Thứ ba, ngày 08/10/2024 04:05:49 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Hình phạt cho tội hiếp dâm không đơn giản chỉ là ngồi tù


Cập nhật: 8h0' ngày 11/05/2013


fiogf49gjkf0d

Hiếp dâm trở thành  hành vi phạm tội phổ biến xảy ra ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, suốt từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ…Mặc dù hình phạt dành cho tội này không hề đơn giản, thậm chí ở một số quốc gia sự trả giá của những kẻ đồi bại không chỉ dừng lại ở việc ngồi tù.

Phạt tù là hình thức chung, phổ biến nhất

Hiện nay quan niệm trên thế giới về tội hiếp dâm rộng hơn ở nước ta rất nhiều. Nếu như Bộ luật Hình sự của Việt Nam chỉ quy định chủ thể gây tội hiếp dâm là nam giới còn nạn nhân là nữ giới thì ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ quy tội hiếp dâm cho bất cứ kẻ nào có hành vi buộc một người khác phải tham gia vào quan hệ tình dục với mình bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa mà người đó không đồng ý, không ý thức được, hoặc bị mất khả năng kiểm soát hành vi… Như vậy, không quan trọng yếu tố giới tính, có thể là nam giới, nữ giới, người đồng tính, hoặc thậm chí là hai vợ chồng, nếu một trong hai người bị buộc phải quan hệ tình dục trái ý muốn thì người còn lại đã phạm tội hiếp dâm và có thể bị xử lý theo pháp luật.

111 Hình phạt cho tội hiếp dâm không đơn giản chỉ là ngồi tù

Những cuộc biểu tình yêu cầu Chính phủ Ấn Độ tăng cường các biện pháp bảo vệ phụ nữ Ấn Độ bùng phát kể từ sau vụ án hiếp dâm tập thể nữ sinh trên xe bus hồi tháng 12/2012

Hiện nay hình phạt chung nhất cho tội hiếp dâm ở các nước trên thế giới vẫn là án tù. Ở Pháp, người phạm tội này có thể bị phạt tối đa là 15 năm tù, thậm chí nếu nạn nhân dưới 15 tuổi thì mức án có thể tăng lên tới 20 năm, trường hợp nạn nhân thiệt mạng thì tới 30 năm và nếu đi kèm với đó là hành vi tra tấn thì người phạm tội có thể bị tù chung thân. Tại Hungary, khung hình phạt dành cho tội này là từ 2 đến 8 năm; tại Nga là từ 4 đến10 năm (nếu có các tình tiết tăng nặng thì có thể hơn). Tại Mỹ, hình phạt dao động từ phạt tiền cho đến chung thân, tùy theo mức độ bạo hành; tuổi của nạn nhân và có hay không có việc sử dụng ma túy hoặc độc dược để làm nạn nhân mất khả năng chống đối.

Song giải pháp trừng phạt này tỏ ra ít thích hợp và không đem lại kết quả như mong đợi. Thực tế đã chứng minh rằng: nếu giam giữ dài ngày một kẻ phạm tội hiếp dâm thì có thể tránh cho cộng đồng khỏi chứng kiến những hành động tái phạm trong thời điểm đó nhưng hiệu quả của việc chữa trị kết hợp với hình phạt thì hoàn toàn bằng không, những kẻ phạm tội vẫn không ngần ngại tái phạm sau khi ra tù.

Phạt “cung hình” (thiến, hoạn)

Theo thống kê của Bộ Tư pháp Anh, trong vòng 5 năm qua có tới hơn 150 tội phạm tình dục bị kết án lại gây tội ác sau khi được tự do, trong số đó có nhiều người được ra tù trước thời hạn. Tại Mĩ, năm 1992 một nghiên cứu của Bộ Tư pháp đã cho thấy số năm tù trung bình cho một tội phạm hiếp dâm vào khoảng 11,8 năm nhưng thực chất thời gian thụ án thực sự của mỗi đối tượng chỉ có khoảng 5,4 năm (kết quả của những lần ân xá, giảm án) và những kẻ phạm tội sau khi được thả vẫn có xu hướng gây án trở lại, đe dọa đến cộng đồng… Trong khi những hình thức phạt tiền, phạt tù không phải là phương án tối ưu để chấm dứt tình trạng hiếp dâm ngày một gia tăng, đòi hỏi có một hình thức xử phạt mới.

Vào năm 1996 bang đầu tiên ở Mỹ ( bang California) đã tuyên bố cho phép sử dụng hóa chất để thực hiện “cung hình” (hoạn, thiến) đối với tội phạm hiếp dâm nhằm vào trẻ em dưới 13 tuổi hoặc phạm tội nhiều lần. Trong vụ án này, John William Money, một chuyên gia về giới tính học người Mỹ đã lần đầu tiên tiêm medroxyprogesterone acetate, hoá chất có tính kháng lại hoạt tính của testosterone vào một người bố lưỡng tính, kẻ đã quan hệ với chính con trai ruột mới 6 tuổi của mình. Sau đó, khoảng một chục bang khác trên nước Mỹ đã làm theo với những hình thức “cung hình” khác nhau, luật của bang Texas quy định hoạn bằng hình thức phẫu thuật, còn California, Georgia, Montana, Florida và Louisiana thì cho dùng hóa chất để gây rụng tinh hoàn…

Không chỉ Mỹ, hàng loạt các nước châu Âu như: Đức, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan, Estonia, Moldova cũng đều đã dùng biện pháp hoạn để “xử lý dứt điểm” loại tội phạm tình dục. Trong đó Cộng hòa Czech là quốc gia duy nhất ở châu Âu dùng hình phạt hoạn bằng phẫu thuật để xử tội phạm hiếp dâm, còn lại đa số các nước dùng hóa chất để thi hành án. Các nước khác như Argentina, Úc, Israel, New Zealand… cũng áp dụng hình phạt tương tự.

Ở châu Á năm 2010, Hàn Quốc trở thành nước đầu tiên ở châu lục này thông qua luật chống hiếp dâm bằng áp dụng cung hình. Đến tháng 5-2012 đã có “ca” đầu tiên bị xử lý. Đó là một phạm nhân 44 tuổi, đang thụ án tù 10 năm vì tội hiếp dâm bốn bé gái tuổi từ bốn đến chín, trong thời gian từ năm 1984 đến 2002. Vào thời điểm 2012 sắp mãn hạn tù nhưng theo nhận định của một ủy ban chuyên môn về tâm bệnh học, thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc, thì có nguy cơ rất cao là phạm nhân sẽ tiếp tục “ngựa quen đường cũ” sau khi ra tù nên buộc phải áp dụng cung hình. Cùng với đó chính phủ Hàn Quốc cũng cân nhắc việc công bố công khai tên tuổi, địa chỉ của những kẻ đã phạm tội hiếp dâm trên một trang web của chính phủ. Tiếp sau Hàn Quốc, tại Đông Nam Á, mới đầu tháng Giêng năm nay, đoàn luật sư Malaysia cũng đang đề nghị thi hành cung hình đối với kẻ phạm tội hiếp dâm nhiều lần.

Sau khi một số quốc gia đưa hình phạt cung hình vào áp dụng, có nhiều ý kiến cho rằng nó đã góp phần không nhỏ vào việc giảm đáng kể số lượng tội phạm tình dục, song bên cạnh đó hình phạt này cũng gây ra rất nhiều tranh cãi. Có nhiều người cho rằng nó không khác gì những nhục hình thời trung cổ, thậm chí ở một số quốc gia như ở Pháp hình phạt này bị cực lực lên án và bị cấm áp dụng do tinh thần tôn trọng cơ thể con người, không ai được cắt xẻo, làm biến dạng. Người ta đưa ra lí luận: nếu những việc hoạn, cắt xẻo có thể giúp cho nạn nhân tương lai tránh khỏi bị tấn công về tình dục thì chúng có thể lại có những hậu quả gián tiếp là chuyển bạo lực tình dục sang bạo lực giết người. Chưa kể đến, nếu xét về góc độ y học và khoa học tâm thần thì “cung hình” cũng không được đánh giá là một giải pháp dứt điểm: Hình phạt này có thể gây ra những tác dụng phụ như loãng xương, giảm khối lượng cơ, tăng nguy cơ bệnh tim và các vấn đề về hành vi sau này.

… Đến áp dụng mức án tử hình

Bên cạnh hình thức phạt tù hay cung hình, hiện nay ở một số quốc gia trên thế giới kẻ phạm tội hiếp dâm thậm chí có thể bị phạt tử hình. Như ở Ấn Độ, theo số liệu thống kê chính thức từ Cục Hồ sơ tội phạm Quốc gia cứ mỗi 22 phút trôi đi lại có thêm một phụ nữ hoặc trẻ em gái ở quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này bị cưỡng hiếp. Những vụ án kinh hoàng như vụ cưỡng hiếp trên xe bus ở New Delhi, nữ sinh 23 tuổi bị lột sạch quần áo, làm nhục, ném xuống đường gây thương tích nghiêm trọng dẫn tới tử vong, hay vụ một viên chức của bang Puniab nằm ở phía Bắc Ấn Độ bị bắn chết công khai khi cố gắng bảo vệ cô con gái khỏi sự quấy rối tình dục liên tiếp… đã không ngừng làm rung động dư luận, thôi thúc phụ nữ Ấn Độ và những người cấp tiến xuống đường nói lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này đã làm thay đổi rất lớn nhận thức của người dân và ép buộc các nhà chức trách Ấn Độ mạnh tay hơn.

Theo đó ngày 19 tháng 3 năm 2013 Dự thảo luật mới được Hạ viện Ấn Độ phê chuẩn, cho phép các thẩm phán tuyên mức án cao nhất là tử hình đối với tội phạm hiếp dâm. Luật mới quy định, kẻ phạm tội sẽ lĩnh án tử hình nếu nạn nhân chết hoặc chết não. Đối với tội hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em; quan chức chính phủ hoặc cảnh sát phạm tội sẽ phải lĩnh mức án tối thiểu 20 năm trở lên không được xét giảm án. Được biết việc xiết chặt hình thức xử phạt đối với tội phạm hiếp dâm mà chính phủ Ấn Độ đang tiến hành được xem là xuất phát từ chính những yêu cầu không thể trì hoãn và nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng quốc gia này.

Kết mở

Như vậy do từng điều kiện và quy định của mỗi quốc gia mà cách xác định đối tượng phạm tội hiếp dâm, cách đưa ra và áp dụng hình phạt dành cho tội hiếp dâm giữa các nước là không giống nhau. Hình phạt dành cho tội phạm hiếp dâm có thể phạt tiền, phạt tù, cung hình hoặc thậm chí là lĩnh án tử hình. Tuy nhiên dù áp dụng hình thức xử phạt nào đi chăng nữa, dù nặng dù nhẹ thì tất cả các quốc gia hiện nay vẫn chưa thể xóa bỏ được loại tội phạm này.

Có lẽ trong thời gian tới bên cạnh việc tiếp tục áp dụng những hình phạt cũ, cần có thêm những hoạt động chữa trị nhằm tới những kẻ tấn công tình dục. Vấn đề kết hợp giữa bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, tính dục học với cơ quan tư pháp các cấp để xử lý tội phạm tình dục cũng đang được đặt ra. Cả thế giới vẫn đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Hình phạt nào đủ sức mạnh chấm dứt hẳn tội hiếp dâm trên thế giới?”./.

PV

tin cùng chuyên mục

 
  • Vụ bắt gián điệp chứng tỏ điều gì về quan hệ Nga-Mỹ?(16-05-2013)
  • EU điều tra các tập đoàn dầu mỏ nghi thao túng giá(16-05-2013)
  • Vì sao Israel sợ Nga cung cấp S-300 cho Syria?(16-05-2013)
  • Philippines “nhún mình” xin lỗi Đài Loan(15-05-2013)
  • Kim Jong-un tiến thêm một bước tới cải cách(14-05-2013)
  • Trung Quốc chấn động vì quan tham bị vạch mặt(13-05-2013)
  • Philippines quyết đạt phân xử tranh chấp Biển Đông(13-05-2013)
  • Cái chết bí ẩn của “ông trùm”: Đại gia bị đầu độc?(12-05-2013)
  • Đài Loan ra tối hậu thư với Philippines(12-05-2013)
  • Đài Loan cảnh báo Trung Quốc “chọc gậy bánh xe”(11-05-2013)
  • Hình phạt cho tội hiếp dâm không đơn giản chỉ là ngồi tù(11-05-2013)
  • Nước Mỹ và tình trạng bất bình đẳng xã hội(11-05-2013)
  • Hillary Clinton: Tập Cận Bình thực dụng hơn Hồ Cẩm Đào(11-05-2013)
  • 45 triệu USD bị mất trong vụ cướp thế kỷ(10-05-2013)
  • Vì sao Phó Thủ tướng chủ chốt của Nga ra đi?(10-05-2013)
  • Mỹ hoan nghênh Trung Quốc “ra tay” với Triều Tiên(10-05-2013)
  • Chân dung chủ nô lệ tình dục gây chấn động nước Mỹ(09-05-2013)
  • Con gái Tập Cận Bình hẹn hò người thừa kế tập đoàn Sany?(09-05-2013)
  • Thuê nhầm cảnh sát chìm sát hại vợ cũ(09-05-2013)
  • Phó Thủ tướng Nga rời ghế sau bút chiến(09-05-2013)