Thứ năm, ngày 03/04/2025 07:00:03 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Những công trình lãng phí tiền tỉ: Biết rồi, khổ lắm…nói mãi


Cập nhật: 8h9' ngày 19/04/2014


fiogf49gjkf0d

 (Pháp lý) – Những nhà máy bỏ hoang, những công trình tiền tỉ phơi mưa phơi nắng, những nhà máy chưa đưa vào sử dụng đã hỏng…Thực trạng này thời gian qua báo chí và dư luận đã nói nhiều, nhưng đến nay vẫn không ai phải chịu trách nhiệm cả.  

Không cần thiết vẫn xây dựng tốn kém cả nghìn tỉ

Đầu tư dự án xa rời thực tế gây ra sự lãng phí khủng trong đầu tư công. Còn nhớ, ngày 20/3/2010, Tổng Cty Dầu khí VN (PV Oil), Tập đoàn Công nghiệp Itochu (Nhật Bản) và Cty Licogi 16, đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất xăng sinh học ethanol BP (thuộc địa bàn xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Tổng vốn đầu tư xây dựng nhà máy này khoảng 81 triệu USD; trong đó, Itochu chiếm 49% vốn đầu tư, PV Oil chiếm 29% và Licogi 16 chiếm 22%. Trong tổng vốn đầu tư trên, 30% là vốn tự có của các chủ đầu tư, 70% là vay tín dụng. Lễ khởi công diễn ra hoành tráng, vì đây là dự án được chính quyền và người dân kỳ vọng nhiều.

72.1 410x307 Những công trình lãng phí tiền tỉ:  Biết rồi, khổ lắm…nói mãi

Bảo tàng Hà Nội, công trình nghìn tỉ nổi tiếng, nhưng hiện nay không hữu dụng.

Sau này, nhà máy sản xuất xăng sinh học ethanol Bình Phước (BP) đã hoàn thành vào đầu năm 2012. Thế nhưng, cũng từ ấy đến nay, chưa bao giờ nhà máy trị giá 81 triệu USD (tương đương hơn 1.600 tỉ đồng) này hoạt động chính thức. Trái lại, suốt  2 năm qua, chỉ vận hành thử nghiệm ngắn ngủi và đến nay, nhà máy ngàn tỉ đồng bị “đắp chiếu”.

Lý do được lý giải là: Nhà máy không hoạt động hình như là do xăng sinh học sản xuất ra không thể tiêu thụ được. “Họ đã đầu tư xây dựng nhà máy xăng sinh học, nhưng lại chưa chuẩn bị cho người dân xài xăng sinh học, nên có bán được đâu. Tiếc cả ngàn tỉ đồng đổ ra xây nhà máy, rồi bỏ không; giá như sử dụng số tiền này làm việc khác lợi biết bao nhiêu…” một người dân phàn nàn.

Trong khi điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn thì chúng ta lại có nhiều công trình “hoành tráng” hiệu quả sử dụng rất thấp. Điển hình nhất là ngay tại thủ đô Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình là hai trong số những công trình nghìn tỉ mừng Đại lễ nghìn năm nhưng đến nay vẫn vắng khách. Gần hai năm trước, tháng 10/2010, Bảo tàng Hà Nội được khánh thành, mở cửa đón khách tham quan. Nguồn ngân sách Nhà nước tốn đến 2.300 tỷ đồng xây dựng nhưng đã qua 2 năm, công trình này vẫn gần như để trống, vắng khách. Khách tham quan là người dân trong nước và nước ngoài có phải chê bảo tàng? Điều này không hợp lý, bởi thực tế có nhiều bảo tàng ở Hà Nội khách đến thăm vẫn đông nghịt. Lý do Bảo tàng Hà Nội vắng khách là bảo tàng này có quá ít hiện vật để trưng bày, một bảo tàng riêng của Hà Nội thời điểm này là chưa cần thiết.

Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng tốn kém, kết quả thanh tra tại Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình văn hóa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long–Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy đã xảy ra nhiều sai phạm trong công tác chọn nhà thầu, quản lý đầu tư dự án, lựa chọn vật liệu… Đối với dự án Bảo tàng Hà Nội, chọn không đúng nhà thầu đã gây ra nhiều vướng mắc trong triển khai xây dựng. Kết quả là đến khi dự án hoàn thành nhưng tổng dự toán công trình  vẫn chưa được phê duyệt. Cùng với đó, chủ đầu tư đã dự toán thiết kế tính sai số tiền hơn 5,6 tỷ đồng; sai tăng do thanh toán, quyết toán không phù hợp với hồ sơ hoàn công với số tiền hơn 6,9 tỷ đồng.

Đối với công trình Công viên Hoà Bình, đoàn thanh tra đã phát hiện chủ đầu tư tự ý cho xây dựng một căn nhà cấp 4 diện tích 75m2 tại vị trí đất không gian vườn trung tâm, không có trong quy hoạch được duyệt; sử dụng các vật liệu không phù hợp. Nhiều hạng mục được xây dựng không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến mỹ quan, cảnh quan của công viên.

Dân cần đấy nhưng xây xong không dùng được

Có những công trình, dự án đầu tư công được dân rất mong mỏi. Thế nhưng trong và sau quá trình xây dựng, công trình không thể sử dụng được trong thực tế.

72.2 410x278 Những công trình lãng phí tiền tỉ:  Biết rồi, khổ lắm…nói mãi

Các công trình thi công dở dang là một lãng phí vô cùng lớn đối với xã hội.

Một công trình tiêu biểu cho thực tế trên đó là nhà máy rác (khu xử lý chất thải rắn) ở thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, TT-Huế có nguồn vốn đầu tư gần 3,5 triệu USD (tương đương với hơn 70 tỉ đồng). Đây là công trình thuộc vốn vay ADB và AFD. Nhà máy hoàn thiện hơn 1 năm nay nhưng chưa một lần đi vào hoạt động. Khu xử lý chưa từng đi vào hoạt động nhưng cơ sở hạ tầng đã bắt đầu bị mưa nắng “tàn phá”: Cổng sắt hoen gỉ, một số đoạn rào đã đổ sập vừa được dựng tạm lên, trong sân nhà máy cỏ dại mọc đầy, cả khu xử lý không một bóng người… Trong khi đó, nhiều điểm nóng về rác của huyện Phú Lộc vẫn gây ô nhiễm từng ngày.

Cũng là công trình có vốn nhà nước, công trình xử lý nước, khắc phục tình trạng nước nhiễm xăng dầu trên địa bàn xã Đức Lạng do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh nông thôn Hà Tĩnh đầu tư và do Công ty CP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Miền Trung (TP Hà Tĩnh) thi công. Cuối năm 2011, công trình hoàn thành và được bàn giao lại cho chính quyền địa phương để đưa vào sử dụng. Tuy nhiên khi công trình được đưa vào chạy thử khoảng 3 đến 4 tháng thì bị hư hỏng nhiều lần. Dư luận đặt câu hỏi, nhà máy được thiết kế, thi công kiểu gì mà thường xuyên hỏng hóc những hạng mục cơ bản?

Và vô số những dự án “khủng” lạm ngân sách …

Dự án Đại lộ nam sông Mã với tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Chiều dài toàn tuyến 17,4 km, đây là tuyến đường thứ hai nối thành phố Thanh Hóa với thị xã Sầm Sơn. Bắt đầu từ Nam chân cầu Hoàng Long đến thị xã Sầm Sơn. Công trình được khởi công từ tháng 5/2010 nhưng đến nay nhiều hạng mục đang thi công dở rồi bị bỏ hoang, nhiều thiết bị, sắt thép, vật liệu dùng để thi công xây dựng cầu đã bị hoen gỉ, hoang phế. Theo lý giải của địa phương thì tiến độ thực hiện dự án rất chậm, nguyên nhân do phải điều chỉnh một số giải pháp kỹ thuật, nguồn vốn khó khăn, công tác GPMB chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án… Và sự chậm chễ đó đã lạm vào ngân sách nhiều tỉ đồng làm đội vốn đầu tư của công trình trên.

72.3 410x273 Những công trình lãng phí tiền tỉ:  Biết rồi, khổ lắm…nói mãi

Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đội giá với nhiều sai phạm đã được kiểm toán kết luận.

Một dự án chậm gây thất thoát, lãng phí phải kể đến nữa ở Thanh Hóa là dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Châu Lộc tại xã Châu Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) do Tổng công ty Giấy Việt Nam làm chủ đầu tư với đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng, đã được khởi công từ tháng 3/2003. Cho đến nay, mặc dù đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từ tháng 11/2004 và giao chủ đầu tư tiến hành đầu tư xây dựng, nhưng đến nay, dự án bỗng dưng chết yểu. Hàng chục ha đất tại dự án biến thành bãi hoang, làm nơi chăn thả gia súc gây lãng phí lớn về tài nguyên.

Không chỉ lạm vào ngân sách do thực hiện dự án chậm chễ, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư công, có nhiều đơn vị coi ngân sách như “bò tùng xẻo” và có nhiều cách thức “moi tiền”. Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có tổng chiều dài 50km, đi qua địa phận 3 tỉnh Hà Nội, Hà Nam và Nam Định. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc 100-120 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 8.974 tỷ đồng (trong đó 800 tỷ đồng là vốn điều lệ của VEC, số còn lại là vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh). Dự án được đưa vào khai thác ngày 30/6/2012. Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (giai đoạn 1) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư đã bộc lộ hàng loạt sai phạm từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công… dẫn đến giảm chất lượng công trình, lãng phí đầu tư.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, công tác lập phương án thiết kế cơ sở cho dự án này chưa đề xuất được phương án tối ưu theo quy định, kéo theo những điều chỉnh, tổng đầu tư dự án tăng lên gần 2,5 lần, từ mức 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng. Sai phạm do Kiểm toán nhà nước kết luận đối với công trình này không dừng lại ở đó, đơn vị kiểm toán còn chỉ ra chất lượng công trình kém, tổng hợp các sai lệch trong công tác dự toán so với tổng dự toán tính đúng của các gói thầu được duyệt có tổng mức chênh lệch là hơn 300 tỷ đồng và chênh lệch so với giá trúng thầu là hơn 283 tỷ đồng.

Điểm danh “lỗi khủng” của đầu tư công

Lãng phí, thất thoát và cả tham nhũng là những dấu hiệu dễ nhìn thấy ở các công trình đầu tư công trong một thời gian dài vừa qua. Ta có thể thấy thất thoát, lãng phí ngay từ khâu chủ trương đầu tư, khảo sát thiết kế, đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng, triển khai và điều hành bố trí danh mục các dự án đầu tư, triển khai đầu tư….

Điều đó cho thấy, thất thoát, lãng phí không chỉ do nguyên nhân khách quan như bởi cơ chế chính sách về quản lý đầu tư còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng hay do đặc điểm, tính chất của sản phẩm xây dựng có quy mô lớn, kết cấu phức tạp, chu kỳ sản xuất dài, phụ thuộc trực tiếp vào điều kiện địa chất, thuỷ văn, khí hậu nên việc thi công phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, chất lượng và giá cả sản phẩm chịu ảnh hưởng trực tiếp của các điều kiện tự nhiên… mà còn có nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất thoát, lãng phí là từ con người và bắt đầu từ người giữ vai trò giám sát trong bộ máy nhà nước. Đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu, người bút phê cho đầu tư đang bị bỏ ngỏ. Vì không ai phải chịu trách nhiệm nên hòa cả làng và dễ hiểu là những công trình lãng phí tiền tỉ vẫn nở rộ. Bởi vậy, kì vọng lớn lúc này là Luật đầu tư công được Quốc Hội khóa XIII ban hành sẽ có được hành lang pháp lý, lấp đầy những lỗ hổng để tránh lãng phí, thất thoát đau lòng từ những công trình tiền tỉ.

Phan Mai (tổng hợp)

tin cùng chuyên mục