Thứ bảy, ngày 21/09/2024 11:04:36 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Nhận diện những bất cập trong một số Luật thuộc lĩnh vực đầu tư, tài chính và kiến nghị sửa đổi (bài 3)


Cập nhật: 5h56' ngày 04/09/2024


 09:34 03/09/2024

(Pháp lý) – Nghiên cứu từ thực tế cho thấy khá nhiều quy định pháp luật thuộc lĩnh vực đầu tư kinh doanh và tài chính đã và đang làm khó doanh nghiệp, nhà đầu tư, tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Tiếp theo bài trước, Pháp lý tiếp tục nhận diện một số bất cập trong Luật Quản lý thuế 2019 và Luật Kế toán 2019.
1-1725330875.jpg

Cần sớm sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế 2019 để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển (Ảnh minh hoạ)

2 bất cập lớn trong Luật Quản lý thuế 2019

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/72020 (thay thế Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13).Đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định và ban hành 08 Thông tư hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh (đến nay cả nước có gần 1 triệu DN, gần 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế TNCN), Luật Quản lý thuế 2019 bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Trong đó nổi cộm:

+ Luật điều chỉnh chưa rõ, khó thu thuế nhà cung cấp dịch vụ TMĐT ngoài nước

Tại khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế hiện hành quy định về nguyên tắc kê khai tính thuế, đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Quy định như vậy dẫn đến một số nhà cung cấp ở nước ngoài cho rằng, trường hợp họ có hình thành cơ sở thường trú tại Việt Nam thì không thuộc đối tượng phải đăng ký thuế, kê khai nộp thuế theo quy định. Trong khi đó để buộc nhà cung cấp ở nước ngoài trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam là vô cùng khó…

Hiểu theo nội dung điều chỉnh trên, nhà cung cấp ở nước ngoài có quyền chỉ thực hiện nghĩa vụ là đối tượng nộp thuế TNDN trên phần lợi nhuận phân bổ cho cơ sở thường trú theo quy định của pháp luật thuế TNDN và Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (ví dụ như trường hợp của Booking.com). Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về thuế GTGT và pháp luật về thuế TNDN, thì các nhà cung cấp nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam, thì nhà cung cấp ở nước ngoài thuộc đối tượng nộp thuế TNDN và GTGT.

Ngoài ra, tại điểm đ khoản 1, khoản 3 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC (sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC) quy định tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự thuộc trường hợp tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, bao gồm tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân, tổ chức trong nước là đối tác của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thực hiện chi trả thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số cho cá nhân theo thỏa thuận với nhà cung cấp nước ngoài. Đối với việc trực tiếp khai thuế của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT, pháp luật hiện hành chưa có quy định riêng mà áp dụng chung như đối với hộ, cá nhân kinh doanh truyền thống. Do đó, cần bổ sung quy định về các trường hợp khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT và việc trực tiếp khai thuế để cải cách thủ tục hành chính, tập trung đầu mối, đáp ứng việc kê khai, nộp thuế phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh doanh TMĐT; đồng thời mở rộng nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

+  Đang bỏ ngỏ chế tài trách nhiệm cơ quan thuế có lỗi trong việc chậm hoàn thuế

Khoản 3 Điều 75 Luật Quản lý thuế 2019 quy định: Quá thời hạn quy định đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước hoặc đối với trường hợp hồ sơ thuộc diện kiểm tra hoàn thuế, nếu việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Nguồn tiền trả lãi được chi từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Tuy nhiên tại khoản 9 Điều 18 cũng của Luật Quản lý thuế hiện hành quy định nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế: “Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước”.

Trong khi đó theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, khoản tiền lãi phải trả cho người nộp thuế được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường. Nghĩa là có sự vênh nhau, không thống nhất về điều kiện trả lãi và số tiền lãi phải trả giữa Luật Quản lý thuế và Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Bên cạnh đó cho đến nay vẫn chưa văn bản nào quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hoàn trả tiền lãi cho người nộp thuế và kinh phí chi trả. Do vậy mà chưa có một tổ chức, cá nhân nào thuộc cơ quan quản lý có lỗi trong chậm hoàn thuế bị chế tài trách nhiệm, trong khi doanh nghiệp bị nợ thuế dù chỉ một ngày cũng bị chế tài.

Sự bất cập trên là nguyên nhân dẫn tới câu chuyện doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế GTGT và rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn về tài chính kéo dài, nhưng nhiều năm qua chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục. Hồi tháng 6 năm nay, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành như gỗ, giấy, cao su liên tục phản ánh việc bị nợ hoàn thuế cả nghìn tỷ đồng khiến “sức khỏe” doanh nghiệp bị kiệt quệ.

Kiến nghị:  (i)Để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế, bao quát đầy đủ nguồn thu đối với hoạt động này, cần phải sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 42 về nguyên tắc khai thuế, tính thuế theo hướng bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam”; (ii) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 90 để đảm bảo bao quát hết các trường hợp (liên quan đến sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp ở nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số) và phù hợp với thực tế nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.

(ii) Trước thực trạng chậm hoàn thuế GTGT khiến doanh nghiệp khốn đốn, theo chúng tôi, cần sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế theo hướng “có qua có lại”, công bằng về trách nhiệm đối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Nếu việc chậm hoàn thuế có lỗi của cơ quan quản lý thuế thì cũng phải chịu chế tài trách nhiệm sòng phẳng. Theo đó đối với quy định tại khoản 3 Điều 75, thay vì nguồn tiền trả lãi do lỗi của cơ quan quản lý thuế (theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước), được chi trả từ ngân sách nhà nước, phù hợp theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Sự bình đẳng về chế tài là biện pháp để bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế và đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong quản lý thuế, nâng cao tính tuân thủ và sự hài lòng của người nộp thuế.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư – CIEM): “Hãy đặt vấn đề vậy việc cơ quan thuế chậm hoàn thuế cho DN, như hình thức chiếm dụng vốn của DN, gây thiệt hại cho DN không có nguồn tài chính kịp để tái sản xuất, thiệt hại này đến nay không thể đong đếm được. Trong thực thi việc thu thuế, dường như chúng ta đang tập trung "tội" của DN nhiều hơn, mà chưa hề xem xét vai trò trách nhiệm của ngành thuế chậm hoàn thuế gây thiệt hại cho DN”

Luật Kế toán năm 2019: Còn làm khó doanh nghiệp và thiếu chế tài răn đe

2-1725330882.jpg

Một số qui định của Luật Kế toán 2019 còn làm khó doanh nghiệp

Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2019 có hiệu lực lực thi hành từ ngày 01/7/2020 là văn bản pháp lý cao nhất hiện nay để kiểm tra việc thực hiện công tác tại các đơn vị có thực hiện hoạt động sản xuất - kinh doanh và hoạt động thu, chi ngân sách. Tuy nhiên, sau 3 năm vận hành vào thực tế, một số điều khoản trong Luật Kế toán 2019 bộc lộ sự thiếu đồng bộ và chưa thật thống nhất, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể:

+ Quy định về thời gian kiểm tra kế toán cho mỗi cuộc là quá dài

Luật Kế toán 2019 đã có điều chỉnh bổ sung về thời gian kiểm tra kế toán so với Luật Kế toán 2015. Theo đó tại Điều 36, quy định thời gian kiểm tra tối thiểu, tối đa cho một cuộc kiểm tra kế toán do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán quyết định nhưng không quá 10 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của Bộ luật Lao động). Trường hợp nội dung kiểm tra phức tạp, cần có thời gian để đánh giá, đối chiếu, kết luận, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán có thể kéo dài thời gian kiểm tra; thời gian kéo dài đối với mỗi cuộc kiểm tra không quá 05 ngày, không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của Bộ luật Lao động. Như vậy, thời gian tối đa đối với mỗi cuộc kiểm tra kế toán là 15 ngày.

Các doanh nghiệp cho rằng, thời gian kiểm tra cho một đợt theo quy định của Luật là quá dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Sự bất hợp lý còn ở chỗ, không có sự phân biệt thời gian kiểm tra khác nhau cho các doanh nghiệp có quy mô hoạt động không giống nhau. Mặc dù tại khoản 4 Điều 37 có quy định, Đoàn kiểm tra kế toán phải tuân thủ trình tự, nội dung, phạm vi và thời gian kiểm tra, không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị kế toán và không được sách nhiễu đơn vị kế toán được kiểm tra nhưng thực tế cho thấy rất khó có căn cứ để doanh nghiệp bị kiểm tra chứng minh mặt tiêu cực này. Điều này dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền kéo dài về thời gian đến tối đa của cơ quan có chức năng khi kiểm tra kế toán ở các cơ quan đơn vị và doanh nghiệp có quy mô nhỏ…

+ Còn nhiều hành vi bị nghiêm cấm chưa rõ chế tài xử lý

Điều 13 Luật Kế toán 2019 quy định 15 hành vi bị nghiêm cấm trong hành nghề kế toán và tổ chức thực hiện công tác kế toán tại các cơ quan đơn vị và doanh nghiệp. Tuy nhiên còn nhiều nội dung điều chỉnh có nội hàm chưa cụ thể, đặc biệt là chưa làm rõ chế tài xử phạt với từng hành vi vi phạm cụ thể nên tính răn đe chưa cao. Chẳng hạn đối với các hành vi sau đây rất khó để xác định có căn cứ: (i) Thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán hoặc tài liệu kế toán khác (khoản 1); Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật (khoản 2); Mua chuộc, đe dọa, trù dập, ép buộc người làm kế toán thực hiện công việc kế toán không đúng với quy định (khoản 6); Kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật (khoàn 14)…

Cho đến nay mặc dù đã có Luật Kế toán 2019 nhưng vẫn chưa có Nghị định nào thay thế Nghị định 41/2018/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Theo đó các hành vi bị xử phạt VPHC được điều chỉnh trong Nghị định này chủ yếu tập trung vào chế tài công tác kế toán (vi phạm về sổ kế toán; báo cáo tài chính; chứng từ kế toán; bảo quản lưu trữ tài liệu kế toán; vi phạm về kinh doanh dịch vụ kế toán…), nghĩa là chưa có chế tài tương thích đối với các hành vi bị cấm nói trên. Điều 221 BLHS năm 2015, điểm đ khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi BLHS năm 2017, được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi BLHS năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng có khung hình phạt lên tới 20 năm. Tuy nhiên pháp luật hình sự cũng chỉ dừng lại chế tài đối với khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 13 Luật Kế toán hiện hành, quan trọng hơn để cấu thành tội phạm hình sự là câu chuyện không hề đơn giản.

Kiến nghị: (i) Để không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh và phát triển; theo chúng tôi cần phải sửa đổi Điều 36 Luật Kế toán 2019 có nội dung điều chỉnh rút ngắn thời gian cho một cuộc kiểm tra: Đối với trường hợp phức tạp (cần có thời gian để đánh giá, đối chiếu, kết luận), cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán có thể kéo dài thời gian kiểm tra cho một cuộc kiểm tra nhưng không quá 12 ngày; đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, thời gian kiểm tra cho một cuộc không quá 07 ngày, với những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thời gian cho một cuộc kiểm tra không quá 05 ngày; (ii) Việc kiểm tra kế toán chỉ thực hiện khi có căn cứ cho rằng, doanh nghiệp đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật (không nên tiến hành thường xuyên theo định kỳ).

(ii) Để tăng cường sự răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kế toán, rất cần có Nghị định bổ sung thay thế Nghị định 41/2018/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Theo đó cùng với sửa đổi bổ sung các hành vi phải  chịu TNHS, Nghị định cần cụ thể các chế tài xử phạt cho từng hành vi vi phạm pháp luật, cần xem xét đến các nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan chi phối đến đạo đức của người vi phạm. Có như vậy mới ngăn chặn được các hành vi vi phạm pháp luật về kế toán có thể xẩy ra trong tương lai làm ảnh hưởng đến chất lượng và làm sai lệch thông tin mà kế toán cung cấp cho các đối tượng có liên quan. Bởi hệ quả của việc cung cấp sai thông tin kế toán dưới bất cứ hình thức nào cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý và điều hành của các nhà quản trị doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư, người cho vay, quan hệ giao dịch mua, bán… từ đó ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.   

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Kế toán. Dự thảo đề xuất 2 chính sách gồm: (i) Chính sách 1: Tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung chính sách gồm: Áp dụng Chuẩn mực quốc tế về kế toán (IFRS) và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam; (ii) Chính sách 2: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật (Nguồn Chinhphu.vn)

 
 Minh Trung
 
 

tin cùng chuyên mục

 
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Chủ tịch Quốc hội: Lạm phát “quá tốt” do điều hành dở(15-05-2013)
  • Đừng để bị chi phối khi bỏ phiếu(13-05-2013)
  • Bỏ phiếu tín nhiệm 49 lãnh đạo cao cấp(13-05-2013)
  • Cán bộ cao cấp cần tiêu chuẩn gì?(11-05-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật Đất đai – Bài 4: Chưa bịt kín các kẽ hở của Luật 2003(09-05-2013)
  • Sẽ lập tòa án hiến pháp?(08-05-2013)
  • Báo chí và cơ quan điều tra có những kênh điều tra riêng(07-05-2013)
  • 30 ngàn tỷ nên dành giải cứu người nghèo(07-05-2013)
  • “Đề xuất của Bộ Công an sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân”(07-05-2013)
  • Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Chỉ nên giao quyền cho một cơ quan(07-05-2013)
  • Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Phóng viên điều tra sẽ bị “vặt bớt tay chân”(05-05-2013)
  • Hội đồng Hiến pháp – lựa chọn chính trị an toàn?(04-05-2013)
  • Đề xuất “C.A có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ nguồn tin” bị phản ứng(04-05-2013)
  • Lựa chọn tên nước không thể chỉ bằng tình cảm(03-05-2013)
  • ‘Một m2 đất lúa chuyển đổi cũng phải xin Thủ tướng’(26-04-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật đất đai – Bài 3: Muôn hình vạn trạng tham nhũng tập thể trong quản lý đất đai(24-04-2013)
  • Lấy phiếu tín nhiệm: Đừng để ‘hòa cả làng’(23-04-2013)
  • Đã đến lúc cần giáo dục liêm sỉ(23-04-2013)