Đại hội Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) lần thứ II được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, với chủ đề "Hoà bình, nhân quyền và vai trò của pháp luật ở Châu Á – Thái Bình Dương".
Từ ngày 29 đến ngày 31/8, Hội Luật gia Việt Nam đã cử đoàn cán bộ do bà Lê Thị Kim Thanh - Phó Chủ tịch Hội, làm trưởng đoàn đi tham dự Đại hội của Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) lần thứ II tại Tokyo, Nhật Bản, với chủ đề "Hoà bình, nhân quyền và vai trò của pháp luật ở Châu Á – Thái Bình Dương".
Với sự tham gia của hơn 80 đại biểu là luật gia, luật sư của 10 nước thành viên COLAP và gần 100 luật sư Nhật Bản, Hội nghị đã đề cập đến các vấn đề cụ thể gồm: Hòa bình và chủ nghĩa đế quốc; Nhân quyền; Môi trường; Nghề luật sư và hệ thống tư pháp; Luật An ninh và Chống khủng bố; Quyền của người lao động và các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội; Quyền của người di cư và các vấn đề mà người di cư phải đối mặt.
COLAP là một chức luật gia của các nước Châu Á – Thái Bình Dương, được thành lập từ năm 2016, hiện có 11 tổ chức thành viên đến từ 11 nước trong khu vực, trong đó có Hội Luật gia Việt Nam.
Đại hội COLAP được tổ chức theo định kỳ 3 năm một lần để bàn thảo các vấn đề pháp luật đang nổi cộm, đưa ra định hướng hoạt động cho nhiệm kỳ mới và bầu Ban lãnh đạo mới.
Tại hội nghị, đại diện của Hội Luật gia Việt Nam đã có 3 bài tham luận về chủ đề Biển Đông, chủ đề môi trường và chủ đề buôn bán người.
Đặc biệt, tại Đại hội lần này, COLAP đã bầu ra Ban lãnh đạo mới nhiệm kỳ 2024 – 2027, gồm 1 Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 1 Tổng thư ký, trong đó, bà Lê Thị Kim Thanh - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, đã được bầu làm Phó Chủ tịch COLAP.
Cuối hội nghị, Đại hội đã thống nhất ra Tuyên bố Tokyo, trong đó có đoạn liên quan đến vấn đề Biển Đông, như sau:
Tranh chấp tại Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng. Các diễn biến gần đây trên Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng và đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực và có thể leo thang thành xung đột quân sự.
Do đó, COLAP kêu gọi dừng toàn bộ các hoạt động quân sự hóa và khiêu khích tại Biển Đông; tuân thủ luật pháp Quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); đối thoại song phương và đa phương giữa các quốc gia liên quan để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình.
Theo Nguoiduatin.vn