Đánh giá dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho rằng, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong dự thảo luật. Trong đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, tăng tính công khai, minh bạch trong quyết định các nội dung về đầu tư cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan được giao thẩm quyền quyết định.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát
Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy cơ bản nhất trí với 5 nhóm chính sách cơ bản Chính phủ đã đề xuất trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy tham gia ý kiến về nhóm chính sách liên quan đến tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Cụ thể, về nguyên tắc, đại biểu nhất trí với chủ trương cũng như nhiều đề xuất sửa đổi trong dự thảo luật liên quan đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Tuy nhiên, cùng với việc giao quyền cho các cơ quan cấp dưới, đặc biệt là chính quyền địa phương để thực hiện đúng chủ trương mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội đã đề cập nhiều lần là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm thì cũng cần phải bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực.
"Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, tăng tính công khai, minh bạch trong quyết định các nội dung về đầu tư cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan được giao thẩm quyền quyết định", ĐBQH Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.
Liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương từ HĐND sang cho UBND các cấp tại Khoản 7 và Khoản 8 Điều 18. Liên quan đến nội dung này, đại biểu cho rằng việc quyết định chủ trương đầu tư cũng như quyết định đầu tư nên giao cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện để bảo đảm yêu cầu về giám sát và kiểm soát quyền lực. Theo phân tích của ĐBQH Nguyễn Phương Thủy, hiện chúng ta đang giao cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương bởi HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là cơ quan quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, là cơ quan thay mặt người dân quyết định việc sử dụng ngân sách của địa phương và thực hiện quyền giám sát. Do vậy, việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư, sau đó Chủ tịch UBND và tổ chức triển khai dự án đầu tư là một quy trình rất hợp lý.
Lấy ví dụ thực tiễn của thành phố Hà Nội, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy dẫn chứng, qua thống kê từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức khoảng 20 kỳ họp, trung bình có 6 kỳ họp/năm và khoảng 2 tháng sẽ tổ chức một kỳ họp của HĐND thành phố. Đáng chú ý, khi UBND có yêu cầu thì HĐND đều chủ động sắp xếp, bố trí lịch họp trong thời gian sớm nhất có thể để thực hiện các thẩm quyền pháp luật giao, trong đó có quy định của Luật Đầu tư công, không phải chờ đến kỳ họp thường lệ để giải quyết các công việc phát sinh.
"Mặt khác, khi đưa nội dung này ra xem xét, thảo luận, quyết định tại HĐND thì việc chuẩn bị hồ sơ dự án sẽ phải cẩn trọng hơn. Việc công khai, minh bạch về quy trình cũng như nội dung dự án đầu tư cũng được bảo đảm tốt hơn. Đây là điều kiện quan trọng để các cơ quan và người dân có thể giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước", ĐBQH Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm.
Tạo nhiều cơ chế, chính sách đặc thù
ĐBQH Nguyễn Phương Thủy cũng cho rằng, với đề xuất trong dự thảo luật, tiêu chí phân loại dự án nhóm B, nhóm C theo tổng mức đầu tư cũng sẽ có độ giãn rất lớn, từ dưới 90 tỷ đồng đến 4.600 tỷ đồng đối với một dự án tùy theo lĩnh vực. Do đó, căn cứ vào lĩnh vực đầu tư, quy mô, tính chất, tổng mức đầu tư của dự án, HĐND hoàn toàn có thể giao cho UBND quyết định chủ trương đầu tư trong một số lĩnh vực, một số trường hợp phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương như quy định tại Khoản 7 Điều 17 luật hiện hành. Theo phân tích của đại biểu, quy định như vậy để các địa phương chủ động, linh hoạt trong điều hành, theo chúng tôi thấy như vậy hợp lý hơn so với việc giao toàn bộ thẩm quyền này cho UBND.
"Do đó, tôi đề nghị không nên sửa nội dung quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương như đề xuất đã nêu, nhất là khi nội dung này chưa được lấy ý kiến HĐND các cấp và chưa chỉ rõ được thời gian chờ phê duyệt dự án tại HĐND chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thời gian chuẩn bị triển khai dự án và có phải là nguyên nhân chính của việc chậm triển khai các dự án đầu tư công hay không", ĐBQH Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.
Về mối quan hệ giữa dự thảo luật này với các quy định của Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV (tháng 6.2024), ĐBQH Nguyễn Phương Thủy đánh giá Luật Thủ đô là một đạo luật có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có cả những chính sách về đầu tư công như về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tại Khoản 2 Điều 50 Luật Thủ đô yêu cầu các bộ, ngành khi xây dựng dự án luật có trách nhiệm rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Thủ đô, xác định cụ thể nội dung thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô hoặc nội dung cần thực hiện theo luật đang được xây dựng.
Tuy nhiên, trong hồ sơ dự án luật chưa thấy có đánh giá, rà soát nói trên và qua rà soát sơ bộ chúng tôi thấy nếu Quốc hội thông qua dự thảo luật như Chính phủ trình sẽ có một số quy định của Luật Thủ đô không còn tác dụng nữa. Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan cần khẩn trương đánh giá, rà soát nội dung này để đề xuất việc sửa đổi hoặc có quy định phù hợp về áp dụng pháp luật.
Nguyên Khôi---ĐBND