Thứ sáu, ngày 13/12/2024 09:08:24 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật Đất đai – Bài 4: Chưa bịt kín các kẽ hở của Luật 2003


Cập nhật: 22h53' ngày 09/05/2013


fiogf49gjkf0d

(Pháp lý) – Luật Đất đai năm 2003 được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 26/11/2003. Sau gần 10 năm thi hành đã đạt được nhiều kết quả,  đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, với đà phát triển kinh tế hiện nay, Luật Đất đai 2003 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai vẫn gây nhức nhối,  các khiếu nại, tố cáo về đất đai vẫn có chiều hướng gia tăng.

>>Bài 1: Những vụ án đau lòng, những “quan” tham “lộ sáng”

>>Bài 2: Những “điểm nghẽn” của Luật Đất đai dưới “lăng kính” của các quan chức và nhà khoa học.

>>Bài 3: Muôn hình vạn trạng tham nhũng tập thể trong quản lý đất đai

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 239/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thời gian qua đông đảo các cơ quan, ban ngành và các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến.  Pháp lý  tổng hợp  một số nội dung quan trọng  được các cá nhân, tổ chức quan tâm góp ý, kiến nghị nhiều nhất  thời gian qua xung quanh Dự thảo Luật đặc biệt quan trọng này.

Cơ chế xác định giá đất : vẫn còn mơ hồ

Giá đất là vấn đề nhạy cảm, cơ chế định giá đất chưa khách quan, thiếu thực tiễn  là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp trong thời gian qua. Nhằm khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật đất đai sửa đổi (sau đây viết tắt là Dự thảo) đã đưa ra một số chính sách mới về vấn đề định giá đất. Nguyên tắc định giá đất dự kiến được sửa đổi theo hướng: “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường” thay cho nguyên tắc “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”. Bỏ quy định bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành và công bố vào ngày 1/1 hằng năm. Những dự kiến sửa đổi bổ sung này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn quan ngại về nguyên tắc định giá đất.

7.12 410x342 Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật Đất đai   Bài 4: Chưa bịt kín các kẽ hở của Luật 2003

Công tác quản lý, sử dụng và thu hồi đất đai luôn “nóng” trong thời gian qua (Ảnh minh họa)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng không thể chỉ nói một câu là “phù hợp với giá thị trường” vì rất mơ hồ và không thể có nguyên tắc đó được. “Từ lúc định giá đến lúc đền bù là khác nhau lắm rồi nên phải có nguyên tắc gì để định giá chứ không thể nói theo thị trường. Phải tính trọn gói cho dân, tôi đang định trồng lúa 50 năm anh lấy đất thì phải trả đủ cho tôi giá trị thu nhập của tôi trong 50 năm, phải tính lại chứ không thể nói gọn một câu như luật cũ”, Chủ tịch lưu ý.

Ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ – pháp luật, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TP Hà Nội nêu thực tế: “Trước đây Luật qui định “định giá đất sát giá thị trường”, bây giờ Dự thảo qui đinh “ định giá đất phù hợp với giá thị trường”. Tôi thấy cả hai cái này đều rất mù mờ, tới đây đưa vào thực tiễn chắc sẽ có những cãi vã về giá thị trường. Vì hiện nay giá đất vẫn lung tung, giá ảo. Làm sao có giá thị trường, đó là điều người dân quan tâm nhất”. Ông Vĩnh góp ý:  “Đối với các diện tích đất dùng vào mục đích quốc phòng – an ninh và phúc lợi xã hội, Nhà nước áp dụng hình thức trưng mua theo mức giá do một đơn vị chức năng thẩm định, phù hợp với thị trường. Nếu vì mục đích kinh doanh, thương mại thì chủ đầu tư phải thực hiện việc thỏa thuận với người dân. Theo đó, nếu mức giá đưa ra không được hơn 2/3 số người đồng thuận thì người dân có quyền thuê đơn vị khác để thẩm định độc lập. Nếu 2 giá đất do 2 đơn vị thẩm định khác nhau và không bên nào đồng ý thì các bên có thể khởi kiện ra tòa án.

Cùng quan tâm đến vấn đề này TS. Nguyễn Ngọc Tuấn – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, hiện là Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng cho rằng hiện nay một số nơi chưa có giá thị trường: “ Định giá đất, theo tôi là vấn đề trọng tâm của Chương VIII Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, rất nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và hàng triệu người dân. Tôi tán thành với nguyên tắc định giá đất trước đây phải bảo đảm: “Giá đất do Nhà nước quyết định phải sát với giá thị trường, tức là giá đất do Nhà nước định phải là giá thị trường tại thời điểm, địa điểm nhất định”.
Giá thị trường là một biến số luôn thay đổi, gần như không ổn định cho nên phải sát với giá thị trường, đây là một thông số rõ ràng cả về định tính và định lượng. Định giá đất theo dự thảo qui định  phải “bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”. Thế nào là phù hợp với giá thị trường, sẽ có nhiều quan điểm khác nhau, mỗi người theo vị trí, lợi ích của mình mà có cách hiểu khác nhau về phù hợp với giá thị trường. Khái niệm này không rõ ràng, không minh bạch, không đảm bảo tính thống nhất.

GS. Nguyễn Lang, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Kinh tế, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý: “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định giá đất phụ thuộc vào thu hoạch mà đất đó đem lại. Tuy nhiên, giá đất lại phụ thuộc vào quy luật của giá trị. Nếu đất nông nghiệp thì thu hoạch của nông dân, tức là giá nông sản sẽ thấp hơn rất nhiều so với công nghệ phẩm. Do đó, căn cứ vào giá trị đất đem lại cho người nông dân để tính giá đất là phi lý, hoàn toàn không căn cứ vào quy luật khách quan và quy luật giá trị. Dựa vào giá trị thu hoạch của đất mang lại chúng ta quên mất người nông dân dựa vào đất đó để nuôi sống đời ông, đời cha, đời con. Khi chúng ta đền bù lại không đảm bảo để người ta sống hết đời và đến đời con cháu. Giá đất còn phụ thuộc vào đặc điểm và giá trị sử dụng của mảnh đất. Tuy nhiên, chúng ta lại “ngắt” ra, cũng cùng mảnh đất nhưng địa giới hành chính khác nhau, chính quyền địa phương được quy định giá đất. Như vậy, giá đất phụ thuộc vào quản lý hành chính chứ không phụ thuộc vào quy luật giá trị”. Ban soạn thảo cần cân nhắc thực tế này để qui định trong Luật làm sao để dân không bị thiệt thòi

TS.Phạm Văn Võ – Chủ nhiệm bộ môn luật đất đai- môi trường, Trường ĐH Luật TP.HCM đề xuất vấn đề để dân thẩm định giá đất độc lập: “ Khiếu kiện đông người về đất đai hiện nay một phần xuất phát từ những bất cập của Luật đất đai qui định về giá đất. Nhà nước thu hồi đất, giao các chủ đầu tư dự án bồi thường không đúng giá thị trường nên người dân không đồng ý, dẫn đến khiếu kiện. Mấu chốt để giải quyết khiếu kiện là Nhà nước thu hồi (hoặc trưng mua) đất của người dân phải theo giá thị trường. Sau khi thu hồi, trưng mua đất của người dân xong, Nhà nước không nên giao trực tiếp cho chủ đầu tư mà giao cho tổ chức phát triển quỹ đất để bán đấu giá. Nhà nước nên thu hồi, trưng mua đất trong tất cả trường hợp cần phải xây dựng mới, làm dự án lớn lẫn nhỏ. Để công bằng, nếu giá đất để tính bồi thường do đơn vị thẩm định giá đầu tiên đưa ra không được người dân chấp nhận thì người dân có quyền thuê đơn vị khác để thẩm định độc lập. Nếu hai giá đất do hai đơn vị thẩm định khác nhau và không bên nào đồng ý, các bên có thể khởi kiện ra tòa án.

Theo TS Trần Du Lịch: “Chúng ta lâu nay nhầm lẫn điều 12 giữa quyền định đoạt của chủ sở hữu với quyền định đoạt của Nhà nước. Nhà nước đại diện quyền quy hoạch, chính sách tài chính đất… để chống đầu cơ. Đây là quyền của Nhà nước chứ không phải của quyền chủ sở hữu. Tôi thấy Dự thảo ghi giá thị trường là chỉ nói cho vui chứ không thể tìm được. Đi tìm giá thị trường là tìm lá diêu bông”.

Một đại biểu chia sẻ với Phóng viên: quy định đền bù theo giá thị trường mang tính định tính chứ không định lượng. Thế nào là sát, thế nào là phù hợp giá thị trường. Giá này là giá đất hay giá quyền sử dụng đất? Quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản, như vậy theo quy định về tài sản thì được Nhà nước bảo hộ, trong trường hợp cần thiết Nhà nước trưng mua, trưng dụng thì được đền bù theo giá thị trường, trong khi giá thị trường thì với người này giá trị 1 đồng nhưng với người khác giá của nó lên đến 10 đồng.

Câu chuyện thu hồi đất, giá đất, định giá đất sau rất nhiều dự thảo, nhiều ý kiến góp ý vẫn chưa có một hướng giải quyết thỏa mãn. Một đề xuất mang tính gợi ý đó là không nên dùng giá thị trường mà nên trả cho người dân 1 giá tương xứng (bao gồm vật chất và tinh thần: Việc làm, đền bù, điều kiện học hành…) chứ không phải là mua bán. Bởi thực tế cho thấy, nếu pháp luật có cơ chế bảo đảm cho người có đất bị thu hồi tham gia một cách thực chất vào quá trình thu hồi đất, định giá đất sẽ hạn chế được vấn đề dự án bị chậm vì giải phóng mặt bằng, khiếu nại, tố cáo.

Tiến tới xóa bỏ bao cấp trong sử dụng đất và phân định rạch ròi các quyền

Một thực tế đang xảy ra cần phải chú ý là khi Nhà nước giao đất cho chủ đầu tư, đất đó còn chưa là đất sạch, chưa có hạ tầng cơ sở (đường sá, điện nước…) mặc dù giá đất khi đó đã sát với giá thị trường nhưng còn thấp nhiều so với giá đất thị trường hình thành khi nhà đầu tư đã đầu tư làm xong cơ sở hạ tầng. Do đó phải giải quyết thỏa đáng điểm này, tránh đơn giản cho rằng khi đền bù cho dân thì giá thấp, khi bán lại thì giá cao, gây khiếu kiện. Nếu thực sự có giá chênh lệch đó thì Nhà nước phải thu về giải quyết thỏa đáng cho dân. Nếu giá tăng cao do kết quả đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở của nhà đầu tư thì nhà đầu tư được hưởng.

7.2 410x274 Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật Đất đai   Bài 4: Chưa bịt kín các kẽ hở của Luật 2003

Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chỉ có thể giảm đi khi mà những kẽ hở pháp luật về đất đai được bịt kín (Ảnh minh họa)

TS Nguyễn Ngọc Tuấn đưa ra các đề xuất giao UBND các tỉnh, thành định giá đất, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong sử dụng đất. Cụ thể ông chỉ rõ: “Dự thảo quy định: “Chính phủ quy định khung giá các loại đất, khi giá đất trên thị trường có biến động lớn thì điều chỉnh cho phù hợp”, quy định này theo tôi không khả thi vì Chính phủ không có điều kiện theo dõi sát sao diễn biến của giá thị trường. Nên giao hẳn cho UBND các tỉnh, thành phố quy định giá đất cho địa phương mình, như vậy khả thi hơn, sát hơn và nhanh hơn. Tôi nhất trí bỏ quy định về việc UBND ban hành và công bố giá đất vào ngày 1 tháng 1 hàng năm. Thực tế đã chứng minh quy định này mang tính hình thức, hành chính, không khả thi. “Đối với hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, tôi nhất trí cần tiến tới xóa bỏ bao cấp trong sử dụng đất, thực hiện bãi bỏ quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với các tổ chức sự nghiệp”. Đối với hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, tôi nhất trí cần tiến tới xóa bỏ bao cấp trong sử dụng đất, thực hiện bãi bỏ quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với các tổ chức sự nghiệp. Cần áp dụng hình thức thuê đất đối với các tổ chức sự nghiệp để họ sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Nếu áp dụng hình thức thuê đất, các tổ chức sự nghiệp sẽ sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả hơn.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Đại học Luật Hà Nội đánh giá cao Dự thảo luật đất đai đồng thời cũng đưa ra những góp ý : Về vấn đề định giá đất, cần tách thẩm quyền định giá đất ra khỏi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Việc duy trì cơ chế một cơ quan Nhà nước vừa có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất vừa có thẩm quyền quyết định giá đất sẽ dẫn đến nguy cơ tham nhũng và khiếu kiện.”Theo ông Tuyến, khi Luật Đất đai sửa đổi giao thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất cho UBND cấp tỉnh, huyện thì cần giao thẩm quyền định giá đất cho một hệ thống các cơ quan ở Trung ương được tổ chức theo ngành dọc. Đồng thời cần một cơ chế minh bạch hóa thông tin về nhà đầu tư trong trưng dụng, trưng mua quyền sử dụng đất như công khai thông tin về chủ đầu tư dự án tại cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh. Thông tin phải gồm tên doanh nghiệp kèm quyết định thành lập, báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp trong ba năm gần nhất, danh sách dự án mà doanh nghiệp làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đang thực hiện.

Góp ý chỉnh sửa Điều 109 quy định về bảng giá đất, đa số các ý kiến thống nhất theo phương án hai và đề nghị điều chỉnh thời gian từ 3 – 5 năm thay vì 5 năm như quy định trong Dự thảo để phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất khi bị thu hồi. Ý kiến này cho rằng, giá đất ổn định 5 năm là hợp lý nhưng nếu dự thảo Luật quy định giá đất theo phương án 2 chỉ áp dụng cho một số mục đích, còn các mục đích khác như: bồi thường khi thu hồi đất; thu tiền khi giao đất cho cán tổ chức phải định giá cho từng dự án sẽ phát sinh nhiều giá đất và dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng.

Thu hồi và đền bù giá trị đất: Làm sao cho dân phục và chống được tham nhũng từ nguồn lợi đất đai?

Theo GS.TS. Đặng Hùng Võ: Quyền thu hồi đất của nhà nước để ở phạm vi quá rộng, trong khi Hiến pháp không quy định cơ chế thu hồi đất (mà chỉ có cơ chế trưng thu, hoặc trưng mua). Hiến pháp qui định, sử dụng đất vì lợi ích quốc gia, công cộng, quốc phòng, an ninh thì nhà nước mới trưng mua, trưng thu quyền sử dụng đất. Nhưng Luật Đất đai mở rộng ra cả những dự án phát triển kinh tế, như vậy có cái gì đó không ổn, không thật thống nhất với Hiến pháp. Vì cơ chế quá rộng này, thực tế thời gian qua nhiều nơi đã làm lệch lạc khi triển khai các dự án thu hồi đất. Nhiều nơi thậm chí có ý đồ lợi dụng pháp luật – lợi dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất để có thể thu hồi rộng hơn, sau đó giao cho người này hay người kia; hoặc thu hồi đất giao cho các DN. Đó là một cơ chế chúng ta thấy diễn biến ở rất nhiều nơi; rất nhiều khiếu kiện liên quan tới cơ chế này. Áp dụng sai cơ chế, lợi dụng kẽ hở của cơ chế tạo ra tiêu cực là cái mà chúng ta phải tìm mọi cách để chống.

7.3 Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật Đất đai   Bài 4: Chưa bịt kín các kẽ hở của Luật 2003

Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chỉ có thể giảm đi khi mà những kẽ hở pháp luật về đất đai được bịt kín (Ảnh minh họa)

Nếu chỉ thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, an ninh, quốc phòng, không có chuyệ̣n thu hồi đất cho doanh nghiệp làm kinh tế thì câu chuyện đất đai sẽ dịu hơn rất nhiều. Hiện nay, chúng ta vẫn giao cho UBND cấp tỉnh định giá thu hồi đất một cách trực tiếp, như vậy “một ông vừa thu hồi đất lại vừa định giá” chắc chắn không thể khách quan được. Chỉ bằng một quyết định hành chính, người ta có thể thu hồi hàng chục, hàng trăm hécta đất của dân một cách quá dễ dàng. Có chuyên gia phân tích, đất đai đang có xu hướng tích tụ vào một số người thông qua các dự án, kể cả dự án công – nhưng thực chất là đầu cơ đất đai.

Phát biểu tại buổi đóng góp ý kiến sáng 4/3 của thường trực HĐND, UBND thành phố Hà Nội, Phó giám đốc Sở Nội vụ Phùng Văn Thiệp cho rằng, ngay trong lý do Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng cũng đã bao gồm các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, nếu quy định Nhà nước thu hồi đất ở các dự án phát triển kinh tế – xã hội sẽ rất dễ bị lợi dụng. Ông Thiệp đề nghị nên bỏ ý các dự án phát triển kinh tế – xã hội ở nội dung thu hồi đất.

Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ phân tích: nếu quy định như vậy thì trong mọi trường hợp đều có thể dùng quyền Nhà nước để thu hồi đất. Điều đó không bảo đảm quyền sử dụng đất là quyền tài sản được nhà nước bảo hộ như chính trong điều 58 dự thảo.

Góp ý trên website của Quốc hội, bạn đọc Đinh Cường cho rằng: “đất là tư liệu sản xuất, gắn liền với quyền lợi của mỗi công dân, nhà nước chỉ có quyền thu hồi trong trường hợp phục vụ an ninh quốc phòng, công trình giao thông, còn các mục đích khác thì phải trưng mua, khi được sự nhất trí của người dân mới được giải phóng mặt bằng, không ai có quyền cưỡng chế. Nếu vấn đề thu hồi đất đai, cơ chế xác định giá đất không quy định chặt chẽ thì tính khả thi của Luật sẽ khó thực hiện và người dân sẽ tiếp tục phải chịu thiệt thòi.”

Tổng hợp ý kiến từ Diễn đàn Chính sách về đất đai ở vùng dân tộc và miền núi của Ủy ban Dân tộc Quốc hội cũng cho thấy, từ góc độ chính sách, không cần thiết quy định quyền thu hồi đất bắt buộc phục vụ các mục đích kinh tế, bởi bản thân các cơ chế thị trường đã tạo ra các yếu tố kích thích thỏa đáng cho những người sử dụng đất bán các quyền sử dụng đất của họ cho các nhà đầu tư là những người có thể sử dụng đất có năng suất hơn.

Các đại biểu TP. Vũng Tàu cũng cho rằng: Trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội quy định như dự thảo luật là quá rộng, dễ dẫn đến lạm dụng, không giải quyết được việc hạn chế khiếu nại của nhân dân. Đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định rõ quy mô dự án như thế nào thì chính quyền thực hiện việc thu hồi đất, còn lại nhà đầu tư phải thực hiện thỏa thuận với người đang sử dụng đất”.

Liên quan đến vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa các bên sử dụng, quản lý đất đai,  TS Phạm Văn Võ – Phó trưởng khoa Luật thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM -cho rằng,  các quy định về cơ chế thu hồi đất được nêu trong dự thảo còn sơ sài, thiếu cụ thể. Sửa luật không phải như anh thợ hàn, xì chỗ nào, hàn chỗ đó, mà phải là một chiến lược lâu dài. Quyền nhà nước ở đây quá lớn, vừa có quyền giao đất, ra quyết định thu hồi đất, rồi cưỡng chế. Khi người dân khiếu nại quyết định thu hồi đất thì Nhà nước lại dùng quyền lực của mình để xử lý, làm sao có thể công tâm?

Bàn về vấn đề này TS Phạm Văn Võ. Chủ nhiệm bộ môn luật đất đai – môi trường, trường ĐH Luật TP.HCM  đề xuất thu hồi đất qua kênh dân sự: “ Một khi xem quyền sử dụng đất như quyền tài sản thì Nhà nước thu hồi đất hay trưng mua, trưng dụng đất của người dân phải bồi thường theo giá thị trường theo quy định của điều 23 Hiến pháp 1992. Lúc này, quan hệ giữa Nhà nước và người sử dụng đất là quan hệ tài sản và Nhà nước thu hồi đất, giao đất… của dân cũng phải thông qua những kênh dân sự. Ví dụ: nếu Nhà nước cho thuê đất hoặc giao đất cho người dân, nay muốn lấy lại mà dân không chịu trả thì phải khởi kiện ra tòa án. Tòa tuyên án dân phải trả đất mà dân không trả thì phải nhờ cơ quan thi hành án cưỡng chế thu hồi đất.

Trong quan hệ đất đai hiện tại, Nhà nước vừa là đại diện chủ sở hữu đất đai nhưng vừa là chủ thể hành chính. Khi người dân khiếu nại về quyết định giao đất, thu hồi đất của UBND cấp tỉnh thì cũng chính cơ quan này ra quyết định giải quyết khiếu nại. Lúc này, Nhà nước vừa là chủ thể thực hiện quyền tài sản nhưng cũng là người giải quyết khiếu nại trong quan hệ tài sản của mình với người khác, lại là người thực hiện quyết định cưỡng chế… Chính sự nhập nhằng giữa “hai vai” dẫn đến quan hệ đất đai thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề. Muốn giải quyết được vấn đề này, tôi nghĩ Nhà nước không nên giao đất cho các tổ chức, cá nhân bằng quyết định hành chính mà nên thông qua một tổ chức (có thể là tổ chức phát triển quỹ đất) để bán đất cho người sử dụng đất. Khi Nhà nước cần đất để thực hiện các dự án thì phải trưng mua, trưng dụng của người dân.

Bên cạnh đó, luật nên quy định cơ chế để người dân có thể giám sát Nhà nước thực hiện việc giao đất. Hồ sơ giao đất phải công khai, minh bạch, người dân, cơ quan, tổ chức nào muốn tiếp xúc với hồ sơ giao đất, hồ sơ địa chính để kiểm tra, giám sát quá trình giao đất đều phải được đáp ứng, không có vùng cấm.”

Một độc giả góp ý sửa Điều 202: quy định về “trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai” đã có từ trước trong luật đất đai cũ (Điều 143), nay lại giữ nguyên nội dung đưa vào điều mới (Điều 202 dự thảo). Tuy nhiên, trên thực tế quy định này đã không có hiệu quả thực thi cao, đây là lý do dẫn đến tình trạng khiếu kiện do vi phạm về đất đai vẫn tiếp tục tăng cao, chiếm đến khoảng 70% các vụ khiếu kiện. Do đó, quy định này cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tế hơn. Vì vậy, đề nghị sửa Điều 202 là: “Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Bộ Tài nguyên và môi trường, trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai :1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Bộ Tài nguyên và môi trường, chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai của cấp dưới mình quản lí trực tiếp.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm về đất đai của cán bộ cấp xã và công dân”.

Và vấn đề hậu thu hồi đất

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2008 đến năm 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 1.571.505 lượt người đến khiếu nại, tố cáo với 830.855 vụ việc; đã xử lý 583.673 đơn khiếu nại và 89.317 đơn tố cáo. Nội dung khiếu nại của công dân tập trung chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm trên 70%), trong đó tập trung nhiều nhất là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội. Chính vì thế, khi lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần này các ý kiến tập trung vào những vướng mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ.

Ông Phạm Văn Ngọc – Giám đốc Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng về môi trường, thành viên nhóm tiến hành tham vấn cho biết: Nhiều người dân khi được hỏi cho rằng họ muốn được đầu tư cùng và cho thuê lại. Người dân không ủng hộ việc bồi thường bằng tiền bởi sau khi thu hồi đất, người dân không còn đất, không biết làm gì. “Đã bị thu hồi thì dù có bồi thường cách gì thì quyền lợi của người dân cũng khó được đảm bảo. Không phải ai cũng có thể thay đổi sinh kế trong ngày một ngày hai.”. Ông Ngọc cũng lí giải “Trước, chúng ta quan niệm như vậy sẽ dẫn đến người dân phải làm thuê, làm mướn. Tuy nhiên, cần phải nhìn theo khía cạnh có như vậy mới tận dụng được khoa học kỹ thuật và nguồn lực để tăng hiệu quả của đất”. Riêng về những quy định liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất, ông Ngọc cũng chia sẻ: Bà con đều mong muốn chỉ cưỡng chế thu hồi trong trường hợp sử dụng sai mục đích và vi phạm pháp luật.

Bên cạnh vấn đề không ủng hộ bồi thường bằng tiền là ý kiến cần giao đất lâu dài. Ông Vũ Quốc Tuấn – Trưởng ban cố vấn liên mạng vận động chính sách (INPA) cho rằng cần phải có tư duy đột phá trong việc sửa đổi lần này đồng thời đưa ra 6 kiến nghị cụ thể như: “Cần phải giao đất nông nghiệp cho nông dân sử dụng ổn định, lâu dài (không có thời hạn). Đối với đất nông nghiệp nên xóa bỏ hạn điền, để cho phép nông dân tích tụ ruộng đất. Thu hồi đất thì phải phân làm hai loại, nếu vì mục đích an ninh quốc phòng thì phải áp dụng cơ chế trưng mua, nếu vì mục đích kinh tế thì theo giá thỏa thuận…”

Kết mở

“Tài chính về đất đai và giá đất là tài sản quan trọng của mỗi quốc gia. Thực hiện đúng, hợp lý sẽ đem lại nguồn thu có lợi cho dân, cho nước, ngược lại, làm không đúng sẽ làm lợi cho một nhóm người”
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 190 điều (so với Luật Đất đai năm 2003 tăng thêm 6 chương và 44 điều với hai chương mới được bổ sung) đã nhận được sự đồng tình của Ủy ban Kinh tế Quốc hội – cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật. Được đánh giá là có nhiều đổi mới và khắc phục được khá nhiều thiếu sót, bổ sung. Tuy nhiên nhiều nội dung quan trọng được qui định trong Dự thảo đến nay hiện vẫn có nhiều ý kiến góp ý nhất vẫn là các vấn đề nóng hổi thời gian qua,  như: Giá đất, cơ chế xác định giá đất, thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, xác định giá đất để đền bù, thời hạn giao đất nông nghiệp, cơ chế giao đất không thu tiền sử dụng, cho thuế đất…, cơ chế  kiểm soát quyền lực đối với cơ quan quản lý có thẩm quyền giao đất , thu hồi đất, vấn đề hậu thu hồi đất…

Với tầm quan trọng của Luật Đất đai ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế, xã hội, người dân rất kỳ vọng vào sự sửa đổi lần này. Chỉ có sửa đổi căn bản, sửa trúng những vấn đề bức xúc, bịt kín những lỗ hổng của Luật cũ mới là “cây gậy” pháp lý giải quyết được các bức xúc, tranh chấp triền miên, chống được tham nhũng từ nguồn lợi đất đai. Người dân mong mỏi các đại biểu Quốc Hội phải thận trọng trước khi bấm nút thông qua. Và nếu những “kẽ hở” của dự thảo Luật đất đai mới vẫn chưa được bịt kín thì có thể Luật Đất đai lại tiếp tục phải sửa nữa trong tương lai không xa.

Nhóm PV chuyên mục Từ cuộc sống đến Nghị trường ( tổng hợp).

tin cùng chuyên mục

 
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Chủ tịch Quốc hội: Lạm phát “quá tốt” do điều hành dở(15-05-2013)
  • Đừng để bị chi phối khi bỏ phiếu(13-05-2013)
  • Bỏ phiếu tín nhiệm 49 lãnh đạo cao cấp(13-05-2013)
  • Cán bộ cao cấp cần tiêu chuẩn gì?(11-05-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật Đất đai – Bài 4: Chưa bịt kín các kẽ hở của Luật 2003(09-05-2013)
  • Sẽ lập tòa án hiến pháp?(08-05-2013)
  • Báo chí và cơ quan điều tra có những kênh điều tra riêng(07-05-2013)
  • 30 ngàn tỷ nên dành giải cứu người nghèo(07-05-2013)
  • “Đề xuất của Bộ Công an sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân”(07-05-2013)
  • Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Chỉ nên giao quyền cho một cơ quan(07-05-2013)
  • Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Phóng viên điều tra sẽ bị “vặt bớt tay chân”(05-05-2013)
  • Hội đồng Hiến pháp – lựa chọn chính trị an toàn?(04-05-2013)
  • Đề xuất “C.A có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ nguồn tin” bị phản ứng(04-05-2013)
  • Lựa chọn tên nước không thể chỉ bằng tình cảm(03-05-2013)
  • ‘Một m2 đất lúa chuyển đổi cũng phải xin Thủ tướng’(26-04-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật đất đai – Bài 3: Muôn hình vạn trạng tham nhũng tập thể trong quản lý đất đai(24-04-2013)
  • Lấy phiếu tín nhiệm: Đừng để ‘hòa cả làng’(23-04-2013)
  • Đã đến lúc cần giáo dục liêm sỉ(23-04-2013)