Thứ sáu, ngày 13/12/2024 11:15:19 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Cán bộ cao cấp cần tiêu chuẩn gì?


Cập nhật: 8h0' ngày 11/05/2013


fiogf49gjkf0d

Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành (BCH) Trung ương Đảng đang diễn ra, trong 6 vấn đề thảo luận và quyết định, lần đầu tiên BCH Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược của đất nước, nhiệm kỳ 2016-2021. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, xung quanh vấn đề quy hoạch và sử dụng cán bộ.

Quy hoạch cán bộ cấp cao là cần thiết

Ông Vũ Quốc Hùng nói: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và các kỳ Đại hội trước đều coi vấn đề cán bộ quyết định hết thảy, tức là tầm quan trọng của quy hoạch cán bộ thì ai cũng biết. Lâu nay vấn đề quy hoạch cán bộ vẫn được đặt ra thường xuyên, nhưng chỉ nằm trong dự kiến cấp ủy, còn làm theo quy trình đầy đủ thì đây là lần đầu tiên có quy hoạch cấp chiến lược.

Muốn phát huy sức dân thì phải dân chủ với dân trong mọi việc, dân chủ ngay cả trong vấn đề nhân sự. Đó là vấn đề mấu chốt. Còn nếu chỉ có Đảng bàn, Đảng tiến cử để dân chấp nhận thì có lẽ chưa thuyết phục. Đảng lựa chọn, nhưng liệu người được lựa chọn ấy có được lòng dân hay không cũng là điều rất quan trọng. Thực sự thì nhiệm vụ của những người giữ vị trí lãnh đạo hiện nay tuy không hy sinh xương máu, nhưng rất nặng nề. Lựa chọn ai, đã đủ tầm về tài, đức hay chưa…, đó là bài toán rất lớn.

Cán bộ cấp chiến lược là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ. Ông đánh giá thế nào về công tác quy hoạch cán bộ thời gian qua?

Trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Thời gian qua, việc này đã được thực hiện một cách khá bài bản và đã đạt được những kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ cũng còn không ít hạn chế. Nhiều trường hợp chưa gắn với việc đánh giá cán bộ hoặc chưa căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ; chưa thật sự xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ công tác; chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ. Đặc biệt là chưa có tầm nhìn xa, dẫn đến tình trạng lúng túng, hụt hẫng mỗi khi cần bổ sung, thay thế. Bởi vậy mà đề án xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược ra đời là rất cần thiết.

161 410x230 Cán bộ cao cấp cần tiêu chuẩn gì?

Ông Vũ Quốc Hùng: “Lâu nay vấn đề quy hoạch cán bộ vẫn được đặt ra thường xuyên, nhưng chỉ nằm trong dự kiến cấp ủy, còn làm theo quy trình đầy đủ thì đây là lần đầu tiên có quy hoạch cấp chiến lược

Quy hoạch gắn với bồi dưỡng, sử dụng cán bộ

Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước cần có những tiêu chuẩn gì?

Để chọn được dội ngũ cán bộ lãnh đạo đất nước, đích thân Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải rà soát lại đội ngũ cán bộ và những người làm công tác cán bộ. Đó phải là những người trong sạch, có tâm và có tầm, có trách nhiệm. Toàn tâm là yêu nước, thương dân, họ mới đủ tầm làm công tác cán bộ. Còn người tham lam, ích kỷ, thu vén cá nhân, không thể chiến thắng bản thân thì không thể làm công tác cán bộ.

Làm công tác cán bộ không được nể nang né tránh, không vì sức ép nào cả. Cái đó trong văn kiện của Đảng đã nêu rõ, chỉ có làm hay không thôi. Để làm được việc này chỉ có cấp ủy mới thực hiện được. Bên cạnh đó, mọi cán bộ trước khi được bổ nhiệm phải qua rèn luyện chứ không phải ngẫu hứng, do cảm tình hay những lý do nào khác.

Nếu không làm nghiêm túc, không có một quy trình để tiến hành quy hoạch, tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ một cách dân chủ, công khai, có nguyên tắc thì sẽ nảy sinh tình trạng người được quy hoạch dần thoái hóa, biến chất. Thực tế cho thấy, một số cán bộ từ chỗ là người tốt, được tuyển chọn đúng, nhưng trước một tình hình mới, cương vị mới, họ lại đánh mất mình. Nhưng cũng có trường hợp, do tuyển chọn không đúng, tuyển những người không đủ phẩm chất vào những cương vị họ không xứng đáng, làm cũng có thể nảy sinh tình trạng cán bộ tha hóa.

Lâu nay vẫn có tình trạng, nhiều chủ trương, đường lối rất tốt, rất thiết thực, nhưng đến khi tổ chức thực hiện thì lại kém. Tôi nghĩ, mọi quy hoạch đều phải xuất phát từ nhiệm vụ, nhiệm vụ đó đã được cương lĩnh, chiến lược đề ra, do vậy phải chọn những con người thích ứng với nhiệm vụ đó, tức là từ việc chọn người chứ không phải từ người để sắp xếp việc. Như vậy, mới chọn được cán bộ phù hợp.

Thưa ông, đặt vấn đề nếu khi giới thiệu người để quy hoạch cấp chiến lược, nhưng người được giới thiệu lại bị tha hóa, không đủ năng lực và phẩm chất, thì người giới thiệu phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Nếu ai đó giới thiệu người nào đó, thì bản thân người giới thiệu hoặc tổ chức giới thiệu phải cung cấp thông tin về người được giới thiệu, có nghĩa là phải công khai về người được giới thiệu, nhưng quan trọng nhất là đức và tài, trong đó yếu tố đức là cốt lõi, nói cách khác là phải có “tâm” và “tầm”.

Thông thường, việc đó các cơ quan tổ chức của Đảng phải làm, mà cụ thể là Ban Tổ chức Trung ương và các cấp ủy, sau đó tổ chức Đảng ở cơ quan đó đề xuất. Còn những trường hợp “vỡ kế hoạch”, không xứng đáng thì phải xem nguyên nhân cụ thể. Còn những người giới thiệu hoặc tổ chức giới thiệu mà người đó thoái hóa biến chất thì phải kiểm điểm cả người giới thiệu và tổ chức giới thiệu. Chúng ta có quy định về trách nhiệm người đứng đầu. Một người tham nhũng thì người đứng đầu cơ quan đó cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.

Bởi vậy, những người làm công tác cán bộ phải là những người đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Điều đó thực hiện không khó, chỉ cần công khai hỏi dân, hỏi đảng viên. Tất cả các cơ quan phải công khai nhân sự trước khi đề bạt. Công khai là một trong nhiều giải pháp và có cơ quan chuyên trách có trách nhiệm xem xét những người đó. Còn công khai để niêm yết thì chưa đủ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thời gian qua, Bộ Chính trị đã sớm chỉ đạo triển khai việc xây dựng Đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Sau khi được Hội nghị Trung ương 6 khóa XI thông qua Đề án, Bộ Chính trị đã khẩn trương chuẩn bị để trình Hội nghị Trung ương lần này cho ý kiến về dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đồng chí Trung ương đã tích cực tham gia phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch. Tổng hợp kết quả phát hiện, giới thiệu, bước đầu cho thấy nguồn cán bộ khá dồi dào về số lượng, có đủ 3 độ tuổi cho các chức danh, trong đó có khá nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và có ý kiến sơ bộ về chức danh nhân sự dự kiến đưa vào Quy hoạch nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo”.

(Trích phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7  của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)

Theo Báo Giao thông vận tải

tin cùng chuyên mục

 
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Chủ tịch Quốc hội: Lạm phát “quá tốt” do điều hành dở(15-05-2013)
  • Đừng để bị chi phối khi bỏ phiếu(13-05-2013)
  • Bỏ phiếu tín nhiệm 49 lãnh đạo cao cấp(13-05-2013)
  • Cán bộ cao cấp cần tiêu chuẩn gì?(11-05-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật Đất đai – Bài 4: Chưa bịt kín các kẽ hở của Luật 2003(09-05-2013)
  • Sẽ lập tòa án hiến pháp?(08-05-2013)
  • Báo chí và cơ quan điều tra có những kênh điều tra riêng(07-05-2013)
  • 30 ngàn tỷ nên dành giải cứu người nghèo(07-05-2013)
  • “Đề xuất của Bộ Công an sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân”(07-05-2013)
  • Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Chỉ nên giao quyền cho một cơ quan(07-05-2013)
  • Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Phóng viên điều tra sẽ bị “vặt bớt tay chân”(05-05-2013)
  • Hội đồng Hiến pháp – lựa chọn chính trị an toàn?(04-05-2013)
  • Đề xuất “C.A có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ nguồn tin” bị phản ứng(04-05-2013)
  • Lựa chọn tên nước không thể chỉ bằng tình cảm(03-05-2013)
  • ‘Một m2 đất lúa chuyển đổi cũng phải xin Thủ tướng’(26-04-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật đất đai – Bài 3: Muôn hình vạn trạng tham nhũng tập thể trong quản lý đất đai(24-04-2013)
  • Lấy phiếu tín nhiệm: Đừng để ‘hòa cả làng’(23-04-2013)
  • Đã đến lúc cần giáo dục liêm sỉ(23-04-2013)