(PLO)- Bạn đọc hỏi khi một người bị tử hình thì ai là người bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Liệu người thân có phải bồi thường thay hay không?

Một người trong họ hàng nhà tôi bị tòa tuyên án tử hình.Tôi xin hỏi khi người này bị tử hình thì ai là người bồi thường cho nạn nhân. Liệu người thân có phải bồi thường thay hay không?

Bạn đọc Nguyễn Xuyến (Long An), hỏi.

Bị kết án tử hình, ai sẽ là người bồi thường thiệt hại cho nạn nhân? ảnh 1

Khi một người bị tòa kết án tử hình thì người đó vẫn phải bồi thường cho nạn nhân và người thân không có nghĩa vụ bồi thường thay.

Luật sư Nguyễn Đức ChánhĐoàn luật sư TP.HCM, trả lời:

Khoản 1, Điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Do đó, trường hợp người phạm tội có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của bị hại mà gây thiệt hại thì có nghĩa vụ phải bồi thường. Đây là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và là trách nhiệm của chính người gây ra thiệt hại (người phạm tội).

Trường hợp người phạm tội không tự nguyện bồi thường hoặc không có điều kiện để bồi thường thì người thân của người phạm tội không có nghĩa vụ bồi thường thay cho người phạm tội (ngoại trừ, việc người thân tự nguyện bồi thường thay một phần hoặc toàn bộ thiệt hại cho bị hại để bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định Điều 51 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trong trường hợp bị kết án tử hình, người phạm tội vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Việc bồi thường được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.

Theo đó, người phải thi hành án có thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án) để tự nguyện thi hành án (theo khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự năm 2008; khoản 19 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014).

Trường hợp hết thời hạn này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế (khoản 1, Điều 46 Luật Thi hành án dân sự năm 2008).

Các biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm: 1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án. 2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. 3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ. 4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án. 5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ. 6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định (theo Điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008).

Như vậy, khi bị kết án tử hình thì người phạm tội vẫn là người phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho bị bị hại, người thân không có nghĩa vụ bồi thường thay cho người phạm tội trừ trường hợp tự nguyện. Nếu người phạm tội không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.