Mỗi năm tăng thêm gần 1.000 luật sư
Theo ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp, ngay sau khi Luật Luật sư và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư được Quốc hội thông qua, công tác triển khai thi hành Luật đã được thực hiện đồng bộ, đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, người dân về vị trí, vai trò của luật sư.
Qua 15 năm thi hành Luật Luật sư, số lượng và chất lượng luật sư đã phát triển đáng kể. Theo báo cáo tổng kết của 63 địa phương và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, số lượng luật sư hành nghề thực tế đã tăng từ 4.161 luật sư (năm 2007) lên 17.284 luật sư (số liệu tính đến ngày 31.12.2022). Tính trung bình mỗi năm số lượng luật sư tăng thêm gần 1.000 người.
Theo Báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, từ năm 2007 đến năm 2022, Tòa án nhân các cấp đã giải quyết 5.451.124 vụ án theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong các giai đoạn tố tụng tại tòa án, tỷ lệ luật sư tham gia tố tụng cao nhất ở giai đoạn xét xử phúc thẩm với 96.400 vụ án có luật sư trên tổng số 412.375 vụ án đã giải quyết (đạt 23,4%); tiếp đó là giai đoạn xét xử sơ thẩm với 347.866 vụ án có luật sư trên tổng số 5.026.403 vụ án đã giải quyết (đạt 7%); giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm có 169 vụ án có luật sư trên tổng số 12.346 vụ án đã giải quyết (đạt 1,36 %).
Theo Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc Công ty luật Biz law, tính trung bình tỷ lệ luật sư của nước ta trên số dân còn rất thấp, chỉ là 1 luật sư/5.675 người dân, trong khi so với Nhật Bản là 1 luật sư/2.768 người dân, Hàn Quốc là 1 luật sư/1.588 người dân.
Trong 15 năm qua, cả nước đã phát triển được hơn 4.000 tổ chức hành nghề luật sư, đưa số lượng tổ chức hành nghề luật sư trên toàn quốc từ 1.323 tổ chức hành nghề luật sư năm 2007 lên 5.429 tổ chức hành nghề luật sư vào năm 2022.
Tuy nhiên, số lượng luật sư phát triển chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của cá nhân, cơ quan, tổ chức cao. Tổ chức, quy mô và chất lượng hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư đã bài bản, chuyên nghiệp hơn. Một số tổ chức hành nghề luật sư có xu hướng hoạt động chuyên sâu trong các giao dịch đầu tư, mua bán - tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường vốn, sở hữu trí tuệ, hàng hải, logistics, tham gia tranh tụng và trọng tài thương mại có yếu tố nước ngoài và có xu hướng “quốc tế hóa”, phát triển thị trường ra nước ngoài; tuyển dụng luật sư nước ngoài làm việc...
Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo
Thực tế cho thấy, cùng với yêu cầu của cải cách tư pháp, luật sư ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật cũng như thực hiện việc trợ giúp pháp lý.
Theo ông Lê Xuân Hồng, thực tiễn giải quyết các vụ án tại Tòa án trong những năm qua cho thấy về cơ bản, tỷ lệ vụ án có luật sư tham gia tố tụng có xu hướng tăng theo từng năm. Bên cạnh đó, 100% các vụ án theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng đều có luật sư tham gia để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Thông qua hoạt động tham gia tố tụng, các luật sư đã tự khẳng định mình bằng năng lực chuyên môn, thể hiện được quyền bình đẳng với kiểm sát viên trong tranh tụng. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, giảm tình trạng oan sai, làm sáng tỏ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, bước đầu thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa.
Bên cạnh đó, trong hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, tổ chức trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại quốc tế đã tạo được tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực, trở thành “đối tác” cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư đã tích cực, chủ động tham gia trợ giúp, hợp tác với các công ty luật nước ngoài trong quá trình giải quyết vụ việc tranh chấp quốc tế mà trong đó một bên tham gia là Chính phủ Việt Nam.
Ngoài ra, hoạt động đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác ngày càng tăng, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận dịch vụ pháp lý cho người dân, doanh nghiệp, việc làm cho đội ngũ luật sư. Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và công tác xã hội khác được các luật sư quan tâm thực hiện. Hầu hết các Đoàn Luật sư đều phát động phong trào để luật sư tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí, trực tiếp cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người yếu thế bằng các hình thức khác nhau như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nên giảm bớt đối tượng miễn giảm tập sự hành nghề luật sư
Từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội cũng như yêu cầu về cải cách tư pháp, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng hoạt động của luật sư. Theo Luật sư Nguyễn Hải Nam, Luật Luật sư hiện hành quy định nhiều trường hợp được miễn giảm tập sự hành nghề luật sư. Do đó, cần rà soát theo hướng giảm bớt đối tượng miễn giảm tập sự hành nghề. Bởi, theo ông Nam, nghề luật sư đòi hỏi không chỉ am hiểu về kiến thức pháp luật mà phải được đào tạo kỹ năng và đạo đức hành nghề. Ông Nam cũng nhấn mạnh, việc tập sự cần thực chất, vì không ít trường hợp người tập sự hành nghề chỉ đăng ký tập sự mà không tập sự thực tế.
Về vấn đề này, Luật sư Huỳnh Tho, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng cho rằng, hiện có tình trạng luật sư được cấp chứng chỉ nhưng không đăng ký hoạt động hành nghề, không gia nhập Đoàn luật sư. Do đó, cần quy định sau cấp chứng chỉ hành nghề 1 năm mà không đăng ký hành nghề thì thu hồi chứng chỉ.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra thực trạng, tranh chấp về đầu tư có yếu tố nước ngoài đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố nhưng thực tế việc giải quyết gặp khó khăn, lúng túng bởi không đủ người có kinh nghiệm để tư vấn. Trong khi đó, cơ chế tài chính ngân sách nhà nước để chi phí cho luật sư hiện không phù hợp, khiến nhiều địa phương lúng túng, bởi muốn thuê luật sư cao cấp thì chi phí rất cao, trong khi cơ chế để Ủy ban nhân dân quyết định lại không có. Đây là vấn đề cần sớm được tháo gỡ, luật sư Trương Trọng Nghĩa nói.
Để khắc phục những tồn tại, nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả của luật sư đáp ứng tình hình thực tiễn, Bộ Tư pháp đề nghị Quốc hội đưa Luật Luật sư vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025. Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút sử dụng luật sư trong việc tư vấn chính sách, giải quyết tranh chấp quốc tế, dự án kinh tế - xã hội ở Trung ương và địa phương, đồng thời, có giải pháp bảo đảm triển khai hiệu quả chính sách này.