Tóm tắt: Quyền tiếp cận thông tin của người tiêu dùng là một trong tám quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế và Liên hợp quốc thừa nhận. Trong đó, quyền tiếp cận thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng là một trong các quyền tiếp cận thông tin của họ. Trong bài viết này, tác giả so sánh pháp luật của Việt Nam với pháp luật của Australia, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) để thấy điểm tương đồng và sự khác biệt giữa pháp luật các nước về quyền tiếp cận thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng. Từ đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Từ khóa: Giá; người tiêu dùng; quyền tiếp cận thông tin.
Abstract: The right to access information of consumers is one of the eight basic rights of consumers that have been recognized by the International Consumer Organization and the United Nations. The consumers' right to access information about the prices of goods and services is one of their rights to access information. In this article, the author makes a comparison of the laws of Vietnam with the laws of Australia, the United States, and the European Union (EU) to see the similarities and differences among the laws of other countries regarding the right to access information on the prices of goods and services of consumers. From there, the author gives a number of solutions and recommendations to improve the law of Vietnam to ensure the interests of consumers.
Keywords: Price; consumer; right to access information.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quyền tiếp cận thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng dưới góc nhìn so sánh:
ở Việt Nam: Để bảo đảm quyền tiếp nhận thông tin về giá của người tiêu dùng (NTD), các văn bản pháp luật của Việt Nam đã có quy định cụ thể như sau:
Theo quy định của Luật Giá, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai các nội dung về giá cụ thể hàng hóa, dịch vụ; mức giá của hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp phải kê khai giá; mức giá của hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá
[1]. Khoản 6 Điều 4 Luật Giá năm 2023 quy định:
“Niêm yết giá là hình thức công khai mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm bảo đảm thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Theo đó, các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin (CCTT) về giá hàng hóa, dịch vụ cho NTD, như mức giá mua bán, hình thức thông tin giá, loại tiền thanh toán. Việc công khai thông tin về giá của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh phải theo quy định của pháp luật
[2]: (1) Đối với hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân tự định giá trong khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì cá nhân, tổ chức phải công khai giá cụ thể của hàng hóa, dịch vụ; (2) Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp phải kê khai giá theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Giá năm 2023 thì tổ chức, cá nhân phải công khai mức giá của hàng hóa, dịch vụ; (3) Đối với hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá thì cá nhân, tổ chức phải công khai mức giá.
Khoản 3 Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 (Luật Bảo vệ quyền lợi NTD) cũng khẳng định: tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho NTD phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá. Đây là một quy định quan trọng nhằm bảo vệ quyền tiếp cận thông tin về giá của NTD.
Luật Giá năm 2023 quy định rõ về “NYG”. Theo đó, các cá nhân, tổ chức sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ - chủ thể kinh doanh nói chung và các doanh nghiệp nói riêng phải có trách nhiệm CCTT về giá cả hàng hóa, dịch vụ cho NTD. Cụ thể:
(1) Chủ thể có nghĩa vụ: Chủ thể kinh doanh nói chung và doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ phải có nghĩa vụ “NYG bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng các hình thức: in, dán, ghi thông tin trên bảng, giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì của hàng hóa hoặc các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa điểm bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc trên các trang thông tin điện tử để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền”
[3]. Những yêu cầu về việc NYG này giúp cho NTD tiếp nhận thông tin giá một cách rõ ràng, dễ dàng và không nhầm lẫn. Thêm vào đó, việc niêm yết này giúp cho các doanh nghiệp bán đúng giá theo quy định của Nhà nước cũng như giá mà doanh nghiệp tự quyết định. Theo đó, NTD được mua, bán đúng giá niêm yết nên quyền lợi của NTD được bảo đảm.
(2) Nội dung NYG: NYG là giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định
[4]. Điều này giúp NTD biết rõ tổng giá hàng hóa, dịch vụ mà họ phải chi trả. Bởi vì, việc NYG không bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có) sẽ dẫn đến NTD có nhận định sai về giá cả của hàng hóa, dịch vụ rồi đưa ra quyết định sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó. Việc tiếp nhận thông tin về giá và đưa ra quyết định không phù hợp với ý chí sẽ gây thiệt hại cho NTD. Bên cạnh đó, đồng tiền niêm yết là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối
[5]. Việc niêm yết đồng tiền để thanh toán ngoài việc giúp Nhà nước quản lý về tiền tệ thì quy định này giúp NTD có thông tin để thanh toán bằng đồng tiền phù hợp và bảo đảm sự thống nhất, bình đẳng giá giữa NTD với nhau. Thêm vào đó, khi có những tranh chấp xảy ra, NTD dễ dàng trong việc xác định số tiền yêu cầu bồi thường, phạt vi phạm (nếu có).
(3) Địa điểm NYG: là địa điểm bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc trên các trang thông tin điện tử
[6]. Rõ ràng, với quy định NYG ở những địa điểm này này thì NTD rất dễ dàng tiếp nhận thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ.
Ở Australia[7], Luật NTD Australia ghi nhận việc CCTT về giá hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, doanh nghiệp phải hiển thị giá rõ ràng và chính xác. Doanh nghiệp không được lừa dối NTD về giá hàng hóa, dịch vụ của họ. Hiện nay, Luật NTD của Australia có quy định cụ thể về cách các doanh nghiệp phải NYG hàng hóa, dịch vụ của họ. Nếu có nhiều hơn một mức giá được niêm yết cho một mặt hàng, doanh nghiệp phải tính giá thấp nhất hoặc ngừng bán mặt hàng đó cho đến khi giá được điều chỉnh. Cụ thể:
(1) Chủ thể có nghĩa vụ: Một người thực hiện hoạt động ngoại thương hoặc thương mại không được cung cấp hàng hóa nếu hàng hóa đó có hơn một mức giá được niêm yết hoặc cung cấp hàng hóa có mức giá không thấp hơn hoặc thấp nhất trong số giá được niêm yết
[8]. Theo đó, chủ thể hoạt động thương mại phải có nghĩa vụ niêm yết một mức giá. Trường hợp có nhiều mức giá khác nhau được niêm yết thì mức giá thấp nhất là giá của hàng hóa. Giá niêm yết được hiểu là giá của hàng hóa hoặc một hình thức thể hiện nào có thể suy luận một cách hợp lý đó là giá của hàng hóa như: (i) Cái được đính kèm hoặc dán vào hoặc được viết, in, đóng dấu hoặc nằm trên, hoặc được áp dụng cho hàng hóa hoặc bất kỳ lớp phủ, nhãn, cuộn hoặc vật dụng nào được sử dụng liên quan đến hàng hóa; (ii) cái được sử dụng liên quan đến hàng hóa hoặc bất kỳ thứ gì mà hàng hóa được gắn để trưng bày hoặc trưng bày để cung cấp; (iii) cái được xác định dựa trên bất kỳ thứ gì được mã hóa hoặc liên quan đến hàng hóa; (iv) cái được công bố liên quan đến hàng hóa trong danh mục có sẵn cho công chúng; (v) cái được thể hiện theo bất kỳ cách nào khác mà từ đó có thể suy ra một cách hợp lý rằng giá hoặc sự thể hiện được áp dụng cho hàng hóa; và bao gồm một mức giá hoặc sự thể hiện bị che khuất một phần bởi giá hoặc sự thể hiện khác như vậy được viết, đóng dấu hoặc nằm một phần trên giá hoặc sự thể hiện đó
[9].
(2) Nội dung NYG: “Các doanh nghiệp phải hiển thị tổng giá bao gồm thuế, lệ phí và tất cả các khoản phí bổ sung không thể tránh khỏi hoặc được chọn trước. Nếu doanh nghiệp tính phụ phí khi thanh toán bằng thẻ, vào ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, doanh nghiệp đó phải tuân theo các quy tắc về niêm yết phụ phí”
[10]. Điều này được thể hiện trong cách xác định giá duy nhất (single price). Theo đó, giá duy nhất là mức giá tối thiểu có thể định lượng được đối với việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ tại thời điểm công bố, bao gồm từng khoản sau (nếu có): (a) khoản phí phải trả cho người yêu cầu được đại diện bởi người khác; (b) số tiền phản ánh bất kỳ khoản thuế, nghĩa vụ, phí, lệ phí hoặc chi phí áp dụng cho người yêu cầu liên quan đến việc cung cấp; (c) bất kỳ khoản tiền nào được thanh toán hoặc phải nộp bởi người yêu cầu liên quan đến việc cung cấp đối với bất kỳ khoản thuế, nghĩa vụ, phí, lệ phí hoặc chi phí khác
[11].
(3) Địa điểm NYG[12]: Một mức giá hoặc sự biểu hiện của giá được thể hiện trong một danh mục (catalogue); và danh mục được thể hiện chỉ áp dụng cho hàng hóa được cung cấp tại một địa điểm cụ thể hoặc trong một khu vực cụ thể. Giá hoặc sự thể hiện giá đối với các hàng hóa trong danh mục có sẵn nhằm công bố ra công chúng thì không cần thực hiện tại địa điểm liên quan đến việc cung cấp hàng hóa tại một địa điểm khác hoặc một khu vực khác.
Ở Hoa Kỳ:Các bang của Hoa Kỳ có những quy định khác nhau về NYG hàng hóa, dịch vụ. Hiện nay, có những bang quy định về giá hàng hóa, dịch vụ tương đối chi tiết như New York, Arizona, Maryland… nhưng có nhiều bang chưa có quy định cụ thể về vấn đề này như Oklahoma, Ohio, North Dakota… Trong phần này, chúng tôi tiếp cận quy định của Bang Arizona và Florida.
(1) Chủ thể có nghĩa vụ: Theo quy định của Bang Arizona, một người không được xuyên tạc giá của bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào được bán hoặc cung cấp, trưng bày hoặc quảng cáo để bán theo trọng lượng, đơn vị đo lường khác hoặc đếm hoặc NYG theo bất kỳ cách nào được tính toán hoặc có xu hướng đánh lừa hoặc lừa dối một người theo bất kỳ cách nào
[13]. Theo đó, bất kỳ gói hàng nào được lưu giữ với mục đích bán hoặc chào bán hoặc bày bán sẽ có một tuyên bố rõ ràng và dễ thấy ở bên ngoài gói hàng về giá
[14]. Thay vì mỗi kiện hàng ghi giá theo yêu cầu trên, người bán có thể NYG của kiện hàng bằng chữ in đậm có kích thước không nhỏ hơn ba phần tám inch trên giá hoặc trưng bày tại điểm trưng bày của sản phẩm. Nếu giá trên kệ hoặc màn hình cách mặt sàn dưới 18 inch, giá sẽ được đặt nghiêng lên trên so với phương thẳng đứng ít nhất 15 độ
[15]. Nếu gói hàng được chào bán với mức giá giảm theo một tỷ lệ phần trăm hoặc một số tiền cố định so với giá chào bán trước đó, thì mức giảm giá sẽ được hiển thị tại điểm trưng bày gói hàng theo cách thức mà pháp luật yêu cầu
[16].
Các loại hàng hóa khác nhau thì chủ thể kinh doanh phải có nghĩa vụ NYG theo cách thức khác nhau: Đối với hàng hóa bán theo lô thì tổng giá bán của kiện hàng phải được ghi trên tờ khai rõ ràng bên ngoài kiện hàng đó
[17]. Đối với hàng hóa được đóng gói thì phải nêu rõ số lượng, trọng lượng và giá của hàng hóa đóng gói đó
[18]. Đối với giá bán nhiên liệu thì người bán phải NYG nhiên liệu cho mỗi gallon
[19]. Thêm vào đó, khi có yêu cầu của NTD, người bán lẻ phải cung cấp: (1) Phương tiện ghi giá như bút chì dầu, bút dạ, máy soi hoặc các dụng cụ ghi giá tương tự khác; (2) Tuyên bố bằng văn bản về các chính sách của người bán lẻ liên quan đến sai sót trong việc xác định giá
[20].
(2) Nội dung niêm yết: NYG của hàng hóa hoặc đơn giá của hàng hóa. "Đơn giá" có nghĩa là việc định giá hoặc thể hiện giá của một hàng hóa tiêu dùng dưới dạng giá trên một đơn vị số lượng được phê duyệt
[21]. Giá của tất cả các mặt hàng tiêu dùng được chào bán hoặc bán bởi người bán sẽ được biểu thị bằng giá trên một đơn vị số lượng đã được phê duyệt
[22]. Thực tế, tại Hoa Kỳ, các bang không có quy định về nội dung giá niêm yết có bao gồm phí, lệ phí, thuế và các chi phí phát sinh khác hay không. Có những bang giá niêm yết của sản phẩm không bao gồm các khoản thuế.
(3) Địa điểm niêm yết[23]: Người bán cung cấp, trưng bày hoặc quảng cáo hàng hóa để bán hoặc cho thuê phải NYG rõ ràng và dễ thấy trên hàng hóa hoặc liền kề với nơi hàng hóa được trưng bày. Nếu giá của hàng hóa được tính theo trọng lượng, số đo hoặc số đếm, nhà bán lẻ sẽ ghi giá theo trọng lượng, số đo hoặc số đếm trên hàng hóa hoặc liền kề với nơi hàng hóa được trưng bày. Nếu một nhà bán lẻ chào bán hoặc cho thuê một loại hàng hóa với mức giá đã giảm theo một tỷ lệ phần trăm hoặc một số tiền cố định so với giá đã chào trước đó thì nhà bán lẻ đó sẽ đặt mức giảm hoặc giá đã giảm trên hàng hóa hoặc liền kề với nơi hàng hóa được trưng bày.
Theo pháp luật EU: EU nhận thấy sự vận hành minh bạch của thị trường và thông tin chính xác có lợi cho việc bảo vệ NTD và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và sản phẩm. Thêm vào đó, nghĩa vụ nêu rõ giá bán và đơn giá đóng góp đáng kể vào việc CCTT cho NTD, vì đây là cách dễ dàng nhất giúp NTD đánh giá và so sánh giá của sản phẩm một cách tối ưu và từ đó đưa ra lựa chọn sáng suốt về sản phẩm trên cơ sở so sánh đơn giản
[24]. Vì lẽ đó, EU đưa ra quy định khá rõ ràng về công bố thông tin liên quan đến giá cả hàng hóa, dịch vụ cho NTD. Cụ thể:
(1) Chủ thể có nghĩa vụ: Thương nhân sẽ cung cấp cho NTD thông tin về giá hoặc cách tính giá cùng với ước tính tổng giá, trên giấy hoặc trên yếu tố tương tự văn bản (durable medium) để NTD thể hiện ý chí một cách rõ ràng
[25]. Nếu hợp đồng được ký kết thông qua một phương tiện liên lạc từ xa cho phép không gian hoặc thời gian hạn chế để hiển thị thông tin, thương nhân phải cung cấp, trên phương tiện cụ thể đó trước khi ký kết hợp đồng những thông tin liên quan tổng giá
[26]. Giá bán, đơn giá phải rõ ràng, dễ nhận biết, và dễ đọc
[27]. Đơn giá đề cập đến số lượng được kê khai theo các quy định của quốc gia và EU. Trường hợp các quy định của quốc gia hoặc EU yêu cầu ghi rõ khối lượng tịnh và trọng lượng tịnh ráo nước đối với một số sản phẩm đóng gói sẵn thì chỉ cần ghi đơn giá của trọng lượng tịnh ráo nước là đủ
[28].
(2) Nội dung giá niêm yết: Theo pháp luật EU, giá bán hàng hóa, dịch vụ được xác định theo các cách khác nhau: (i) Trường hợp hợp đồng thông thường: tổng giá của hàng hóa hoặc dịch vụ đã bao gồm thuế, hoặc trong trường hợp bản chất của hàng hóa hoặc dịch vụ là không thể tính trước giá một cách hợp lý hoặc các khoản phí không thể tính trước một cách hợp lý thì giá hàng hóa áp dụng gồm tất cả các khoản phí vận chuyển, giao hàng hoặc phí bưu điện bổ sung hoặc khoản phí bổ sung khác có thể phải trả
[29]; (ii) Trường hợp hợp đồng có thời hạn không xác định hoặc hợp đồng có đăng ký
[30]: tổng giá hàng hóa, dịch vụ sẽ bao gồm tổng chi phí cho mỗi kỳ thanh toán. Trong trường hợp các hợp đồng đó được tính theo tỷ lệ cố định, tổng giá cũng có nghĩa là tổng chi phí hằng tháng. Trường hợp không thể tính toán trước tổng chi phí một cách hợp lý thì phải quy định cách thức tính giá.
Theo Chỉ thị của Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU, giá bán có nghĩa là giá cuối cùng cho một đơn vị sản phẩm, hoặc một số lượng nhất định của sản phẩm, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác
[31]. Giá bán của hàng hóa, dịch vụ dựa vào đơn giá. Đơn giá có nghĩa là giá cuối cùng, bao gồm thuế giá trị gia tăng và tất cả các loại thuế khác cho một kilôgam, một lít, một mét, một mét vuông hoặc một mét khối của sản phẩm hoặc một đơn vị số lượng đơn lẻ khác được sử dụng rộng rãi và thông thường trong quốc gia thành viên liên quan đến việc tiếp thị các sản phẩm cụ thể
[32].
Địa điểm NYG: Pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD của EU không có quy định cụ thể về địa điểm NYG hàng hóa, dịch vụ. Tuy vậy, trên thực tế giá hàng hóa, dịch vụ thường được niêm yết tại cơ sở kinh doanh. Trong đó, cơ sở kinh doanh là bất kỳ cơ sở bán lẻ cố định nào mà thương nhân thực hiện hoạt động của mình trên cơ sở lâu dài; hoặc bất kỳ cơ sở bán lẻ di động nào mà thương nhân thực hiện hoạt động của mình trong điều kiện thông thường
[33]. Đối với các hợp đồng từ xa về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ được bên bán và cung ứng dịch vụ cung cấp cho NTD qua thư điện tử, tin nhắn, điện thoại, website và các hình thức khác.
Qua những nội dung được nêu ở trên của pháp luật Việt Nam và Australia, Hoa Kỳ, EU cho thấy, pháp luật các nước có những điểm tương đồng và đều bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ của NTD. Cụ thể:
Thứ nhất, tất cả các nước đều quy định khá chi tiết, cụ thể về giá hàng hóa, NYG. Điều này cho thấy các quốc gia đều yêu cầu các chủ thể là những nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa có trách nhiệm CCTT về giá hàng hóa, dịch vụ đến NTD. Rõ ràng, quyền được tiếp cận thông tin về giá của NTD gắn liền với trách nhiệm của các nhà sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp có trách nhiệm với NTD thông qua việc CCTT về giá hàng hóa, dịch vụ bằng việc NYG.
Thứ hai, có sự tương đồng giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật Astralia, Hoa Kỳ và EU khi đều cho rằng, chủ thể có nghĩa vụ CCTT về giá cho NTD chính là các thương nhân sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Điều này cho thấy, pháp luật đều chỉ rõ chủ thể có trách nhiệm CCTT trên nhãn hàng hóa là ai. Nói cách khác, các chủ thể nói chung và các doanh nghiệp nói riêng phải có trách nhiệm đối với NTD và rộng hơn là trách nhiệm với xã hội.
Thứ ba, pháp luật Việt Nam và các nước đều quy định rõ nội dung NYG như đơn giá, giá sản phẩm. Giá hàng hóa, dịch vụ thường bao gồm thuế, phí, lệ phí và chi phí bổ sung khác. Theo đó, NTD có thể xác định rõ giá của sản phẩm để đưa ra lựa chọn mức giá phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính. Ngoài ra, thông tin về giá mà doanh nghiệp cung cấp cho NTD một cách công khai, minh bạch giúp cho NTD không bị lừa dối về giá trong việc mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ.
Thứ tư, các nước đều có quy định rõ địa điểm NYG hàng hóa, dịch vụ. Thông thường địa điểm NYG thường là nơi sản xuất, nơi bán hàng hóa, nơi cung cấp dịch vụ… Điều này giúp NTD có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ.
Tuy vậy, pháp luật của Việt Nam so với pháp luật của các nước có một số khác biệt như sau:
Thứ nhất, cách thức NYG: Pháp luật của Việt Nam chưa quy định cụ thể, rõ ràng như pháp luật của Australia và Hoa Kỳ và EU. Ví dụ, pháp luật Australia quy định hình thức niêm yết như nhãn, bảng, cuộn, mã hóa…; pháp luật Hoa Kỳ quy định chi tiết về kích cỡ chữ của giá niêm yết, nơi đặt kệ…; pháp luật EU quy định NYG qua giấy và yếu tố tương tự như văn bản (ví dụ như thư điện tử, tin nhắn…). Rõ ràng, hình thức NYG theo quy định của các nước cụ thể và đa dạng hơn so với quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này cho thấy NTD có cơ hội tiếp cận thông tin về giá theo nhiều kênh và hình thức khác nhau. Thêm vào đó, quy định rõ về kích cỡ chữ của giá niêm yết giúp cho NTD nhìn thấy rõ và hạn chế nhầm lẫn để đưa ra quyết định mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ.
Thứ hai, cách xác định giá bán – giá niêm yết: Pháp luật Việt Nam quy định giá niêm yết bao gồm thuế, lệ phí và phí. Tuy vậy, pháp luật của các nước có quy định khác so với pháp luật Việt Nam về giá niêm yết. Theo pháp luật một số bang Hoa Kỳ, giá niêm yết chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Điều này cho thấy NTD sẽ “lúng túng” khi đưa ra quyết định hoặc đưa ra quyết định không phù hợp với mong muốn khi giá niêm yết thấp hơn giá thực tế NTD phải trả. Quy định của pháp luật Việt Nam về xác định giá niêm yết như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, quy định về xác định giá niêm yết theo pháp luật Việt Nam chưa chi tiết và rõ ràng như quy định của EU. Bởi như trình bày ở trên, pháp luật EU có quy định rất chi tiết về xác định chi phí phát sinh đối với hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, EU quy định cụ thể về giá niêm yết đối với từng loại hợp đồng. Với quy định chi tiết và nêu cách xác định khoản phí phát sinh một cách rõ ràng sẽ giúp cho việc công bố giá niêm yết chính xác và đây là thông tin cần thiết cho NTD.
Thứ ba, về đơn giá: Pháp luật Việt Nam chỉ dừng lại quy định về giá niêm yết nhưng chưa có quy định chi tiết về đơn giá như pháp luật Hoa Kỳ và EU. Pháp luật Hoa Kỳ và EU đều quy định rất chi tiết về xác định đơn giá cho một kilôgam, một lít, một mét, một mét vuông hoặc một mét khối của sản phẩm hoặc một đơn vị số lượng đơn lẻ khác. Việc quy định rõ về xác định đơn giá sẽ phục vụ cho việc bán hàng hóa theo lô, lít, mét… Điều này giúp nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ có căn cứ để xác định đơn giá hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, NTD dễ dàng nắm được thông tin về giá khi có quyết định mua một hoặc nhiều hàng hóa, dịch vụ cần phải xác định theo các đơn vị đo lường.
Thứ tư, niêm yết loại tiền dùng để thanh toán: Theo pháp luật Việt Nam, cần phải niêm yết loại tiền dùng để thanh toán là VNĐ (Việt Nam đồng). Điều này cho thấy NTD khi mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ ở Việt Nam thì chỉ có thể thanh toán bằng VNĐ. Đây là quy định giúp Nhà nước quản lý tốt về đồng tiền và NTD thống nhất trong quá trình thanh toán tiền. Tuy vậy, pháp luật Australia và EU không có quy định bắt buộc về việc niêm yết loại tiền nhất định để thanh toán. Trên thực tế, các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ tại Australia và Pháp thường NYG hàng hóa bằng Đô la Úc (AUD) và đồng Euro để phù hợp với quy định quản lý tiền và ngoại hối ở các quốc gia này. Tuy pháp luật không có quy định bắt buộc về đồng tiền thanh toán nhưng NTD đều được tiếp cận thông tin về đồng tiền dùng để thanh toán được cung cấp bởi nhà sản xuất và cung ứng hàng hóa, dịch vụ.
2. Một số kiến nghị
Để doanh nghiệp phát triển bền vững thì bản thân doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội. Trong đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm trách nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức và mang tính nhân văn, từ thiện
[34].Do đó, doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội khi doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm của mình đã được pháp luật quy định, trong đó có trách nhiệm với NTD
[35]. Trách nhiệm bảo đảm thông tin hàng hóa, dịch vụ nói chung và thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ nói riêng cho NTD là một trong những yếu tố cấu thành nên trách nhiệm thực hiện pháp luật của doanh nghiệp, rộng hơn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tác giả đưa ra kiến nghị sau đây nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ của NTD; đồng thời nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp với NTD.
Thứ nhất, mỗi doanh nghiệp cần xác định rõ việc bảo đảm quyền lợi của NTD chính là cơ sở để NTD gắn bó với doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình với NTD sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, doanh nghiệp nên chủ động xác định giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp và NYG công khai.
Thứ hai, về hình thức NYG: các quy định về hình thức NYG hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nên hướng tới quy định theo chuẩn mực của các nước như Australia, Hoa Kỳ và các nước thuộc EU. Bởi vì, pháp luật các nước quy định về NYG khá cụ thể, chi tiết và rõ ràng. Cách thức thể hiện giá cũng có những chuẩn nhất định giúp NTD dễ nhìn, dễ thấy và dễ lựa chọn. Pháp luật Việt Nam cần bổ sung quy định sau về hình thức NYG: (i) Phương thức NYG: văn bản trên vật liệu cụ thể (giấy, nhãn, bảng…) và tương tự như văn bản (thư điện tử, tin nhắn chữ, tin nhắn thoại…); (ii) Trình bày giá niêm yết: cần phải có hướng dẫn cụ thể về cỡ chữ, kiểu chữ, đậm nhạt, cách trưng bày bảng hoặc kệ NYG…
Thứ ba, về xác định giá niêm yết: Pháp luật Việt Nam có xác định giá niêm yết bao gồm thuế, phí và lệ phí. Tuy vậy, quy định này chưa đủ vì giá hàng hóa, dịch vụ còn có các chi phí hợp lý khác. Thiết nghĩ, giá niêm yết cần bổ sung thêm “chi phí hợp lý khác” và cần có hướng dẫn cụ thể về “chi phí hợp lý khác”. Nếu không bổ sung và hướng dẫn về “chí phí hợp lý” thì NTD không tiếp cận thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ kịp thời hoặc phải chịu mức giá không hợp lý vì xác định chi phí sai. Do đó, Việt Nam nên tiếp thu quy định của các nước để đưa ra quy định về xác định phí cho một số hàng hóa, dịch vụ. Việt Nam nên tham khảo quy định của EU về xác định giá niêm yết như sau: (i) Trường hợp hợp đồng thông thường: giá niêm yết của hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm thuế, phí, lệ phí. Trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ không thể tính trước giá một cách hợp lý hoặc các khoản phí không thể tính trước hợp lý thì giá niêm yết áp dụng gồm tất cả các khoản phí vận chuyển, giao hàng hoặc phí bưu điện bổ sung hoặc khoản phí bổ sung có thể phải trả; (ii) Trường hợp hợp đồng có thời hạn không xác định hoặc hợp đồng có đăng ký: giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ sẽ bao gồm tổng chi phí cho mỗi kỳ thanh toán. Trong trường hợp các hợp đồng đó được tính theo tỷ lệ cố định, tổng giá cũng có nghĩa là tổng chi phí hằng tháng. Trường hợp không thể tính toán trước tổng chi phí hợp lý thì phải quy định cách thức tính giá.
Thứ tư, về đơn giá: Doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh thực hiện đúng quy định của pháp luật nước ta về NYG hàng hóa, dịch vụ, doanh nghiệp, nên chủ động tiếp thu quy định về cách xác định đơn giá hàng hóa của các nước như các nước thuộc EU, Australia và Hoa Kỳ. Điều này giúp NTD trong nước tiếp nhận được đầy đủ thông tin về giá sản phẩm. Ngoài ra, dựa vào việc xác định đơn giá sản phẩm dựa vào đơn vị đo lường sẽ giúp cho NTD có quyết định phù hợp khi mua một hoặc nhiều sản phẩm; một hoặc nhiều đơn vị sản phẩm; mua theo lô sản phẩm. Vì vậy, pháp luật Việt Nam cần có quy định chi tiết về cách xác định đơn giá theo đơn vị đo lường như: lít, mét, mét vuông, mét khối, kilogam và các đơn vị đo lường khác.
Thứ năm, các cơ quan lập pháp Việt Nam nên tham khảo các Bộ tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) trong nước và quốc tế để có thể chuyển hóa những quy định, hướng dẫn “mềm” phù hợp thành quy định “cứng” của pháp luật nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về giá của NTD nói riêng và bảo vệ quyền lợi NTD nói chung■
[1] Khoản 2 Điều 6 Luật Giá năm 2023.
[2] Khoản 2 Điều 6 Luật Giá năm 2023.
[3] Khoản 2 Điều 29 Luật Giá năm 2023.
[4] Khoản 1 Điều 29 Luật Giá năm 2023.
[5] Khoản 1 Điều 29 Luật Giá năm 2023.
[6] Khoản 2 Điều 29 Luật Giá năm 2023.
[7] Australian Competition and Consumer Commission - ACCC (2022),
Price displays, https://www.accc.gov.au/consumers/pricing/price-displays, truy cập ngày 12/12/2022.
[8] Australian Consumer Law in Schedule 2 of Competition and Consumer Act 2010, Art 47.1.
[9] Australian Consumer Law in Schedule 2 of Competition and Consumer Act 2010, Art 47.2.
[10] Xem: Australian Competition and Consumer Commission - ACCC (2022),
Price displays, https://www.accc.gov.au/consumers/pricing/price-displays, truy cập ngày 12/12/2022.
[11] Australian Consumer Law in Schedule 2 of Competition and Consumer Act 2010, Art 48.7.
[12] Australian Consumer Law in Schedule 2 of Competition and Consumer Act 2010, Art 47.3.
[13] 2015 Arizona Revised Statutes, Title 41 - State Government, § 41-2081. C Sale of commodities (AZ Rev Stat § 41-2081 (2015)).
[14] AZ Rev Stat § 41-2081. F.4 (2015).
[15] AZ Rev Stat § 41-2081. K (2015).
[16] AZ Rev Stat § 41-2081. L (2015).
[17] AZ Rev Stat § 41-2081. G (2015).
[18] AZ Rev Stat § 41-2081. H (2015).
[19] AZ Rev Stat § 41-2081. J (2015).
[20] AZ Rev Stat § 41-2081. M (2015).
[21] 2007 Florida Statutes, Title XXXIII - Regulation of Trade, Commerce, Investments, and Solicitations, § 501.135.3(c).
[22] 2007 Florida Statutes, Title XXXIII - Regulation of Trade, Commerce, Investments, and Solicitations, § 501.135.3(c).
[23] AZ Rev Stat § R20-2-302. D (2015).
[24] Preface of Directive 98/6/EC of the European Parliament and of the Council on consumer protection in the indication of the prices of products offered to consumers.
[25] Art 7.4(a), Directive 2011/83/EU of the European Parliament and of the Council on consumer rights.
[26] Art 8.4, Directive 2011/83/EU of the European Parliament and of the Council on consumer rights.
[27] Art 4.1, Directive 98/6/EC of the European Parliament and of the Council on consumer protection in the indication of the prices of products offered to consumers.
[28] Art 4.2, Directive 98/6/EC of the European Parliament and of the Council on consumer protection in the indication of the prices of products offered to consumers.
[29] Art 5.1(c) & Art 6.1 (e), Directive 2011/83/EU of the European Parliament and of the Council on consumer rights.
[30] Art 6.1 (e), Directive 2011/83/EU of the European Parliament and of the Council on consumer rights.
[31] Art 2(a), Directive 98/6/EC of the European Parliament and of the Council on consumer protection in the indication of the prices of products offered to consumers.
[32] Art 2(b), Directive 98/6/EC of the European Parliament and of the Council on consumer protection in the indication of the prices of products offered to consumers.
[33] Art 2.9 Directive 2011/83/EU of the European Parliament and of the Council on consumer rights.
[34] Carroll, Archie B. (1991),
The Pyramid of Corporate Social Responsibility Toward the Moral
Management of Organizational Stakeholders, Business Horizons, 34, p. 40 – 41.
[35] Xem: Nguyễn Thị Thu Trang,
Quan hệ giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với pháp luật và liên hệ quyền tiếp cận thông tin của người tiêu dùng, Tạp chí Pháp luật và phát triển, số 11+12/2021, tr. 83.