Thứ sáu, ngày 13/12/2024 09:54:57 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp Phiên thứ Nhất


Cập nhật: 3h31' ngày 06/09/2023


 

Thứ Ba, 05/09/2023, 18:50

Chiều 5.9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng đoàn Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”, Đoàn giám sát đã họp Phiên thứ Nhất.

 
 

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát.

Tại Phiên họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần đã công bố Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tư, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì Phiên họp - Ảnh Hoàng Ngọc
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì Phiên họp. Ảnh: Hoàng Ngọc

Trình bày dự thảo Kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức nêu rõ, mục đích giám sát nhằm đánh giá khách quan, toàn diện trách nhiệm của Chính phủ trong việc chỉ đạo, phân công các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023; công tác xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan; làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện và sự phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, chuyên đề giám sát sẽ làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành pháp luật của các cấp, các ngành thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn tiếp theo.

toàn cảnh Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp Phiên thứ Nhất - Ảnh H.Ngọc
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: H.Ngọc

Lưu ý chuyên đề giám sát có phạm vi rộng, thời gian giám sát dài, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tính từ tháng 1.2009 đến tháng 12.2023, Đoàn giám sát phải đánh giá được 14 năm triển khai các chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như thế nào? Đặc biệt phải bao quát từ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa, đường biển. Diễn ra ngay sau thời điểm Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ (tại Kỳ họp thứ Bảy, tháng 5.2024), Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần bám sát tiến độ thảo luận, cho ý kiến với 2 dự thảo Luật này để xác định rõ nội dung trọng tâm, mục đích, yêu cầu, phương thức tiến hành giám sát cho phù hợp.

Cho ý kiến về dự thảo kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, cần tập trung xem xét giám sát chuyên sâu với ngành, lĩnh vực có liên quan, không nên dàn trải. Ví dụ, lĩnh vực giao thông đường bộ nên chuyên sâu ở ngành nào, địa phương nào; với lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, đường biển, hàng không, đường sắt thì tập trung vào nội dung nào? Chú trọng đi sâu vào thực tiễn, từ ý kiến của người dân, nhà quản lý đến cán bộ, công chức thực thi công vụ, bảo đảm giám sát thực sự khách quan, rõ những vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn thi hành.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, trên cơ sở kết quả thảo luận, Tổ giúp việc của Đoàn giám sát tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề này. Quá trình giám sát tiếp tục kế thừa và khai thác thông tin từ Báo cáo phản biện xã hội và tổ chức phong trào thi đua về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo cáo của thanh tra về lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở, cần xác định rõ đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan, đồng thời giám sát trực tiếp tại 12 địa phương, ưu tiên lựa chọn những địa phương đang có bất cập về an toàn giao thông. 

 
Hoàng Ngọc--ĐBND

tin cùng chuyên mục