Từ ngày thành lập đến nay, Hội Luật gia Việt Nam đã trải qua 14 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc và không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt.
I. KHÁI QUÁT CHUNG
Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước và là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới đã khẳng định).
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Hội Luật gia Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản quan trọng về công tác của Hội:
- Chỉ thị 34-CT/TW ngày 14/4/1988 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội luật gia Việt Nam;
- Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 19/4/1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc lãnh đạo công tác Hội luật gia Việt Nam;
- Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam;
- Kết luận số 19/KL-TW ngày 23/5/2012 và Thông báo kết luận số 50-TB/TW ngày 17/7/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam;
- Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg ngày 04/9/2001 về việc thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội luật gia Việt Nam;
- Chỉ thị số 08/2013/CT-TTg, ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới;
- Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 30/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đặc biệt gần đây:
- Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, khẳng định Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền trong tình hình mới;
- Ban Bí thư Ban hành Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 về Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương;
- Đảng đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch số 862-KH/ĐĐQH15 ngày 12/8/2022 về triển khai Chỉ thị số 14-CT/TW;
- Ban cán sự đảng Chính phủ ban hành Kế hoạch 1829-KH/BCSĐCP ngày 04/5/2023 về thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW.
Cùng với đó, Hội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Nội chính Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương.
Đến nay, Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, là tổ chức lớn nhất và thống nhất của các luật gia trong cả nước hoạt động trong lĩnh vực pháp luật với: 63 Hội Luật gia cấp tỉnh, 528 Hội Luật gia cấp huyện, 44 Chi Hội Luật gia cơ quan bộ, ban, ngành trung ương, 6.854 Chi hội Luật gia trực thuộc các cấp Hội (trong đó có 2.562 Chi hội Luật gia ở cấp xã), tổng số hội viên trên 102 ngàn người.
Cùng với việc phát triển về số lượng, các cấp hội cũng quan tâm đến bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng hội viên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của hội. Cấp ủy ở nhiều nơi đã quan tâm chỉ đạo lựa chọn, bồi dưỡng và bố trí đội ngũ cán bộ chủ chốt của Hội là các luật gia có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm và nhiệt tình với công tác Hội; giới thiệu các luật gia Việt Nam ưu tú để bầu, tham gia vào các cơ quan, tổ chức của Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương; phân công đại diện lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo cơ quan nội chính, tư pháp, tòa án, kiểm sát, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tham gia Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội Luật gia các cấp. Các kế hoạch, chương trình công tác của các cấp Hội luôn bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; cán bộ, hội viên Hội Luật gia luôn vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương luôn coi trọng việc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, có những đóng góp thiết thực, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Hội trong tình hình mới. Hoạt động của các cấp Hội ngày càng gắn kết với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, được chính quyền và nhân dân tin cậy, uy tín và vị thế của Hội ngày càng được nâng cao.
Qua 70 năm xây dựng và phát triển, với nhiều đóng góp xứng đáng, Hội đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.
II. BỐI CẢNH THÀNH LẬP HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, các luật gia yêu nước, trong đó có Luật sư Phan Văn Trường, Luật sư Nguyễn An Ninh đã tích cực đấu tranh công khai trên mặt trận pháp lý bằng vũ khí pháp luật quốc tế và pháp luật của chính nước Pháp để chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp, đòi quyền dân chủ cho Nhân dân Việt Nam. Kế thừa truyền thống yêu nước của Nhân dân ta, các luật gia Việt Nam như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh, Phạm Văn Bạch, Trần Công Tường, Nguyễn Văn Hưởng, Vũ Trọng Khánh … đã đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận pháp lý để bảo vệ công lý, bảo vệ các chí sĩ cách mạng Việt Nam. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ra đời, mở đầu một thời đại lịch sử mới của dân tộc Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh. Nhà nước mới đòi hỏi phải có một bộ máy nhà nước mới và phải xây dựng một hệ thống pháp luật mới để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội và bảo vệ thành quả của cách mạng, phát triển kinh tế, dựng xây đất nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh các nhà hoạt động chính trị được phân công nhiệm vụ xây dựng chính quyền mới, một số luật gia, sinh viên Trường Đại học Luật Đông Dương và một số luật gia được đào tạo tại các Trường Đại học Pháp cũng tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng chính quyền mới. Ngay trong những năm đầu dựng nước (1945 - 1946), đội ngũ luật gia Việt Nam yêu nước đã hình thành trong bộ máy chính quyền mới từ Trung ương đến cơ sở. Tháng 12 năm 1946 hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều luật gia Việt Nam không quản ngại hy sinh, gian khổ đã hăng hái dấn thân vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp để giành độc lập. Một số luật gia tiêu biểu có vinh dự được Hồ Chủ tịch giao những trọng trách trong Chính phủ như các luật sư Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Văn Hưởng, Trần Công Tường, các luật gia Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hoè. Được tôi luyện trong cuộc kháng chiến, đội ngũ luật gia cách mạng từng bước trưởng thành.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), thực dân Pháp đã phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, hai miền Bắc, Nam của Tổ quốc vẫn tạm thời bị chia cắt. Với âm mưu biến miền Nam thành một thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ đã không ngừng tiếp tay cho ngụy quyền miền Nam phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nhiệm vụ tham gia cùng nhân dân cả nước đấu tranh để thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ đã có sức lôi cuốn mạnh mẽ các luật gia yêu nước. Nhận thấy vai trò quan trọng của luật gia trong cuộc đấu tranh bảo vệ Hiệp định Giơ-ne-vơ, bảo vệ hoà bình thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã động viên giới luật gia tập hợp vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng để đóng góp sức lực, trí tuệ phục vụ cách mạng.
Ngày 04/4/1955, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và yêu cầu của Đảng và Nhà nước, Hội Luật gia Việt Nam được thành lập. Mục đích của Hội khi thành lập nhằm đoàn kết các luật gia Việt Nam để góp phần vào công cuộc xây dựng nền pháp lý Việt Nam, cùng toàn dân đấu tranh cho hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc; mở rộng quan hệ với luật gia nước ngoài để cùng nhau đấu tranh bảo vệ những nguyên tắc của công pháp quốc tế nhằm thực hiện các quyền dân tộc, xây dựng một đời sống hoà bình, hạnh phúc, hợp tác, bình đẳng giữa các nước trên thế giới. Ngày 4/4/1955 đã đi vào lịch sử vẻ vang của Hội, là ngày thành lập và ngày truyền thống của Hội Luật gia Việt Nam.
III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Từ ngày thành lập đến nay, Hội Luật gia Việt Nam đã trải qua 14 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc và không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Tại một số kỳ Đại hội, Điều lệ Hội được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và tính chất, đặc điểm của Hội. Trong mỗi giai đoạn, tuy phương thức tổ chức và hoạt động Hội có những điểm khác nhau nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu, tôn chỉ của Hội. Quá trình 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Hội đã trải qua ba 03 giai đoạn lớn:
1. Giai đoạn 1955 - 1975:
Hoạt động của Hội trong giai đoạn này chủ yếu là hoạt động đấu tranh trên vũ đài chính trị - pháp lý quốc tế, Hội xác định mục đích khi thành lập là: Đoàn kết các luật gia Việt Nam để góp phần vào công cuộc xây dựng nền pháp lý Việt Nam và cùng toàn dân đấu tranh ủng hộ hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Mở rộng quan hệ với luật gia nước ngoài để cùng nhau đấu tranh bảo vệ những nguyên tắc của công pháp quốc tế nhằm thực hiện các quyền dân tộc, xây dựng một đời sống hoà bình, hạnh phúc, hợp tác, bình đẳng giữa các nước trên thế giới ... (Điều 1 Điều lệ năm 1955).
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, đông đảo luật gia yêu nước đã có mặt không những trên mặt trận tư pháp mà còn có mặt trên những mặt trận quan trọng khác: chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế...Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội đã tham gia và góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh pháp lý đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ. Đây là một nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao cho Hội. Nhiều hội viên đã tham gia viết sách, viết báo để giải thích và phổ biến rộng rãi Hiệp định, vạch trần những thủ đoạn xảo quyệt của đế quốc Mỹ trên diễn đàn pháp lý trong nước và quốc tế nhằm phá hoại việc thực thi Hiệp định.
Ngoài việc tham gia tích cực cuộc đấu tranh pháp lý gắn với cuộc đấu tranh của dân tộc, Hội Luật gia Việt Nam còn góp phần phát triển pháp luật quốc tế hiện đại. Hội đã góp phần hoàn chỉnh khái niệm các quyền dân tộc cơ bản với 4 nội dung “Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”; hoàn chỉnh khái niệm chủ thể pháp luật quốc tế. Trong công tác đối ngoại, Hội đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, trở thành thành viên của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế. Hoạt động của Hội luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao và đã góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của dân tộc. Từ thực tiễn Việt Nam, dưới góc độ khoa học, các Luật gia Việt Nam đã góp phần xây dựng các khái niệm về tội ác xâm lược thực dân mới, tội diệt chủng, diệt môi sinh. Những đóng góp của Hội luật gia Việt Nam vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và công pháp quốc tế được giới luật gia quốc tế đánh giá cao. Ông Joe Norman, Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Quốc tế khi đó phát biểu: “..cũng như cách mạng Tháng Mười trước đây, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là khởi nguồn cho những quy phạm pháp luật quốc tế mới và các Luật gia Việt nam đã có những đóng góp xứng đáng vào việc bảo vệ các quyền cơ bản của các dân tộc, điều mà Hội luật gia dân chủ Quốc tế có thể lấy làm tự hào”.
Giai đoạn này tổ chức Hội chưa mở rộng ra khắp các ngành, các địa phương; đội ngũ hội viên được phát triển lên gần 300 người công tác tại 95 cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương miền Bắc.
2. Giai đoạn 1975 - 2000:
Trong giai đoạn này, sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam được tăng cường, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 34-CT/TW ngày 14/4/1988 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam, Chỉ thị nêu rõ “Để tăng cường pháp chế XHCN, thực hiện việc quản lý đất nước bằng pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, Hội Luật gia Việt Nam cần được củng cố và tăng cường về tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, đặc biệt là tăng cường hoạt động trong nước”. Đây là Chỉ thị định hướng hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam bắt đầu thời kỳ đổi mới của đất nước. Tiếp đó là Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 19/4/1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc lãnh đạo công tác Hội Luật gia Việt Nam, Chỉ thị nhấn mạnh: “Hoạt động của Hội có vị trí quan trọng trong việc tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền, góp phần thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Hội có nhiệm vụ huy động giới luật gia tích cực tham gia nghiên cứu chuẩn bị các dự án pháp luật đáp ứng kịp thời yêu cầu của công cuộc đổi mới... Hội cần mở rộng quan hệ và sự hợp tác với các tổ chức Luật gia tiến bộ trong khu vực và trên thế giới; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh nhằm tạo điều kiện môi trường pháp lý quốc tế thuận lợi phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Tại Đại hội VIII Hội Luật gia Việt Nam (1993), Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có bài phát biểu quan trọng và chỉ rõ:
-“ Giới luật gia cũng như Hội luật gia và từng Hội viên của Hội đều có vinh dự cao cả đi đầu trong cuộc đấu tranh để xác lập pháp chế, kỷ cương phép nước và đưa nó vào cuộc sống”.
-“ Là một đoàn thể chính trị, xã hội, tập hợp trong hàng ngũ của mình những Luật gia ưu tú, Hội luật gia Việt Nam luôn luôn chứng tỏ mình là một tổ chức năng động, trung thành với sự nghiệp cách mạng của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Tại Đại hội lần thứ IX Hội Luật gia Việt Nam (1998), đồng chí Trần Đức Lương, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định:
- “Là tổ chức chính trị- xã hội của những trí thức hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội có nhiệm vụ tích cực tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế XHCN, bảo vệ công lý, xác lập kỷ cương xã hội, đồng thời góp phần thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước.”
- “Vai trò của Hội Luật gia Việt Nam là rất quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng nước ta, đặc biệt trong thời kỳ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, thời kỳ có tính chất cấp bách phải nâng cao dân trí về pháp luật để mọi người có đủ điều kiện thực hiện quyền dân chủ của mình.”
Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, tôn chỉ, mục đích của Hội được sửa đổi cho phù hợp với tính chất của Hội:
“Hội luật gia Việt Nam đoàn kết, tập hợp rộng rãi các luật gia Việt Nam đã hoặc đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh, tự nguyện hoạt động vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội luật gia Việt Nam mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các tổ chức luật gia và luật gia các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần xây dựng một trật tự thế giới mới công bằng, tiến bộ, vì sự nghiệp hoà bình, hợp tác và phát triển ”. (Điều 1 Điều lệ năm 1993).
Các hoạt động ở trong nước đa dạng và phong phú hơn trước, gắn với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN về cả 3 mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hội Luật gia Việt Nam được củng cố, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động; vận động, tập hợp rộng rãi các luật gia thuộc các thành phần xã hội, tự nguyện hoạt động vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh; vừa coi trọng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước, vừa quan tâm đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của hội viên... mở rộng quan hệ hợp tác với các đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế, xã hội, các đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân. Hoạt động của Hội ngày càng gần với đời sống của người dân, đáp ứng những đòi hỏi và nguyện vọng của nhân dân.
Thực hiện đường lối đối ngoại mở rộng và chính sách đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước, hoạt động quốc tế của Hội được mở rộng về địa bàn, phong phú, đa dạng về nội dung. Nhờ đó nhiều tổ chức luật gia quốc tế đã nhiệt tình ủng hộ nhân dân và luật gia Việt Nam trong công cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hội tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL). Việc tăng cường hợp tác với IADL đã góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện đường lối đổi mới toàn diện nền kinh tế - xã hội, chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, Hội tiếp tục mở rộng, tăng cường hợp tác với nhiều tổ chức luật gia có uy tín trong khu vực và trên thế giới như: Trung tâm Luật khu vực Mêkông, Hiệp hội Luật gia Đông Nam Á (ASEAN Law Association - ALA); Hội Luật gia Châu Á (Law Asia - LA); Hiệp hội Luật sư Châu Á (ASIA Bar Association); Hội Luật gia Henri Capitant; Hiệp hội Luật gia dân chủ Châu Âu; Hiệp hội Luật sư Thái Bình Dương; Hiệp hội Luật sư quốc tế, Hội Luật gia Nhật Bản, Hội Luật gia Ấn Độ, Hội Luật gia Singapore, Hội Luật gia dân chủ Pháp, Hội Luật gia dân chủ Liên Xô (trước đây), Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA), Hội Luật sư Canada (CBA), Hội Luật gia Cuba, Hội Luật gia Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Hội Luật học Trung Quốc (China Law Society)..
Trong giai đoạn này, tổ chức của Hội được phát triển rộng khắp cả nước từ trung ương đến cơ sở; đội ngũ hội viên tiếp tục được phát triển lên tới 28.400 Hội viên, trong đó có 80% Hội viên có trình độ đại học và trên đại học.
3. Giai đoạn từ năm 2000 đến nay:
a) Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam.
Chỉ thị số 56-CT/TW đã thể hiện rõ tầm nhìn, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của Hội Luật gia Việt Nam. Việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam là chủ trương đúng đắn và có tính chiến lược, ý nghĩa thiết thực và tầm quan trọng tạo cơ sở cho việc phát huy vai trò và khả năng của giới luật gia trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Giai đoạn này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc triển khai Chỉ thị để kịp thời chấn chỉnh, cụ thể:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 19/KL-TW ngày 23/5/2012 và Thông báo kết luận số 50-TB/TW ngày 17/7/2018 về thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam;
- Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg ngày 9-4-2001 của TTg về việc thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của HLGVN, Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 24/5/2013 về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HLGVN trong giai đoạn mới và Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 30/8/2019 về việc tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của HLGVN trong giai đoạn mới.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thường xuyên quan tâm đến thăm và làm việc với Hội Luật gia Việt Nam trong đó có: đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước (thăm và làm việc ngày 14/8/2015); đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước (thăm và làm việc ngày 19/01/2018); đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương và một số đồng chí lãnh đạo khác.
Các ban đảng Trung ương, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực phối hợp, triển khai tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam được nâng lên rõ rệt. Đa số các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 56-CT/TW một cách thiết thực và có hiệu quả với nội dung và phương thức lãnh đạo phù hợp với tình hình đặc điểm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Công tác xây dựng và củng cố Hội Luật gia Việt Nam đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để tổ chức Hội phát triển đúng hướng, trở thành một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người đã và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật, có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị xã hội. Các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương đã coi trọng việc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Hội trong tình hình mới. Hoạt động của các cấp Hội đã gắn kết hơn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, với phương châm hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở nên đã đóng góp thiết thực hơn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hội Luật gia được chính quyền và nhân dân tin cậy, uy tín và vị thế của Hội ngày càng được nâng cao.
- Công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của các cấp Hội được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát với yêu cầu thực tế. Hội Luật gia Việt Nam là một trong số rất ít tổ chức hội được Nhà nước giao chủ trì xây dựng và trình Quốc hội thông qua hai dự án luật (Hội đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội khóa XII thông qua Luật Trọng tài thương mại và trình Quốc hội khóa XIII thông qua Luật trưng cầu ý dân). Tham gia Ủy Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tham gia xây dựng và thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tham gia cải cách tư pháp; tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập, tham gia thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức Hội thảo khoa học, tọa đàm, hội nghị góp ý, phản biện xã hội cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tham gia khảo sát, tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật; tham gia rà soát, tổng hợp những vướng mắc, kiến nghị xây dựng mới, sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật, qua đó có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
- Công tác tuyên truyền phổ biến đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tôn trọng, chấp hành pháp luật đạt được hiệu quả rõ rệt, ngày càng khẳng định vị trí vai trò của Hội trong đời sống xã hội. Hội đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, sáng tạo nhằm phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: đẩy mạnh vận động, huy động nguồn lực xã hội trong đó gồm nguồn nhân lực (các Hội viên luật gia) tham gia tự nguyện, miễn phí và nguồn kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ cho công tác PBGDPL nhằm chia sẻ gánh nặng đầu tư của Nhà nước, qua đó góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực công tác này; đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL đảm bảo phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng PBGDPL về các chính sách, pháp luật được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận, nhất quán trong thực thi chính sách, pháp luật, lấy người dân làm trung tâm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác PBGDPL các cấp Hội; triển khai nghiên cứu xây dựng và thí điểm các mô hình phù hợp, hiệu quả ở cơ sở; tăng cường, đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức, doanh nghiệp khác để thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động PBGDPL.
- Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ngày càng hiệu quả, thực chất. Hội đã phát triển mạng lưới các Trung tâm tư vấn pháp luật trên cả nước, toàn Hội có 114 Trung tâm TVPL. Để có điều kiện tăng cường TGPL cho một số đối tượng đặc thù, Trung ương hội đã thành lập Trung tâm TVPL cho người nghèo và phát triển cộng đồng, Trung tâm TVPL cho người chưa thành niên, Trung tâm TVPL tái hòa nhập cộng đồng, Trung tâm TVPL và chính sách về y tế HLV/AIDS... Cùng với đó, trong những năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội đổi mới phương thức hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hướng về cơ sở, đặc biệt chú ý đến các đối tượng chính sách, người nghèo và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các đối tượng này tiếp cận nhiều hơn với các văn bản pháp luật và nâng cao hiểu biết pháp luật, chấp hành pháp luật ngày một tốt hơn, bằng các hoạt động sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả, công tác TVPL và TGPL của các cấp Hội Luật gia Việt Nam trong đời sống xã hội nói chung và trong công tác TGPL nói riêng ngày càng được khẳng định và đạt được nhiều kết quả. Các Trung tâm tư vấn pháp luật ở nhiều địa phương còn phối hợp với các trại tạm giam, trại giam của các tỉnh thực hiện phổ biến, tư vấn pháp luật cho các đối tượng là phạm nhân, người sắp chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
- Công tác hòa giải ở cơ sở và các thiết chế hòa giải khác ngày càng bài bản, cách làm linh hoạt, hiệu quả. Hội đã chú trọng xây dựng, củng cố, tăng cường năng lực các tổ chức hoạt động hòa giải gồm các Trung tâm tư vấn pháp luật, thí điểm các mô hình Trung tâm pháp luật cộng đồng ; tăng cường năng lực đội ngũ; vận động hội viên tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở, triển khai mô hình huy động Luật gia hỗ trợ nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở. Cùng với đó, Hội Luật gia Việt Nam đã nghiên cứu, thí điểm áp dụng phương thức “Đối thoại đa chủ thể” đối với tranh chấp về đất đai, đền bù và giải phóng mặt bằng;
- Tham gia công tác cải cách tư pháp với trách nhiệm cao và đạt được nhiều kết quả: Hội có đại diện tham gia Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và tại nhiều địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” (giai đoạn 2013-2016 và 2017-2021); tham gia các hoạt động xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; tham gia xây dựng tổ chức, bộ máy cơ quan tư pháp, đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp; tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Hội đồng tư vấn án lệ quốc gia; tham gia các hoạt động giám sát của các đoàn Đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động của cơ quan tư pháp.
- Công tác tham gia cải cách hành chính; tư vấn, giám sát giải quyết khiếu nại; giám sát, phản biện xã hội; phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả thiết thực. Nhất là việc thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Nhiều tỉnh, thành Hội đã phát huy tốt vai trò của mình trong tham gia giám sát, phản biện xã hội trong các lĩnh vực gắn với đời sống dân sinh như: Vấn đề xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; vấn đề đất đai, bồi thường, tái định cư đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn Thành phố; vấn đề cộng đồng bảo vệ môi trường; vấn đề đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái; về nhà ở xã hội, nhà cho người có công; tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.v.v….Việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021” do Thủ tướng Chính phủ giao đã được triển khai bài bản và có sản phẩm cụ thể.
- Công tác Đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế được tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu và đạt được nhiều kết quả. Được sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy vị thế của mình là một tổ chức luật gia có uy tín trong cộng đồng luật gia quốc tế để triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Hội đã sử dụng cơ chế thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hội Luật gia Châu Á-Thái Bình Dương (COLAP) và Hiệp hội luật ASEAN (ALA), phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước để đấu tranh, vận động góp phần chủ quyền quốc gia trên Biển Đông và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Với những kết quả đóng góp tích cực, Hội Luật gia Việt Nam đã 04 năm liền (2016, 2017, 2018, 2019) được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng tặng cờ thi đua cho tập thể dẫn đầu trong công tác đối ngoại nhân dân trên lĩnh vực này.
b) Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
Trong tình hình mới, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang đặt ra cho Hội Luật gia và giới luật gia Việt Nam những yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm mới, chính vì vậy, Bộ Chính trị khóa XIII đã quyết định ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW. Đây cũng là việc làm hết sức có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với Hội Luật gia Việt Nam.
Trên tinh thần kế thừa và phát triển các nội dung có tính nguyên tắc, những thành tựu cơ bản gắn với yêu cầu cao hơn của giai đoạn phát triển mới với những thời cơ, vận hội mới cùng với những khó khăn, thách thức đan xen ngày càng gay gắt hơn, Chỉ thị của Bộ Chính trị lần này nhấn mạnh, chỉ rõ, bổ sung và hoàn thiện thêm các nội dung sau:
Một là, Chỉ thị khẳng định rõ Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đối với Hội Luật gia Việt Nam nhằm phát huy các cấp Hội, hội viên Hội Luật gia tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chỉ thị nhấn mạnh cần phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam; cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam, qua đó phát huy hơn nữa vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
Chỉ thị xác định rõ và giao trách nhiệm cho các cấp ủy, tổ chức đảng phát huy hơn nữa vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới; đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Hội Luật gia, nhưng luật gia phải là lực lượng nòng cốt, tích cực nhất.
Hai là, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh về tổ chức. Thường xuyên chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, hội viên về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác chuyên môn, nghiệp vụ; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội Luật gia, tập trung hướng về cơ sở, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, Điều lệ của Hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các cấp Hội, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác Hội. Hội luôn phải là đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý và trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền, là chỗ dựa tin cậy của Đảng và nhân dân, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho Hội, phục vụ nhiệm vụ chính trị chung của đất nước, đồng thời gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân phục vụ.
Ba là, về nhiệm vụ, Chỉ thị 14 đã đề ra đầy đủ và đồng bộ, gồm nhiều vấn đề cụ thể, trong đó, có nhóm nhiệm vụ về: (1) Quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam; (2) Tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức Hội; (3) Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động Hội; (4) Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác đối ngoại nhân dân; (5) Chỉ thị cũng chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy đối với công tác của Hội Luật gia.
Để triển khai thực chất, đồng bộ Chỉ thị số 14-CT/TW, Đảng đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch số 862-KH/ĐĐQH15 ngày 12/8/2022; Ban cán sự đảng Chính phủ ban hành Kế hoạch 1829-KH/BCSĐCP ngày 04/5/2023; các tỉnh ủy, thành ủy đều ban hành kế hoạch thực hiện.
Trong thời gian tới, Hội Luật gia Việt Nam xác định rõ mục tiêu là: Phát huy tinh thần “Luật gia Việt Nam đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát triển, hướng về cơ sở”, chung sức, đồng lòng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh về tổ chức; khẳng định mạnh mẽ vị trí, vai trò của Hội là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, hội viên về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác chuyên môn, nghiệp vụ; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội Luật gia các cấp, tập trung hướng về cơ sở, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, Điều lệ của Hội nhằm phát huy các cấp Hội, hội viên Hội Luật gia tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc./.