Thứ sáu, ngày 13/12/2024 11:09:58 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật đất đai – Bài 3: Muôn hình vạn trạng tham nhũng tập thể trong quản lý đất đai


Cập nhật: 10h21' ngày 24/04/2013


fiogf49gjkf0d

(Pháp lý) – Không chỉ lợi dụng những kẽ hở của Luật đất đai để rút ruột tiền Nhà nước, ăn chặn tiền bồi thường của dân,  nhiều đối tượng vốn là  quan chức còn cấu kết với các doanh nghiệp “làm xiếc” trên những dự án đất nhằm thu lợi bất chính gây tổn thất nặng nề cho Nhà nước. Xin dẫn chứng một vài vụ.

>>Bài 2: Những “điểm nghẽn” của Luật Đất đai dưới “lăng kính” của các quan chức và nhà khoa học.

>>Bài 1: Những vụ án đau lòng, những “quan” tham “lộ sáng”

Lợi dụng chức quyền “hô” dự án trang trại thành dự án BĐS để trục lợi

Vụ án các “quan tham ăm đất” xảy ra tại trang trại phường Đồng Tâm, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là vụ án được dư luận xã hội quan tâm theo dõi, bởi đây là một điển hình về tham nhũng tập thể, có sự câu kết   giữa nhiều cán bộ có chức có quyền với người ngoài xã hội để tham nhũng đất đai, tài sản của Nhà nước và của dân. Những tham nhũng thế này không chỉ có ở Vĩnh Phúc.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, Ngày 23/11/2006 UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định thu hồi và giao đất cho UBND phường Đồng Tâm lập dự án trang trại tại khu vực Đồng Khóm, đồng Cửa Chùa, đồng Sái thuộc phường Đồng Tâm, Thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), đến ngày 28/11/2007 có quyết định phê duyệt phương án bồi thường GPMB trang trại phường Đồng Tâm

8.17 410x246 Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật đất đai   Bài 3: Muôn hình vạn trạng tham nhũng tập thể trong quản lý đất đai

Các “quan tham” trong Dự án trang trại Đồng Tâm (TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) hầu tòa

Để thực hiện dự án này trót lọt, các “quan” ở phường Đồng Tâm và TP Vĩnh Yên của tỉnh Vĩnh Phúc đã bàn bạc, thống nhất, sử dụng chức năng, quyền lực của mình để thực hiện hành vi trái công vụ như: lập ra một dự án phát triển kinh tế “ma” lấy danh nghĩa là Dự án trang trại do UBND phường Đồng Tâm làm chủ đầu tư, sau đó phân lô bán nền để trục lợi. Đây có lẽ là một vụ án có số lượng đông các quan chức dính vòng lao lý vì đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để cố tình làm trái các quy định của Nhà nước. Theo giá chuyển nhượng của các lô đất này được giao bán tại thời điểm đó thì mỗi lô đất nền biệt thự 300 m2 có giá 3 tỷ đồng thì với 25ha dưới tên gọi “Dự án trang trại phường Đồng Tâm” nếu được “xẻ thịt” êm thấm sẽ đem về cho chủ đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng trong khi chỉ phải bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để đền bù cho nông dân. Qua đây, mới thấy được vì sao các “vị quan tham” quyết “đồng tâm hiệp lực” để tìm mọi cách thu hồi khu đất này bằng được. Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản phản đối việc thu hồi và giao đất dự án này vì cho rằng trái với quy định pháp luật, nhưng các “quan” này vẫn cố tình trình các thủ tục đã được hợp thức hóa để xin UBND tỉnh phê duyệt.

Vụ việc bị bại lộ bắt đầu từ tháng 5/2010, khi ông Quyền, (Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc bấy giờ) chỉ đạo cán bộ dưới quyền tổ chức giao đất tại thực địa cho Quân và Tâm để quản lý và triển khai. Tâm và Quân đã thuê hàng trăm người đến tổ chức thi công san lấp mặt bằng, rầm rộ đào rãnh đóng cọc, rào dây thép gai, đắp bờ bao xung quanh diện tích của mình trong khi chưa có phương án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thấy vậy, nhiều người dân bị thu hồi đất mới tìm hiểu và phát hiện sự thật, hóa ra dự án này là của tư nhân.

Sau đó, gần 200 hộ dân ở phường Đồng Tâm gửi đơn, thư vượt cấp đến các cơ quan chức năng trung ương đề nghị giải quyết. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã vào cuộc lật lại toàn bộ hồ sơ vụ việc xảy ra vào năm 2006 liên quan đến nhiều cán bộ đang giữ chức vụ.

Theo đó, ngày 25/11/2010, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành khởi tố đối với ông Nguyễn Văn Hòa, Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lại Hữu Lân (61 tuổi), nguyên Bí thư Thành ủy TP Vĩnh Yên và ông Nguyễn Xuân Liễn (49 tuổi), Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo, nguyên Phó trưởng Phòng Công nghiệp – Xây dựng của Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, liên quan đến dự án trang trại trở thành dự án bất động sản ở phường Đồng Tâm.

Trước đó, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng TN&MT của UBND TP Vĩnh Yên; ông Vũ Văn Chức, chuyên viên của phòng này và ông Nguyễn Xuân Trường, nguyên là Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm, chủ dự án trang trại phường Đồng Tâm. Ông Nguyễn Xuân Trường là Bí thư Đảng ủy phường Đồng Tâm.

Cũng dạng tham nhũng tập thể, nhưng ở một địa phương khác- Hải Phòng, hành vị của các “quan tham” biến tướng tinh vi hơn ở Vĩnh Phúc.

Nâng khống hồ sơ đền bù để rút ruột ngân sách

Dư luận trong thời gian qua đang dấy lên những nghi vấn có dấu hiệu tham nhũng “động trời” tại quận Dương Kinh (Hải Phòng) khi trong danh sách 40 hộ dân được đền bù hơn 80 tỷ đồng từ Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có cả những quan chức của Quận này. Hơn thế, diện tích được đền bù lại “chồng lấn” với chính khu vực đất cấp trái phép bị dư luận phanh phui từ năm 2002.

8.24 410x279 Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật đất đai   Bài 3: Muôn hình vạn trạng tham nhũng tập thể trong quản lý đất đai

Một góc quận Dương Kinh (Hải Phòng)

Theo hồ sơ, tài liệu liên quan thì năm 1997, UBND TP. Hải Phòng có Quyết định số 26 giao đất cho 96 hộ dân với diện tích 8.370m2, trong đó có nhiều quan chức như ông Phạm Phú Xuất, Phó Chủ tịch huyện Kiến Thụy, ông Vũ Khắc Hưởng, Bí thư Quận ủy Dương Kinh. Cuối năm 2003, khi khánh thành đường 353, ông Nguyễn Thanh Đoàn, Chủ tịch UBND xã Hải Thành (khóa 1994 – 1999) đã lập biên bản “thống nhất sắp xếp mặt bằng đất thổ cư” cắm cọc, xây tường, phân lô dọc tuyến đường 353 cho 46 hộ dân trong đó có tới 40 đối tượng không phải là công dân xã Hải Thành.

“Ai cũng thấy tham nhũng đang là một vấn nạn ở nước ta. Tham nhũng đã và đang xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đi theo sự phát triển kinh tế – xã hội, tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp. Để có thể ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng thì trước hết chúng ta phải xây dựng đồng bộ các công cụ như cơ chế, chính sách, pháp luật; kết hợp tổ chức một bộ máy chuyên trách hoặc kiêm nhiệm phòng, chống nhũng hiệu quả, đồng thời huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng phòng, chống tham nhũng. Rất khó trả lời chính xác là cuộc chiến chống tham nhũng, làm thanh sạch đội ngũ cán bộ công quyền bắt đầu từ đâu. Còn câu trả lời của tôi là phải có sự vào cuộc, sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; không hy vọng có một công cụ hay một biện pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết ngay được vấn đề tham nhũng. Quyết tâm chính trị chống tham nhũng và hành động cụ thể chống tham nhũng phải là một. Chống tham nhũng không hình thức, chiếu lệ, càng không phải là phong trào”. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Ban Nội chính Trung ương đã thẳng thắn cho biết như vậy tại một hội nghị triển khai công tác phòng chống tham nhũng.

Sau khi báo giới lên tiếng, huyện Kiến Thụy đã kiểm tra, kết luận việc cấp đất và thu tiền 46 hộ dân là hoàn toàn trái pháp luật. Ngày 17/10/2006, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy ra quyết định: Hủy bỏ toàn bộ văn bản giao đất trái thẩm quyền cho 46 hộ dân. Thoái thu 379 triệu đồng đã thu trái pháp luật của 33/46 hộ dân. Đặc biệt, UBND huyện Kiến Thụy khi đó đã ra văn bản nhấn mạnh: “UBND xã Hải Thành phải chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc văn bản 340 ngày 6/2/1999 của UBND TP về việc nghiêm cấm giao đất, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê và xây dựng trên dọc tuyến 353 vào sâu 150m về hai phía”. Tháng 9/2007, UBND TP. Hải Phòng có Thông báo 285/TB-UBND về chủ trương thu hồi đất thực hiện Dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Thay vì hủy bỏ việc giao đất vào khu vực cấm đối với 46 hộ dân, trả lại 379 triệu đồng đã thu của các hộ dân, thì một danh sách 43 hộ dân đã được lập, chia lô, đánh dấu ghi tên bằng sơn đỏ đàng hoàng dọc tuyến đường 353 – gọi là danh sách “đất giao trái thẩm quyền”. Theo Nghị định 84/NĐ-CP ngày 25/5/2007, “đất giao trái thẩm quyền” cũng được bồi thường, vì thế, dự án đường cao tốc đã phải đền bù cho các hộ dân này tổng số tiền trên 80 tỷ đồng.

Điều đáng nói là trong danh sách các hộ dân nhận đền bù từ dự án nói trên có khá nhiều quan chức của Quận này. Điển hình là các ông Vũ Khắc Hưởng, Bí thư Quận ủy Dương Kinh, được nhận tiền đền bù từ Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng 1.512.500.000 đồng; ông Phạm Phú Xuất Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cũng được đền bù với số tiền tương tự.

Từ những căn cứ đó cho thấy những lô đất này được giao trái thẩm quyền và việc nhận tiền đền bù khi Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi qua là trái với quy định gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Hành vi nâng khống hồ sơ đền bù đất để rút ruột ngân sách, có lẽ không chỉ xảy ra ở Hải Phòng mà còn xảy ra ở nhiều địa phương khác. Không những vậy có nơi chính quyền còn cấu kết thành một ê kíp, ăn chặn tiền đền bù của dân , rút ruột từ ngân sách ra thì nhiều nhưng đền bù cho dân thì ít.

Thấy gì qua các con số: 30 năm canh tác, 5.000m2 đất, 2 triệu tiền bồi thường?

Sự việc gây xôn xao dư luận trong cả nước bởi đây không chỉ là việc thu hồi đất trái pháp luật của chính quyền địa phương mà dư luận còn “sốc” trước số tiền đền bù hơn 2 triệu đồng mà gia đình ông Lê Hồng Ngọc được nhận.  Đó là vụ cưỡng chế khu đất hơn 5.000m2 của ông Lê Hồng Ngọc, trú tại xóm 2 thôn Lão Cầu, xã Tiên Tân (Duy Tiên, Hà Nam).

Năm 1982, xứ Đồng Leo của thôn Lão Cầu (xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) là đất hoang hóa. Trước đó, một vài đơn vị quân đội đóng trên địa bàn xã xin mượn đất để tăng gia sản xuất nhưng vì chi phí cải tạo quá lớn nên không sử dụng được. Chính vì vậy, các đơn vị này đã trả lại cho UBND xã Tiên Tân. Cùng thời điểm đó, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông Lê Hồng Ngọc đã đứng ra xin nhận đất khu đất này. Để có thể cải tạo được khu đất 10,83 ha này, gia đình ông Ngọc đã tập trung công sức, chi phí để thuê người san lấp cho ruộng bằng phẳng, đắp bờ giữ nước để trồng lúa và thả cá. Mỗi năm làm một ít, vừa cải tạo vừa canh tác.

8.31 410x307 Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật đất đai   Bài 3: Muôn hình vạn trạng tham nhũng tập thể trong quản lý đất đai

Con đường trục xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, Hà Nam nằm trên diện tích hơn 5.000 m2 bị thu hồi với giá hơn 2 triệu đồng của gia đình ông Ngọc vẫn chưa thi công xong

Sau nhiều năm cải tạo đất, gia đình ông Ngọc đã cải tạo thành công để phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình trang trại với diện tích 10,83 ha (gồm 4,68 ha đất hai vụ lúa và 5,7 ha mặt nước thả cá và nuôi vịt đẻ) đồng thời, ký hợp đồng trồng lúa giống với Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Nam, trường Đại học Nông nghiệp I, cải thiện đời sống gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Gần 30 năm canh tác trên mảnh đất tự khai hoang, bao nhiêu vất vả, khó nhọc “máu trộn mồ hôi” mới có được như ngày hôm nay thì “đùng một cái”: UBND xã Tiên Tân có quyết định thu hồi hơn 5.000 m2 trong diện tích đất gia đình ông đang canh tác ổn định 2 vụ lúa/ năm để triển khai dự án làm tuyến đường trục xã Tiên Tân với giá đền bù cho gia đình ông Ngọc hơn 2 triệu đồng. Vì sao chính quyền ở tỉnh Hà Nam lại thu hồi diện tích rất lớn đất 2 lúa canh tác hiệu quả của gia đình ông Ngọc để làm một con đường dài gần 1 km, rộng tới 36m như vậy và việc thu hồi này để nhằm mục đích gì, kinh phí ở đâu khi mà con đường liên thôn chỉ cách con đường mới chỉ vài trăm mét? Qua tìm hiều gia đình ông Ngọc và người dân trong vùng mới biết con đường này được hình thành chủ yếu nhằm mục đích phục vụ cho một doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã làm bãi tập ô tô và phân lô bán kiếm kiếm lời. Không những thế, khi chính quyền xã tiến hành họp giải phóng mặt bằng, ông Ngọc không được mời, không được nhận quyết định thu hồi đất, không được nhận tờ kê khai đền bù về đất, hoa màu… mãi sau này gia đình ông Ngọc mới nhận được phương án đền bù do ông Phó Chủ tịch huyện Phạm Đức Luân ký

Không đồng tình với phương án đền bù bất hợp lý với công sức lao động đã bỏ ra trên diện tích đất 5.000 m2 gần 30 năm qua, gia đình ông Ngọc đã làm đơn khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền tỉnh Hà Nam.

Trong khi gia đình ông đang chờ các cơ quan chức năng này trả lời thì ngày 10/2/2010, UBND huyện Tiên Tân đã huy động 50 cán bộ, công nhân, công an và các cơ quan ban, ngành đến “cưỡng chế” gia đình phải giao đất dưới danh nghĩa “là bảo vệ việc làm đường” mà không có thông báo, không có quyết định “cưỡng chế”. Việc làm này không những trái quy định pháp luật mà còn gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình ông Ngọc.

Ngay sau đó, gia đình ông Ngọc đã làm đơn khiếu nại khẩn cấp lên UBND huyện Duy Tiên. Hơn hai tháng sau, ông Ngọc nhận được công văn của UBND huyện do chủ tịch Nguyễn Đức Vượng ký ngày 26/4/2010 với nội dung khẳng định hơn 5.000 m2 đất xã Tiên Tân quyết định thu hồi là do UBND xã Tiên Tân quản lý và việc bồi thường cho ông Ngọc hơn 2 triệu đồng là đúng pháp luật. Quá bức xúc trước việc bị xử lý “ép”, ông Ngọc đã phải khiếu nại lên cơ quan cấp trên. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công văn chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ kiểm tra, kết luận khiếu nại; việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Hồng Ngọc và tình trạng đơn, thư khiếu nại ở xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; tổ chức đối thoại công khai; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng, các đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Hà Nam…đã tiến hành kiểm tra, xác minh, tổ chức đối thoại với gia đình ông Ngọc. Qua những tài liệu, hồ sơ mà các bên liên quan cung cấp thì rõ ràng khu đất này không phải là đất công, cho nên với việc thu hồi mà chỉ đền bù hơn 2 triệu đồng/ 5.000 m2 cho gia đình ông Ngọc là quá bất công, trái với các quy định của luật đất đai. Song, không hiểu vì sao cho đến bây giờ các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam vẫn không xử lý dứt điểm khiến dư luận  đặt câu hỏi, phải chăng có “khuất tất” gì nên các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cố tình “ém” vụ việc và “lờ” đi những sai phạm của cấp dưới?. Còn gia đình ông Ngọc thì đang dài cổ trông chờ vào cách xử lý thấu tình đạt lý từ các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam cũng như của các bộ ngành có liên quan để trả lại quyền lợi chính đáng cho gia đình ông.

Qua những vụ án, vụ việc nêu trên mới thấy được sự cần thiết của việc sửa đổi Luật đất đai là rất cấp bách. Người dân kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật đất đai năm 2013 này sẽ “bịt” được những kẽ hở, để những “quan tham” không còn cơ hội tư lợi.

(Đón đọc tiếp trên TC Pháp lý kỳ phát hành đầu tháng 5/2013)

Nhóm PV chuyên mục Từ cuộc sống đến Nghị trường (tổng hợp)

tin cùng chuyên mục

 
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Chủ tịch Quốc hội: Lạm phát “quá tốt” do điều hành dở(15-05-2013)
  • Đừng để bị chi phối khi bỏ phiếu(13-05-2013)
  • Bỏ phiếu tín nhiệm 49 lãnh đạo cao cấp(13-05-2013)
  • Cán bộ cao cấp cần tiêu chuẩn gì?(11-05-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật Đất đai – Bài 4: Chưa bịt kín các kẽ hở của Luật 2003(09-05-2013)
  • Sẽ lập tòa án hiến pháp?(08-05-2013)
  • Báo chí và cơ quan điều tra có những kênh điều tra riêng(07-05-2013)
  • 30 ngàn tỷ nên dành giải cứu người nghèo(07-05-2013)
  • “Đề xuất của Bộ Công an sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân”(07-05-2013)
  • Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Chỉ nên giao quyền cho một cơ quan(07-05-2013)
  • Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Phóng viên điều tra sẽ bị “vặt bớt tay chân”(05-05-2013)
  • Hội đồng Hiến pháp – lựa chọn chính trị an toàn?(04-05-2013)
  • Đề xuất “C.A có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ nguồn tin” bị phản ứng(04-05-2013)
  • Lựa chọn tên nước không thể chỉ bằng tình cảm(03-05-2013)
  • ‘Một m2 đất lúa chuyển đổi cũng phải xin Thủ tướng’(26-04-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật đất đai – Bài 3: Muôn hình vạn trạng tham nhũng tập thể trong quản lý đất đai(24-04-2013)
  • Lấy phiếu tín nhiệm: Đừng để ‘hòa cả làng’(23-04-2013)
  • Đã đến lúc cần giáo dục liêm sỉ(23-04-2013)