4) thông tin, tại phiên tòa xét xử bị cáo Đỗ Hữu Ca và 12 bị cáo khác, chủ tọa đã công bố việc đã tiếp nhận đơn của các đơn vị như Công an TP. Hải Phòng, Hội Phật giáo Hải Phòng, UBMTTQ Thủy Nguyên và nhiều đơn vị, người dân... xin giảm án cho ông Đỗ Hữu Ca. Các báo (10/4) còn cho biết, trước tòa, bị cáo Đỗ Hữu Ca thừa nhận 4 lần nhận tổng số tiền 35 tỷ đồng từ vợ chồng Trương Xuân Đước, tuy nhiên, ông một mực phủ nhận cáo buộc hứa “chạy án”, mà chỉ có mục đích giữ hộ để tìm cách giúp vợ chồng Đước khắc phục hậu quả. Các báo (11/4) thông tin, sau một đêm suy nghĩ, bị cáo Đỗ Hữu Ca bất ngờ xin nhận tội đúng như cáo trạng truy tố, xin được tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. Các báo (13/4) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Hữu Ca 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Trương Xuân Đước bị tuyên 9 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh 4 năm 6 tháng tù về các tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và tội “Đưa hối lộ”… Báo Pháp luật TP.HCM và các báo (13/4) cho biết thêm, ông Đỗ Hữu Ca có nhiều tình tiết giảm nhẹ để được hưởng mức án dưới khung hình phạt; còn khối tài sản của bị cáo đang được xác minh nguồn gốc ở một vụ án khác. Theo Hội đồng xét xử, lý do ông Đỗ Hữu Ca được hưởng mức án dưới khung hình phạt là bởi, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng và đã nộp lại số tiền 35 tỷ đồng đã chiếm đoạt; quá trình công tác, bị cáo được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công an, của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hải Phòng...; bản thân bị cáo có bệnh nền; còn được nhiều cơ quan, ban, ngành có đơn xin giảm nhẹ hình phạt…
Báo Công an nhân dân, Baomoi.com và một số báo (09/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đang thụ lý điều tra vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan điều tra thông báo tìm nhân chứng liên quan đến vụ án. Trước đó, vào tháng 12/2023, Cơ quan điều tra bắt quả tang ông Nguyễn Hữu Chương, bác sỹ điều trị thuộc Khoa Khám bệnh - Hồi sức cấp cứu khi đang nhận tiền của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám bệnh để được cấp sổ điều trị ngoại trú và hưởng trợ cấp hàng tháng. Căn cứ vào kết quả điều tra, Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, Truyền hình Quốc hội, báo Nhân Dân và các báo (09/4) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố bị can Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC và 50 bị can khác trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thao túng thị trường chứng khoán; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. Theo cáo buộc, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng của mình, bị can Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi gian dối, tăng khối vốn góp chủ sở hữu tại công ty này từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Sau đó, hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán; sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Các báo (09/4) cho biết, Viện kiểm sát truy tố bị can Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái là Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế về các tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng hai tội trên, Viện kiểm sát đề nghị truy tố 41 bị can là nhân viên của FLC, các đơn vị thẩm định giá, kiểm toán... Trong vụ án này, cơ quan công tố truy tố 04 bị can tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vì bị cáo buộc đã giúp sức ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán. 03 cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng bị truy tố về tội “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”. Các báo (09/4) thông tin thêm, bị can Doãn Văn Phương, cựu Tổng Giám đốc FLC (cơ quan chức năng xác định ông này đã xuất cảnh ra nước ngoài, nên tách hồ sơ để xử lý sau); song, cơ quan công tố đã chỉ ra, vai trò cựu sếp FLC giúp sức cho Trịnh Văn Quyết trong 5 lần FAROS nâng khống vốn từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, Quochoi.vn, Chinhphu.vn, báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các báo (09/4) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên xét xử 06 bị cáo tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh. Trước tòa, ông Huỳnh Văn Dõng, cựu Giám đốc CDC Khánh Hòa, khai khi nhận gần 2 tỷ đồng từ doanh nghiệp bán kit test đã định sẽ chia cho 150 nhân viên hỗ trợ chống dịch. Theo cáo trạng, giai đoạn 2020-2021, ông Dõng đã ban hành các quyết định mua sắm trang thiết bị, kit test để phục vụ trong công tác phòng, chống Covid-19 bằng hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, không thực hiện mua sắm theo quy định của Luật Đấu thầu mà có chủ trương thống nhất để Công ty VNDAT giao hàng hóa trước theo hình thức cho mượn, ứng trước để CDC Khánh Hòa sử dụng. Sau đó, cho cấp dưới hợp thức hồ sơ tổ chức đấu thầu. Cáo trạng cáo buộc, hành vi của cựu Giám đốc này và cấp dưới đã giúp Công ty VNDAT trúng 5 gói thầu trị giá hơn 14 tỷ đồng thu lợi hơn 350% giá vốn, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 10 tỷ đồng. Các báo (10/4) thông tin, sau khi đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên Cựu Giám đốc CDC Khánh Hòa 5-6 năm tù vì sai phạm trong đấu thầu, ông này đã thay đổi lời khai, nhận tội và xin giảm án cho cấp dưới. 03 bị cáo Trần Quốc Huy, cựu Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, CDC Khánh Hòa; Nguyễn Trường Giang, cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ ứng dụng Việt Nam (VNDAT) và Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc phòng dự án cùng mức án 2 năm rưỡi đến 3 năm tù. Bị cáo Cao Văn Cường, chủ hộ kinh doanh cơ sở Phong Phú và Phan Phương Ngọc, cựu nhân viên khoa Dược - Vật tư y tế CDC Khánh Hòa cùng mức án 1 năm đến 1 năm rưỡi nhưng cho hưởng án treo. Ngoài ra, Viện kiểm sát đề nghị trả lại cho bị cáo Cường 2 tỷ đồng trong số 7,5 tỷ đồng đã nộp khắc phục vụ của vụ án.
Các báo (10/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum bắt tạm giam ông Đoàn Thế Tiền, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đắk Hà; Phạm Văn Dũng, nhân viên Văn phòng và Hoàng Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọk Wang, huyện Đắk Hà. Cả 3 cán bộ bị bắt để điều tra về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là quá trình điều tra mở rộng vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “đưa, nhận hối lộ” xảy ra tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum mà Báo Thanh tra đã phản ánh trong bài viết “Kon Tum: Bắt cán bộ địa chính nhận hối lộ”. Theo Cơ quan điều tra, từ năm 2021-2022, Nguyễn Hữu Vương (trú TP. Kon Tum) biết 1 thửa đất diện tích khoảng 5ha thuộc sở hữu của người khác nên đã liên hệ với Bùi Thu Ba, cán bộ địa chính xã Ngok Wang đề nghị làm giúp thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với thửa đất trên. Ba “ra giá” muốn làm giúp thì Vương phải đưa tiền. Vương đã đưa Ba số tiền 90 triệu đồng để được hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục cấp sổ đỏ. Sau khi được cấp sổ, Vương đem thế chấp tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Đắk Hà để lấy số tiền 1,5 tỷ đồng. Thực tế, thửa đất trên thuộc sở hữu của 3 hộ gia đình khác. Với sai phạm này, Bùi Thu Ba bị bắt tạm giam với cáo buộc nhận hối lộ; Nguyễn Hữu Vương bị bắt giam về hành vi “đưa hối lộ”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, còn 3 cán bộ Tiền, Dũng, Đạt bị bắt với cáo buộc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (10/4) đưa tin, tại Hội nghị trực tuyến giao ban Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp quý I/2024, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Cơ quan cảnh sát điều tra đẩy nhanh tiến độ các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo; thực hiện thống nhất quan điểm “làm rõ từng phần, rõ đến đâu, kết luận, đề nghị xử lý đến đó”. Lực lượng Công an kịp thời phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án hình sự, ma túy, kinh tế, tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước, nhân dân, quyết liệt trong áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm khi “nhận diện” đúng tội phạm. Qua đó, có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm theo phương châm “xử lý 1 vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (11/4) đồng loạt đưa tin, sau hơn một tháng xét xử và nghị án kéo dài, ngày 11/4, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm với nhiều tội danh khác nhau. Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình cho 3 tội danh “Vi phạm các quy định trong hoạt động cho vay”, “Tham ô tài sản” và “Đưa hối lộ”. 04 bị cáo nhận mức án tù chung thân là Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB); Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB); Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB); Đặng Thị Nhàn (Cựu Cục trưởng Cục II Ngân hàng Nhà nước). Nhiều bị cáo khác lãnh mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 20 năm tù... Các báo (11/4) thông tin thêm, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử cho rằng, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn là tội phạm tham nhũng nguy hiểm nhất, ảnh hưởng tới đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Theo đó, Đỗ Thị Nhàn bị tuyên phạt mức án chung thân về tội “Nhận hối lộ”.
Các báo (11/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 2 Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 86-02D-Bình Thuận. Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt giam một cựu nhân viên quản lý xe của Trung tâm dạy lái xe Thanh Long Đỏ, Bình Thuận. 2 Phó giám đốc Trung tâm là Nguyễn Đình Nhựt và Huỳnh Tấn Tài bị khởi tố về tội nhận hối lộ. Lê Hữu Trác, cựu nhân viên quản lý xe của Trung tâm dạy lái xe Thanh Long Đỏ bị khởi tố về tội đưa hối lộ.
Báo Pháp luật TP.HCM và một số báo (11/4) đưa tin, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã bắt giữ ông Phan Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Kiểm sát điều tra án kinh tế chức vụ, nguyên Chánh văn Phòng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai để điều tra về hành vi đưa hối lộ. Ông Phan Văn Thắng liên quan đến việc đưa hối lộ cho Trần Quốc Trung, Giám định viên Tư pháp thuộc Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai trong vụ án giám định thiệt hại tài sản trong vụ án hình sự mà trước đó em ruột của ông Thắng là Phan Văn Thanh, nguyên Trưởng phòng tài chính kế toán Trường đại học Đồng Nai vừa bị bắt tạm giam. Liên quan đến vụ án, trước đó, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao bắt giữ Trần Quốc Trung, Giám định viên Tư Pháp trong lĩnh vực tài chính (thuộc Sở Tài Chính) tỉnh Đồng Nai về hành vi nhận hối lộ. Về vụ án sai phạm trường Đại học Đồng Nai, trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã bắt tạm giam bị can Trần Minh Hùng (nguyên Hiệu trưởng) và Phan Văn Thanh (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Kế toán trưởng), Lê Thị Hoài Lan (nguyên Trưởng Bộ môn Quản lý giáo dục), Đặng Minh Thư (nguyên Phó Trưởng phòng Đào tạo), Dương Minh Hiếu (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng) về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm thất thoát số tiền hàng tỷ đồng.
Các báo (13/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã tiến hành tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam nguyên trưởng Công an TP. Phú Quốc Lê Văn Mót. Theo thông tin ban đầu, ông Lê Văn Mót bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan với vai trò đồng phạm trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra vào đầu năm 2022, tại TP. Phú Quốc.
TIN QUỐC TẾ
Báo Thanh tra (10/4) đưa tin, cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Tareck El Aissami bị bắt liên quan cuộc điều tra tham nhũng lớn của nước này. Ông Tareck El Aissami đã từ chức vào tháng 3/2023 để hỗ trợ cho các cuộc điều tra tham nhũng đặc biệt liên quan đến Công ty Dầu mỏ nhà nước PDVSA, do Bộ Dầu mỏ quản lý. Cựu Bộ trưởng này đã bị bắt giữ. Bản thân ông đang bị điều tra về một kế hoạch tham nhũng, tại đó hàng trăm triệu đô la tiền thu được từ dầu mỏ dường như đã biến mất. Ông El Aissami sẽ hầu tòa với các cáo buộc bao gồm phản quốc, rửa tiền và cấu kết tội phạm. El Aissami nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ vì bị cáo buộc có liên quan đến buôn bán ma túy.
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật 7 cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo 5 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Yên, Hà Giang, Gia Lai;
- Xét xử bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng cùng 12 đồng phạm;
- Ban hành cáo trạng truy tố bị can Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC và 50 bị can khác trong vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC;
- Xét xử 06 bị cáo tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Khánh Hòa;
- Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
TẠP CHÍ NỘI CHÍNH--noichinh.vn