Về vấn đề này, Luật sư Trần Phi Đại - Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết:
Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định một số trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Trong đó, Khoản 5, Điều 36 quy định việc tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Ngoài ra, Khoản 1, Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế cũng quy định các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh bao gồm:
a) Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
b) Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
c) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
d) Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
"Đến nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định mức nợ thuế bao nhiêu, mà chỉ cần nợ thuế thì sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh", Luật sư Đại nói.
Luật sư Đại cũng khuyến cáo, để tránh bị tạm hoãn xuất cảnh, người dân, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nên chủ động tra cứu các thông tin về nợ thuế thông qua các trang điện tử của Tổng cục thuế hay phần mềm ứng dụng về thuế điện tử etax mobile có thể cài trên điện thoại di động để biết mình hoặc doanh nghiệp do mình đại diện theo pháp luật có nợ thuế hay không.
Bởi lẽ, thực tế có nhiều người không biết mình hay doanh nghiệp do mình đại diện theo pháp luật có nợ thuế hay không, chỉ khi chuẩn bị xuất cảnh mới biết bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế.