(Thanh tra) - Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao yêu cầu các tòa án tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Kế hoạch số 66/KH-TANDTC về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực năm 2025 xác định PCTN, lãng phí, tiêu cực là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, lâu dài; là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng năm.
Từ đó, TAND Tối cao đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể. Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nêu gương, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp, biện pháp PCTN, lãng phí, tiêu cực trong đơn vị. Đồng thời, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm…
Về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, TAND Tối cao yêu cầu Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học chủ trì, phối hợp với Thanh tra và các đơn vị liên quan thường xuyên hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.
Thực hiện rà soát, sửa đổi, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành thể chế, chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực hoạt động của TAND liên quan đến công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực. Cần loại bỏ các quy định không phù hợp, các quy định thiếu chặt chẽ, dễ gây sơ hở để lợi dụng, tham nhũng, lãng phí tiền, tài sản, thời gian lao động…
Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
TAND Tối cao cũng yêu cầu kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị. Cụ thể, cần chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và chế độ báo cáo về công tác kê khai, công khai theo quy định. Tổ chức xây dựng kế hoạch, tiến hành xác minh tài sản, thu nhập hằng năm của người có chức vụ, quyền hạn trong TAND. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kê khai tài sản và thu nhập đối với các đối tượng phải kê khai, tổng hợp, báo cáo kết quả kê khai theo quy định.
TAND Tối cao cũng yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Trong đó, cần thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật, gồm các nội dung như việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác…
Thực hiện quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; giải trình theo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn quy định khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị; quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng; ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt".
Thực hiện quy định về việc ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ; nghiêm túc thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức theo quy định của Luật PCTN. Công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong việc thực hiện quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, biệt phái công chức lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị thuộc TAND Tối cao theo quy định.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm khi để xẩy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại cấp ủy, cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách và chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó, thành viên cấp ủy trực tiếp quản lý, phụ trách.
Đề cao trách nhiệm tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, người đúng đầu, kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để chủ động khắc phục, chấn chính không để khuyết điểm thành vi phạm, vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn.
Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; chú trọng, tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ nảy sịnh tiêu cực, tham nhũng; kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung, hình thức thanh tra để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng gắn thanh tra công vụ với kiểm tra nghiệp vụ.
Cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin về PCTN, lãng phí, tiêu cực bằng nhiều loại hình, với nhiều chuyên mục, chuyên đề, nội dung phong phú. Nhất là việc tuyên truyền kịp thời công tác xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm…