Thứ sáu, ngày 09/05/2025 06:55:25 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng: Cần nâng cao chế tài xử phạt


Cập nhật: Hôm qua lúc 5h19'


 

Nguyễn Liên  07/05/2025 18:05

Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết Bộ Y Tế đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng và thuốc không rõ nguồn gốc.

Chế tài xử lý trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe

Theo Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thuốc sản xuất bất hợp pháp vẫn có thể lưu hành trên thị trường là do chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Ví dụ, giá trị của một hộp thuốc giả bị phát hiện có thể chỉ ở mức vài trăm nghìn đồng, do đó, mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 117 chỉ từ một đến vài triệu đồng.

Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng cho rằng bên cạnh việc nâng cao chế tài xử phạt đối với các cơ sở vi phạm, cần có quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để truy tìm, truy vết và triệt phá các địa điểm sản xuất. Đây là điều rất quan trọng.

"Điển hình như vụ việc tại Thanh Hóa, trên cơ sở báo cáo về thuốc giả của Sở Y tế Thanh Hóa gửi Bộ Y Tế, Bộ đã chỉ đạo Sở Y tế Thanh Hóa phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn kịp thời chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu hình sự cho cơ quan công an điều tra. Cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh như thời gian qua", ông Hùng thông tin.

z6577850571989_e5505b15c2c7b0b2776ef3657a.jpg
Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế

Giải pháp nào hạn chế tối đa tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng?

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 17/CT-TTg năm 2018 và nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc thuốc giả tại Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 41 và Công điện số 45 về việc xử lý triệt để các hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sữa giả.

Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng cho biết, thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg, Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch và có nhiều văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hiện nay, Bộ Y Tế đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng và thuốc không rõ nguồn gốc.

Các giải pháp này bao gồm: rà soát các quy định của pháp luật theo hướng tăng cường chế tài xử lý để đảm bảo tính răn đe; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, kết nối liên thông các cơ sở kinh doanh dược để truy xuất thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của thuốc.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và lực lượng quản lý thị trường để xử lý các trường hợp kinh doanh, bán thuốc qua mạng không đúng quy định.

Cũng theo ông Hùng, bên cạnh các giải pháp tổng thể và dài hạn đã nêu, Bộ Y tế cũng triển khai các giải pháp trước mắt.

Bộ Y tế sẽ tập trung tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung ứng thuốc, yêu cầu các cơ sở phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thuốc trước khi nhập và bán cho người dân.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, đặc biệt trên các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và tem chống giả, như mã QR, để quản lý hàng hóa, giảm thất thoát và ngăn chặn thuốc giả.

Bộ Y tế cũng yêu cầu hệ thống kiểm nghiệm trên toàn quốc, bao gồm các viện kiểm nghiệm thuốc trung ương và các trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, thành phố, tăng cường lấy mẫu thuốc trên thị trường, chú trọng lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm, cả định kỳ và đột xuất.

Ngoài ra, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường kinh phí cho hoạt động lấy mẫu, mua mẫu, cũng như đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực cho các trung tâm kiểm nghiệm để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc tại địa phương.

Tháng 4 vừa qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh".

Theo cơ quan công an, các đối tượng đã thuê kho ở nơi vắng vẻ, đầu tư dây chuyền, máy móc, thuê nhân công ăn ở khép kín ở xưởng để sản xuất. Sau đó, đặt mua các nguyên liệu là dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trộn lẫn nghiền thành bột, sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng gói thành phẩm bán ra thị trường qua các kênh phân phối thu lời.

Trong số 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả đã được cơ quan công an bắt giữ có 4 loại là giả các thuốc đã được cấp phép lưu hành (44 hộp thuốc Tetracyclin, 40 hộp thuốc Clorocid, 49 hộp thuốc Pharcoter, 52 hộp thuốc Neo-Codion); các loại còn lại là sản phẩm do các đối tượng tự đặt tên không có các sản phẩm thuốc nào tương tự đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành.

tin cùng chuyên mục