Thứ bảy, ngày 21/09/2024 09:27:57 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Kiểm soát quyền lực - một “giải pháp trọng yếu để cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả thiết thực”


Cập nhật: 4h27' ngày 18/09/2023


 

15/09/2023 13:40

(Pháp lý). Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ nóng bỏng mà toàn Đảng, toàn dân đang đặc biệt quan tâm. Song song đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực cán bộ. Bởi kiểm soát quyền lực cán bộ không tốt sẽ dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Các đại án tham nhũng, chức vụ được đưa ra xét xử thời gian qua cho thấy việc kiểm soát quyền lực cán bộ có nơi, có chỗ chưa hiệu quả.

Buông lỏng giám sát, kiểm soát quyền lực – một nguyên nhân dẫn đến đại án tham nhũng?

Mới đây nhất, tại kết luận điều tra vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm, cơ quan điều tra đã phân tích một số nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của loạt cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao và đưa ra 7 kiến nghị, trong đó có kiến nghị nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực người đứng đầu

Cơ quan điều tra xác định để Việt Á có thể được tham gia nghiên cứu đề tài sản xuất kit xét nghiệm và chiếm đoạt, có sự thông đồng, giúp đỡ, tạo điều kiện của một số quan chức của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ.

1-1692775450.jpg

Hai cựu Bộ trưởng và một cựu Bí thư tỉnh bị đề nghị truy tố trong vụ Việt Á (Từ trái qua: ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long và ông Phạm Xuân Thăng)

Cơ quan điều tra cho rằng Bộ Khoa học và Công nghệ đã buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về kit xét nghiệm. Đặc biệt đây là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia nhưng Việt Á lại có thể dễ dàng tham gia và chiếm đoạt.

Theo kết luận, để xảy ra việc trên là do Bộ Khoa học và Công nghệ đã để sai phạm xảy ra tại nhiều khâu như phê duyệt nhiệm vụ, tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, đơn vị phối hợp; kinh phí, theo dõi sử dụng và thanh toán kinh phí; quản lý thực hiện đề tài, xử lý kết quả thực hiện đề tài...

Cùng với đó, nội dung thuyết minh đề tài không có thông tin về quyền, nghĩa vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y, Công ty Việt Á; không có phương pháp phối hợp, phương pháp chuyển giao kết quả nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ…

Về phía Bộ Y tế, theo cơ quan điều tra, bộ này cũng thiếu kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý nhà nước về sinh phẩm y tế, hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương; không quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cá nhân trong hiệp thương giá, thời hạn ban hành kết luận kiểm tra giá.

"Do việc buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát tại Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế dẫn đến Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Á) lợi dụng, móc ngoặc với lãnh đạo, cán bộ hai bộ", kết luận nêu.

Sự móc ngoặc trên đã giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, sử dụng kết quả nghiên cứu lập hồ sở gửi Bộ Y tế và được cấp số đăng ký lưu hành. Việt Á đã biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu của Nhà nước thành tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp rồi nâng khống giá bán thu lời bất chính.

Theo kết luận, Công ty Việt Á nâng khống cơ cấu đơn giá kit xét nghiệm nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/xét nghiệm. Mức giá này theo cơ quan điều tra là không có căn cứ. Thậm chí khi phát hiện công ty thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành, Bộ Y tế không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý.

Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế đã được Phan Quốc Việt nâng khống, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương thu lời bất chính, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước, tổ chức, cá nhân, kết luận nêu.

Tại các địa phương, để xảy ra sai phạm trong quá trình Việt Á tiêu thụ kit xét nghiệm, theo cơ quan điều tra là do chưa kịp thời phân bố dự toán ngân sách thực hiện, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ về đấu thầu, mua sắm thiết bị còn hạn chế, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh.

Từ những nguyên nhân phân tích trên, cơ quan điều tra đưa ra 7 kiến nghị về rà soát, sửa đổi bịt kín các kẽ hở chính sách pháp luật liên quan lĩnh vực quản lý y tế, khoa học công nghệ, kiến nghị chặn các kẽ hở trong chỉ định thầu, mua sắm công, trong đó lưu ý cần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quản lý sinh phẩm y tế đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

Một đại án tham nhũng, chức vụ khác cũng để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực cán bộ. Đó là đại án xảy ra tại AIC và Đồng Nai.

Đại án AIC cho thấy thực trạng quản lý cán bộ, công chức thời gian qua còn lỏng lẻo, cơ chế kiểm soát quyền lực, đặc biệt là kiểm soát quyền lực “ mềm “ có nhiều bất cập và là lỗ hổng lớn để các công chức thoái hóa biến chất có không gian vi phạm pháp luật.

2-1692775450.jpg

Bị cáo Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, tại phiên tòa

Chính từ sự ưu ái, tạo điều kiện của hàng loạt cán bộ, quan chức từ lãnh đạo chóp bu, bí thư, chủ tịch tỉnh cho đến lãnh đạo các sở ngành của Đồng Nai đã giúp cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn dễ dàng thao túng các gói thầu, giúp công ty của bà Nhàn dù không đủ năng lực, gian lận hồ sơ vẫn dễ dàng trúng đến 16 gói thầu.

Và để có được sự ưu ái đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bôi trơn bằng những khoản tiền hối lộ hàng chục tỉ đồng để tác động vào quyền lực từ lãnh đạo chóp bu, bí thư, chủ tịch tỉnh cho đến các sở ngành.

Thậm chí còn bằng cả những thủ đoạn vận động, can thiệp vào nguồn phân bổ ngân sách từ trung ương – một dạng biểu hiện của quyền lực “mềm”. Dưới tác động của nó (quyền lực “mền”) có thể làm thay đổi những quyết định đúng pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn (người được trao quyền lực “cứng”). Điều này, thể hiện qua lời khai của các bị can, như lời khai của bị can Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khai, đã ký các quyết định có lợi cho AIC không chỉ từ mối quan hệ của Nguyễn Thị Thanh Nhàn với Bí thư tỉnh Đồng Nai mà còn mục đích để Nhàn hỗ trợ tỉnh Đồng Nai xin vốn từ Ngân sách Trung ương.

Đặc biệt, cơ quan điều tra đã nhận thấy điều này và đưa ra kiến nghị, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương cho các địa phương tại các dự án, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt đối với nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch. Có các chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn trái quy định.

Kiểm soát quyền lực cán bộ - yêu cầu cấp bách 

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực (KSQL) nhà nước; đẩy mạnh PCTN, TC. Những nguyên tắc quan trọng về KSQL tiếp tục được khẳng định và làm sâu sắc thêm: “Bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường KSQL bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền”; “Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý. KSQL gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức”. Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng yêu cầu phải: “Hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp KSQL nhà nước; “Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về KSQL, PCTN, TC; ban hành các quy định về KSQL để PCTN, TC trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Cốt lõi của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát cho được quyền lực, bảo đảm quyền lực phải được thi hành đúng. Kết quả phát hiện, xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, liên quan tới một số cán bộ lãnh đạo cao cấp gần đây cho thấy, tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực đang ở mức đáng báo động, trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Do vậy, việc “tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực là một “giải pháp trọng yếu để cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả thiết thực”.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chọn một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong phát hiện, xử lý tham nhũng để tập trung chỉ đạo; tăng cường kiểm tra, đôn đốc những lĩnh vực, địa bàn có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cao để chấn chỉnh kịp thời; quan tâm chỉ đạo cả PCTN và phòng, chống tiêu cực và quyết tâm chỉ đạo xử lý triệt để nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng.     

Nhìn lại những đại án xảy ra thời gian qua, rõ ràng việc kiểm soát bên ngoài bằng các cơ chế, chính sách, pháp luật và bên trong, tức là ý thức trách nhiệm, đạo đức, lối sống của những người phạm tội đều có vấn đề.

Trong vụ Việt Á hay gần đây là vụ AIC, vụ Chuyến bay giải cứu có thể thấy số tiền nhận hối lộ, tham nhũng là rất lớn và những người có hành vi phạm tội đó cũng không thiếu tiền. Chỉ có thể lý giải là lòng tham và những con người này có lòng tham vô cùng. Họ ( những quan chức vi phạm pháp luật) có thể kiếm tiền một cách quá dễ dàng khiến việc kiểm soát bên trong rất khó. Nói cách khác tiền quá lớn, kiếm quá dễ, họ không kiểm soát được lòng tham của mình nên đã suy thoái, biến chất.

Trong vụ Việt Á còn cho thấy một tính chất rất nguy hiểm, đó là về "cơ chế" khi không phải tự nhiên hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều mua kit xét nghiệm Việt Á như vậy. Ở đây, chỉ cần một lời nói, cuộc điện thoại, văn bản, công văn của cấp trên là có lý do để họ làm. Đây là những biểu hiện tham nhũng từ “ quyền lực mềm”, tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm. Biểu hiện này không chỉ xảy ra ở vụ Việt Á mà còn xảy ra ở một số vụ án khác, đặc biệt một số vụ án liên quan đến quản lý đất đai…

Đây là những vấn đề cực kỳ đáng báo động mà Đảng, Nhà nước đã nhìn thấy. Đảng đã có những quy định rất cụ thể về chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Đồng thời, gần đây tiếp tục mở rộng không chỉ chống tham nhũng mà chống cả tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.

Trong thời gian tới, theo chúng tôi cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật nhà nước để kiểm soát tốt hơn từ bên ngoài. Nhưng đồng thời không thể xem nhẹ việc kiểm soát từ bên trong và "bệnh" từ bên ngoài xâm nhập vào nên phải xây dựng được "đề kháng, vắc xin" cho cơ thể từ bên trong để chống lại.

Trong đó, mấu chốt vẫn là công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực cán bộ, đây là những yếu tố "cốt tử" trong phòng chống tham nhũng. Vì khi giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hay chưa chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để sai phạm.

Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện chính sách thể chế công khai đăng ký tài sản, hạn chế việc lợi dụng khoảng trống pháp lý để tẩu tán, che giấu tài sản. Cần sớm  xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin tài sản đăng ký, đặc biệt là đất đai, tài sản gắn liền với đất. Theo đó, phải có sự kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý tài sản với các cơ quan liên quan như công an, công chứng, ngân hàng, thuế, thi hành án... để kịp thời theo dõi sự biến động cũng như xử lý khi có vi phạm.

Cần kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Trong đó, chú trọng các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện thông qua ngân hàng để ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng.

Đặc biệt cần tiếp tục nghiên cứu đề ra những “ liều thuốc đặc trị” để kiểm soát, ngăn chặn cho được những biểu hiện tham nhũng từ “ quyền lực mềm”, tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả KSQL để PCTN, TC, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC cần: (1) Lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, quy định về KSQL để PCTN, TC; đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về KSQL để không thể tham nhũng, tiêu cực; (2) Lãnh đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực.

3-1692775433.png

Song song với đó, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng cần nghiên cứu sửa đổi nội dung để phù hợp với tình hình mới theo hướng phải quy định thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc và hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Đồng thời nên nghiên cứu sửa Luật Hình sự để có thể không xem xét xử lý đối với người phải đưa hối lộ để thực hiện những lợi ích hợp pháp của họ. Bởi khi đó sẽ giúp những người đưa hối lộ có động lực để tố cáo các cán bộ nhận hối lộ. Từ đó giúp phát hiện, xử lý nhiều hơn hành vi này.

Và điều cũng không kém phần quan trọng trong kiểm soát quyền lực cán bộ, đó là ngay từ đầu, từ khâu tuyển chọn cần lựa chọn được những cán bộ có Tâm, có Đức, thực sự liêm chính, chí công, vô tư.

Chọn cán bộ: cần lấy Đức của cán bộ là gốc và chọn qua Dân

Theo dõi các đại án tham nhũng, chức vụ được đưa ra xét xử gần đây, chúng tôi rất chú ý đến một số cán bộ quan chức làm sai qui định pháp luật nhưng lý do là chủ quan, tắc trách hoặc tính chất cấp bách của công việc hoặc làm sai là do phải thực thi mệnh lệnh của cấp trên. Song điều mà dư luận chú ý là các đối tượng quan chức này được cơ quan điều tra miễn trách nhiệm hình sự hoặc không bị xử lý về hình sự, do họ không có hành vi vụ lợi.

Ví dụ trong đại án Việt Á, trong khi cựu Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thành Long bị truy tố về tội nhận hối lộ với số tiền cực lớn lên đến hơn 50 tỉ đồng, hành vi vi phạm pháp luật của cựu bộ trưởng cũng đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp, chủ động nhắn thông qua thư ký để thực hiện hành vi phạm tội. Song đối với cựu Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự, bởi ông Sơn tuy có một số sai phạm trong công tác quản lý, nhưng cơ quan điều tra kết luận ông Sơn không vụ lợi gì trong vụ Việt Á.

Đối với các quan chức thuộc UBND tỉnh Hải Dương, trong khi cựu Bí thư Phạm Xuân Thăng bị truy tố tội nhận hối lộ với số tiền nhiều tỉ đồng. Nhưng C03 cho rằng, ông Nguyễn Dương Thái ( cựu Chỉ tịch tỉnh), cũng tham gia các cuộc họp của Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhưng không phát biểu ý kiến liên quan đến việc cho Việt Á tham gia xét nghiệm, mở rộng phạm vi xét nghiệm...., ông Thái không bàn bạc, thống nhất với Phạm Xuân Thăng; không biết về hành vi thông đồng, bảo vệ đơn giá test xét nghiệm của cấp dưới; không thỏa thuận, thông đồng với Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến để làm lợi cho Công ty Việt Á.... Do đó, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương được được miễn trách nhiệm hình sự, song đã bị kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng vì có vi phạm, khuyết điểm trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Một số quan chức khác của Hải Dương cũng không phải chịu TNHS do họ không vụ lợi và sai phạm của họ chưa đến mức khởi tố.

Chủ trương phân hoá trách nhiệm, có nhóm bị xử lý trừng phạt nghiêm, có nhóm được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và cả trách nhiệm dân sự…được dư luận đánh giá rất cao và rất đồng tình. Theo chúng tôi, những cán bộ cấp cao tuy có làm sai nhưng vì lý do cấp bách của công việc, hoặc do tắc trách, hoặc do phải thực thi lệnh của cấp trên, nhưng họ không vụ lợi, ở một khía cạnh nào đó, những quan chức này vẫn còn giữ được Tâm, giữ được đạo đức, không bị thoái hóa biến chất, không bị sức cám dỗ ghê gớm của đồng tiền đánh gục. Những cán bộ này không phải chịu trách nhiệm hình sự là hoàn toàn thuyết phục.

Rõ ràng bài học trong lựa chọn cán bộ - chọn Đức là gốc vẫn luôn thời sự hơn bao giờ hết. Bởi cán bộ có tài mà không có đức thì trước sau gì cũng rất dễ sa ngã, thoái hóa và sẵn sàng tìm đủ mọi cách để tham nhũng, đục khoét, nhận hối lộ…..

Chúng ta đang kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực nên tiêu chuẩn liên quan đến sự liêm chính, chí công vô tư, liên quan đến đạo đức cán bộ cần đặt ra rất chặt chẽ. Vừa qua rất nhiều cán bộ thuộc Ban Chấp hành Trung ương quản lý bị xử lý về tội tham nhũng, nên tới đây chắc chắn phải quán triệt lựa chọn thế nào, đặc biệt là chọn cán bộ cấp chiến lược sẽ vô cùng khó khăn để không bị nhầm lẫn, chọn được cán bộ chất lượng cao, có đủ đức đủ tài.

Cho nên ngay từ đầu chọn cán bộ phải trọng chữ Tâm, nói cách khác là chú ý đạo đức, trong đó có đạo đức cách mạng, mà đạo đức cách mạng liên quan đến cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là không có tham nhũng – cái đó là đặc biệt quan trọng.

Bên cạnh đó cần tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ, nhất là thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ. Thực hiện nghiêm nguyên tắc dân chủ trong tất cả các khâu, các bước của công tác cán bộ, phải cung cấp đầy đủ thông tin và biết lắng nghe ý kiến của cấp ủy cấp dưới, của các cấp, các ngành liên quan, của quần chúng trong cơ quan, đơn vị và của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cán bộ sinh sống. Quy định rõ tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm tính định lượng cụ thể, tạo sự rõ ràng, khách quan, qua đó có cơ sở giám sát, kiểm tra đầy đủ, chính xác. 

Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác cán bộ phải liêm chính, trung thực, vững vàng, có trách nhiệm và tâm huyết, có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu, nắm vững chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ; không nao núng và bị cám dỗ trước lợi ích hoặc các “nhóm lợi ích” muốn chi phối trong công tác cán bộ. 

Ngoài ra, công tác chọn cán bộ hiện nay cần phải hết sức chú ý đến nguyên tắc là lắng nghe qua dân. Bác Hồ dặn rồi, không thể cán bộ nào mà tách rời dân được, cán bộ phải qua dân, hiểu được dân, làm việc với dân, làm phong trào với dân thì dân mới biết người cán bộ thế nào và đặc biệt người cán bộ biết xử lý những vấn đề khó, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Qui định 114 của Bộ Chính trị mới đây nêu rõ 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ gồm:

1. Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

2. Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

3. Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.

4. Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định.

5. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

6. Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

7. Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

8. Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

 

 
 Lê Phúc – Minh Anh
 
Bạn đang đọc bài viết "Kiểm soát quyền lực - một “giải pháp trọng yếu để cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả thiết thực”" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).--
Theo TC Phap ly

tin cùng chuyên mục

 
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Chủ tịch Quốc hội: Lạm phát “quá tốt” do điều hành dở(15-05-2013)
  • Đừng để bị chi phối khi bỏ phiếu(13-05-2013)
  • Bỏ phiếu tín nhiệm 49 lãnh đạo cao cấp(13-05-2013)
  • Cán bộ cao cấp cần tiêu chuẩn gì?(11-05-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật Đất đai – Bài 4: Chưa bịt kín các kẽ hở của Luật 2003(09-05-2013)
  • Sẽ lập tòa án hiến pháp?(08-05-2013)
  • Báo chí và cơ quan điều tra có những kênh điều tra riêng(07-05-2013)
  • 30 ngàn tỷ nên dành giải cứu người nghèo(07-05-2013)
  • “Đề xuất của Bộ Công an sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân”(07-05-2013)
  • Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Chỉ nên giao quyền cho một cơ quan(07-05-2013)
  • Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Phóng viên điều tra sẽ bị “vặt bớt tay chân”(05-05-2013)
  • Hội đồng Hiến pháp – lựa chọn chính trị an toàn?(04-05-2013)
  • Đề xuất “C.A có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ nguồn tin” bị phản ứng(04-05-2013)
  • Lựa chọn tên nước không thể chỉ bằng tình cảm(03-05-2013)
  • ‘Một m2 đất lúa chuyển đổi cũng phải xin Thủ tướng’(26-04-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật đất đai – Bài 3: Muôn hình vạn trạng tham nhũng tập thể trong quản lý đất đai(24-04-2013)
  • Lấy phiếu tín nhiệm: Đừng để ‘hòa cả làng’(23-04-2013)
  • Đã đến lúc cần giáo dục liêm sỉ(23-04-2013)