CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, Chinhphu.vn, Điện tử ĐCS, CAND, QĐND, Tin tức, Pháp luật VN, Công lý, Lao động, Giao thông, VnExpress, VietNamNet, VietNamPlus, Thanh tra, Thanh niên, Tiền phong, VTC News, Đầu tư, Đại đoàn kết, Người Lao động, Dân trí, Dân Việt, Người đưa tin, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, SGGP, Công an TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, Hà Nội mới (24/12) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm 05 bị cáo về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Bị hại trong vụ án là Công ty tài chính TNHH NH Việt Nam TV. Qua điều tra xác định, từ tháng 7-10/2020, các đối tượng ở TP. Hồ Chí Minh là Lê Văn Anh, Hà Duy Thắng (trú tại Quận 12); Trần Lê An Bình, Trần Thanh Tâm (trú tại quận Bình Thạnh); Đinh Thị Mai Chi (trú tại tỉnh Đồng Nai) đã truy cập bất hợp pháp tài khoản đăng nhập Hệ thống dữ liệu hồ sơ vay của khách hàng của Công ty trên; thay đổi thông tin hồ sơ vay, để chiếm đoạt tiền. Bằng cách chọn những khách hàng có họ tên trùng nhau, đổi thông tin căn cước công dân, số điện thoại nhận mã OTP của nhóm khách A bằng thông tin của nhóm khách B trước thời điểm hệ thống phê duyệt hồ sơ; sau đó, cung cấp danh sách đã thay đổi và hướng dẫn đồng phạm giả mạo nhân viên Công ty gọi điện thoại cho khách hàng. Theo đó, các bị cáo đã chỉnh sửa thông tin, giải ngân cho 894 khách hàng với số tiền hơn 29 tỷ đồng; chiếm đoạt 1,7 tỷ đồng.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, Tiền phong, Dân trí, Người Lao động, VietNamNet, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Tuổi trẻ TP.HCM (24/12) đưa tin, Công an tỉnh Đồng Nai quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Thị Huỳnh Như, ngụ huyện Xuân Lộc để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra, cơ quan Công an xác định Huỳnh Như đã mạo danh nhân viên ngân hàng đang cần vay tiền để đáo hạn, lừa vay tiền của hai người với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng rồi chiếm đoạt. Từ tháng 12/2023-5/2024, Huỳnh Như đã vay của anh S. 16,2 tỷ đồng và anh Đ.T.G. 3,25 tỷ đồng, sau đó chiếm đoạt số tiền này.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, Chinhphu.vn, Điện tử ĐCS, CAND, QĐND, Tin tức, Pháp luật VN, Công lý, Lao động, Giao thông, VnExpress, VietNamNet, VietNamPlus, Thanh tra, Thanh niên, Tiền phong, VTC News, Đầu tư, Đại đoàn kết, Người Lao động, Dân trí, Dân Việt, Người đưa tin, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, SGGP, Công an TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, Hà Nội mới (24/12) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử bị cáo Vũ Hoàng Oanh (ngụ Hải Phòng, thường gọi là Oanh Hà) và 34 bị cáo khác về các tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Theo hồ sơ, vào tháng 5/2018, Bộ Công an từng triệt phá ổ nhóm ma túy do Oanh “Hà” cầm đầu và thu giữ 74 kg ma túy. Oanh “Hà” được xác định đã bỏ trốn sang nước ngoài và bị C04 phát lệnh truy nã đặc biệt. Interpol cũng đã có lệnh truy nã quốc tế đối với bà trùm. Sau khi sang nước ngoài, Oanh “Hà” đã tổ chức một đường dây ma túy xuyên quốc gia để vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia về TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh khác để tiêu thụ. Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2018-11/2022 các bị cáo đã vận chuyển, mua bán hơn 626 kg ma túy trị giá khoảng 1.400 tỷ đồng. Oanh “Hà” được xác định là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu; các đồng phạm giúp sức tích cực là hai bị cáo Nguyễn Anh Bảo Quốc và Nguyễn Văn Nam. Theo lý lịch, bà trùm ma túy Oanh “Hà” là con thứ 2 trong gia đình có 6 anh chị em. Oanh Hà là chị ruột của Dung Hà (người liên quan trong vụ án Năm Cam). Năm 2006, Oanh “Hà” bị Tòa án xử phạt 20 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy và được đặc xá ngày 01/9/2009... Báo VnExpress, VietNamNet, Pháp luật TP.HCM (25/12) cho biết thêm, trong vụ án, đàn em bà trùm Oanh “Hà” khai cách dàn cảnh cãi nhau vì thua bạc để qua mắt lực lượng Biên phòng. Theo cáo buộc, trong thời gian bị phát lệnh truy nã quốc tế, bà Oanh tiếp tục thu nạp nhiều đàn em giang hồ để hình thành đường dây đưa chất cấm từ khu vực Tam giác vàng về nước. Trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Văn Nam, quê Hải Phòng, Lương Thị Thu Huyền (bạn gái Nam), Nguyễn Văn Vũ, Đinh Xuân Dương (bạn xã hội) đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Các báo (27/12) cho biết, trùm ma túy Oanh “Hà” và 26 đàn em bị tòa tuyên án tử hình. Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội khi đã mua bán, vận chuyển trót lọt hơn 626 kg ma túy các loại. Do đó, các bị cáo phải bị áp dụng hình phạt cao nhất. 06 bị cáo khác bị tuyên án tù chung thân, 02 bị cáo còn lại phải nhận 20 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng để sung công quỹ.
Đài THVN, báo CAND, VietNamNet, Thanh niên, Tiền phong, Dân trí, Tri thức và cuộc sống, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và pháp luật, Đại đoàn kết, Người đưa tin, Pháp luật VN, Công lý, An ninh thủ đô, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Nam Định (25/12) đưa tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định phối hợp triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá trên không gian mạng xuyên các tỉnh, thành do Trần Ngọc Linh (trú tại phường Lộc Vượng, TP. Nam Định) cầm đầu, tổng số tiền giao dịch khoảng 600 tỷ đồng. Các đối tượng có sự phân công vai trò, nhiệm vụ; sử dụng mạng internet và các ứng dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc.
Báo Dân trí, Pháp luật VN, VnExpress, Pháp luật TP.HCM, An ninh thủ đô (25/12) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử bị cáo Đào Thị Oanh, Giám đốc Công ty ADIA trong vụ án vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. 05 bị cáo khác cũng bị xét xử về tội danh này. Theo cáo buộc, đầu năm 2021, Oanh quen biết với Nguyễn Thụy Hương Trầm (ở TP.HCM, đã xuất cảnh sang Mỹ), làm dịch vụ chuyển tiền quốc tế và liên kết cùng làm dịch vụ này. Từ tháng 11/2021-8/2022, Oanh tổ chức, chỉ đạo các bị cáo mở tài khoản tại các ngân hàng có chức năng thanh toán quốc tế. Thông qua 9 công ty, Oanh đã lập 2.013 hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống với 1.739 công ty tại 41 quốc gia để làm thủ tục chuyển tiền điện tử qua tài khoản ngân hàng của 9 công ty theo hình thức chuyển tiền T/T- Thanh toán trước hợp đồng nhập khẩu. Bằng thủ đoạn này, Oanh và các đồng phạm đã chuyển hơn 3.923 tỷ đồng ra nước ngoài.
Báo CAND, Công lý, Tuổi trẻ TP.HCM, Dân Việt, Tiền phong, Gia đình xã hội (25/12) cho biết, Công an TP. Hà Nội phát hiện Công ty CP Triệu nụ cười do Hồ Quốc Thân (quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) Chủ tịch HĐQT Công ty có dấu hiệu lừa đảo với thủ đoạn kêu gọi đầu tư vào đồng QFS có yếu tố tâm linh. Thời điểm Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với giá trị hàng chục tỷ đồng. Qua điều tra xác định, Hồ Quốc Thân là người sáng lập Công ty CP Triệu nụ cười; khoảng tháng 4/2024, Thân chia sẻ việc phát hành đồng tiền lượng tử QFS TNCVN (đồng tiền do Thân phát hành); các đối tượng đã đưa thông tin không đúng sự thật để thu hút các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp. Theo quảng cáo, đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận, sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam và Hồ Quốc Thân được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ “Tổng bộ Hồ Chí Minh”… Khi các cá nhân và doanh nghiệp đồng ý tham gia, đối tượng yêu cầu họ phải bỏ tiền “trợ duyên” để sở hữu đồng tiền QFS để tham gia vào hoạt động của “hệ sinh thái” Triệu nụ cười. Từ các căn cứ thu thập được, cơ quan Công an đã tiến hành đấu tranh, bắt giữ; đồng thời, khuyến cáo người dân tránh việc bị các đối tượng lừa đảo.
Báo Pháp luật VN, Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, Công an Đà Nẵng, Gia đình và xã hội, SGGP (26/12) cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố, bắt tạm giam đối với Đỗ Hạnh, Tổng Giám đốc và vợ Trần Thị Quỳnh Nhi, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại bất động sản DHGROUP (Công ty DHGROUP) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để tạo lòng tin, các đối tượng xây dựng hình ảnh Công ty thông qua mạng internet là công ty chuyên kinh doanh bất động sản, sở hữu nhiều bất động sản, dự án trên cả nước, có quy mô, chi nhánh hoạt động trên nhiều tỉnh thành, kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn vào công ty. Bằng nhiều thủ đoạn, các đối tượng lừa đảo nhiều cá nhân để chiếm đoạt tài sản sử dụng vào mục đích cá nhân với số tiền lớn. Bước đầu xác định, hơn 600 hợp đồng được ký kết nộp tiền vào Công ty này là hơn 100 tỷ đồng.
TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, báo CAND, Pháp luật VN, Pháp luật TP.HCM, Truyền hình CAND (28/12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 13 đối tượng về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Triển khai công tác nghiệp vụ, Cơ quan điều tra phát hiện đường dây tội phạm lợi dụng một số người dân có trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn để lấy thông tin cá nhân, lập các hồ sơ vay vốn khống, thông đồng móc ngoặc với chuyên viên các tổ chức tín dụng để chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng, có những người dân không được sử dụng số tiền vay nhưng phải gánh đứng tên khoản nợ. Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 13 đối tượng, đồng thời mở rộng điều tra làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng có liên quan và xác minh, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ, TIÊU CỰC
TTXVN, Đài THVN, báo CAND, Tin tức, VietNamPlus, VietNamNet, Pháp luật TP.HCM (23/12) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Đặng Anh Đức, cựu chuyên viên Phòng châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương 8 năm tù và Nguyễn Tiến Phúc, trú tại phường Phú Lương, quận Hà Đông 7 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, khoảng năm 2021-2022, Phúc đưa thông tin không đúng về dự án đóng tàu cho Bộ Quốc phòng và chủ động nhắn tin cho Đức chuyển hồ sơ của doanh nghiệp có nhu cầu đóng tàu để Phúc giúp và yêu cầu chuyển chi phí để quan hệ lo việc. Qua đó, Đức đã trao đổi, giới thiệu anh Phạm Bình M. (Giám đốc một công ty xây dựng và xuất nhập khẩu quốc tế) về dự án đóng tàu của Bộ Quốc phòng. Tin tưởng Đức, anh M. đã chuyển 930 triệu đồng giúp công ty được đóng 2 tàu cho Bộ Quốc phòng. Hết thời hạn cam kết mà không được ký hợp đồng, anh M. đã gửi đơn đến Cơ quan điều tra tố giác hành vi của các bị cáo.
Đài TNVN, TTXVN, báo Điện tử ĐCS, Tin tức, Tiền phong, Giao thông, Công an TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Cần Thơ (23/12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 đối tượng cùng về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Ba đối tượng gồm: Nguyễn Văn Điểm, trú xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; Đinh Lương Nghĩa, trú huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; Nguyễn Vương Hoài, trú Phường 4, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Theo điều tra, từ tháng 01-6/2024, Điểm sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại dịch vụ DELTA, do Điểm đứng tên đại diện pháp luật, thỏa thuận với Nghĩa xuất khống 34 hóa đơn cho 3 công ty để thu lợi bất chính hơn 16,6 tỷ đồng.
Báo Nhân Dân, Tiền phong, Đấu thầu, VnExpress, Kinh tế đô thị, Tuổi trẻ TP.HCM (23/12) đưa tin, Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt tạm giam ông Đinh Văn Chung, cựu Phó giám đốc Công ty thép Hòa Phát Dung Quất về cáo buộc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Đây là động thái trong quá trình mở rộng điều tra vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh. Đồng thời, bổ sung quyết định khởi tố ông Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất; Trần Minh Khôi, nguyên Trưởng phòng Quy hoạch và Xây dựng của Ban Quản lý về cùng tội danh. Hai bị can này trước đó đã bị bắt tạm giam về tội nhận hối lộ. Ngoài ra, Lê Thế Tào, Giám đốc một doanh nghiệp và Trần Thạch Nam, nguyên Phó Phòng Quản lý Tài nguyên và Môi trường của Ban Quản lý bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo CAND, Tin tức, Pháp luật VN, Lao động, Người Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Xây dựng, Dân trí, VietNamNet, VnExpress, Kinh tế đô thị, Đời sống và pháp luật, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Công an TP.HCM (24/12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Giang Điền để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan đến vụ án, Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 04 bị can nguyên lãnh đạo Công ty để điều tra về hành vi trên. Tháng 6/2024, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Dự án Khu dân cư mật độ thấp và du lịch sinh thái thác Giang Điền tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom. Theo điều tra, mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về chủ trương, chưa đủ điều kiện bán đất nền tại dự án; tuy nhiên, Công ty vẫn thông qua các công ty môi giới để quảng bá, ký kết hợp đồng bán đất nền tại dự án. Từ năm 2010-2018, Công ty đã ký kết khoảng 1.267 hợp đồng với các khách hàng, nhà đầu tư để thu lợi số tiền đặc biệt lớn (hơn 1.000 tỷ đồng).
Báo Pháp luật VN, Lao động, Công lý, Thái Nguyên (24/12) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên xem xét, đề nghị khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Đào Duy Anh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Sông Công, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Sông Công vì đã ký quyết định giao đất tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện Dự án đường Thắng Lợi kéo dài giai đoạn 2 và Khu dân cư đường Thắng lợi TP. Sông Công không đúng quy định. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bị can đối với ông Đào Duy Anh về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, Chinhphu.vn, Điện tử ĐCS, CAND, QĐND, Tin tức, VnExpress, VietNamPlus, VietNamNet, Pháp luật VN, Thanh tra, Lao động, Người Lao động, Công lý, Dân trí, Dân Việt, Giao thông, Xây dựng, Tiền phong, Thanh niên, Đại đoàn kết, Công luận, Phụ nữ, Đời sống và Pháp luật, Tri thức và Cuộc sống, Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Tòa án, An ninh thủ đô, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Công an TP.HCM, SGGP, Hà Nội mới, Truyền hình CAND và nhiều báo địa phương (23-24/12) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2. Nhiều cán bộ bị cáo buộc nhiều lần nhận tiền để giúp doanh nghiệp xin chủ trương cách ly y tế. Trong đó, bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, có hành vi nhận hối lộ 4,4 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cách ly y tế đối với 3 chuyến bay. Ông Tùng còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái công vụ, hưởng lợi bất chính hơn 3,2 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cách ly y tế với 5 chuyến bay khác. Các báo (23/12) cho biết, theo cáo trạng, cựu cán bộ Công an Nguyễn Xuân Thông đã được Trần Minh Tuấn (bị can giai đoạn 1, cựu cán bộ Bộ Y tế) gửi 2 công văn có đóng dấu “Mật” của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế; Viện kiểm sát truy tố Nguyễn Xuân Thông về tội Che giấu tội phạm. Các báo (24/12) phản ánh thêm, cơ quan tố tụng đã làm rõ hành vi đưa hối lộ khi tổ chức đưa công dân (khách lẻ) về nước tại Bộ Y tế; theo đó, cựu Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) Vũ Hồng Quang đã thỏa thuận ngầm, đưa hối lộ cho Kiên để xin cấp phép cho công dân được về nước trên các chuyến bay đơn lẻ với chi phí 10 triệu đồng/công dân. Sau đó, Quang trao đổi với Nguyễn Mạnh Cương (Trưởng phòng Thương mại điện tử, Công ty cổ phần thương mại hàng không VietJet) và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) mức phí 2.000-3.000 USD/công dân. Tiếp theo đó, Cương và Dũng trao đổi với Bùi Đăng Khoa (Giám đốc Công ty TNHH MTV Du ngoạn Thế Giới); Trương Thị Mỹ Dung (Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Sao Thiên); Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty TNHH PNR); Trần Minh Phụng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch và xây dựng Gia Huy) thỏa thuận chi phí chênh lên 100-500 USD/công dân so với chi phí Quang đưa ra. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, CAND, QĐND, Người Lao động, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, SGGP và các báo (25/12) đưa tin, trong phiên xử, bị cáo Nguyễn Xuân Thông (cựu cán bộ Công an) đã tỏ ra rất hối hận với việc làm của mình, mong tòa bao dung để bị cáo sớm có cơ hội làm lại cuộc đời. Đối với bị cáo Trần Tùng, đại diện Viện kiểm sát đề nghị bác bỏ các quan điểm của luật sư; đề nghị tịch thu vào công quỹ nhà nước đối với số tiền 4,4 tỷ đồng nhận hối lộ và 3,2 tỷ đồng hưởng lợi từ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ của bị cáo Trần Tùng. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, Tin tức và các báo (27/12) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án 17 bị cáo trong vụ án. Theo đó, bị cáo Trần Tùng bị Tòa tuyên phạt 12 năm tù về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ Công an bị tuyên 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội che giấu tội phạm.
TTXVN, báo Tin tức (24/12) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai hoàn tất cáo trạng truy tố đối với Trần Minh Lượng, Giám đốc và Lê Đình Vượng, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-05D để điều tra, làm rõ hành vi nhận hối lộ. Theo điều tra, trong năm 2021-2022, hai bị can này đã nhận số tiền từ 5-15 triệu đồng/phương tiện của các chủ phương tiện, lái xe, người môi giới để hợp thức hóa thủ tục nghiệm thu cải tạo, kiểm định các phương tiện. Cả hai đối tượng đã liên hệ với các công ty có chức năng thiết kế, thi công cải tạo phương tiện mua hồ sơ khống với giá từ 5-8 triệu đồng/hồ sơ. Với thủ đoạn trên, hai bị can đã mua khống 318 hồ sơ với số tiền trên 1,042 tỷ đồng.
Báo Thanh tra, Lao động, Người Lao động, Thanh niên, Công lý (24/12) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Huyền, nguyên thủ quỹ Trường Chính trị tỉnh 3 năm 6 tháng tù về tội tham ô tài sản. Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian từ tháng 4/2017-2019, Huyền đã có hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 86 triệu đồng. Liên quan đến vụ án, Cơ quan điều tra còn phát hiện các vi phạm của nguyên Hiệu trưởng và các cá nhân liên quan. Trước đó, Sở Tài chính tỉnh đã chỉ ra 18 sai phạm về công tác quản lý tài chính giai đoạn 2017-2022 của trường, số tiền có dấu hiệu thất thoát, thiệt hại là trên 1 tỷ đồng.
Báo Nhân Dân, VietNamNet, Lao động, Hòa Bình, SGGP (25/12) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình khóa XVII đã họp kỳ thứ 33 đã xem xét, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật đồng chí Ngô Quang Lợi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hòa Bình.Trong Ông Ngô Quang Lợi đã vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; vi phạm quy chế làm việc; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Những vi phạm nêu trên gây dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị công tác, mất uy tín cá nhân, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, Chinhphu.vn, Điện tử ĐCS, CAND, QĐND, Tin tức, Pháp luật VN, Công lý, Lao động, Giao thông, VnExpress, VietNamNet, VietNamPlus, Thanh tra, Thanh niên, Tiền phong, VTC News, Đầu tư, Đại đoàn kết, Người Lao động, Dân trí, Dân Việt, Người đưa tin, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, SGGP, Công an TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, Hà Nội mới (26/12) cho biết, tại họp báo, đại diện các cục nghiệp vụ của Bộ Công an thông tin về kết quả điều tra một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được dư luận quan tâm. Theo đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), đã khởi tố thêm 5 bị can ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc do liên quan vụ án ở Tập đoàn Phúc Sơn, trong đó có nguyên 3 Bí thư Tỉnh ủy. Có 38 người đã bị khởi tố trong vụ án này. Đối với các vụ án về lãng phí, ngày 03/11/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về thăm dò khai thác tài nguyên; buôn lậu; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh và các đơn vị liên quan. Cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Với vụ án xảy ra tại dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An), ngày 31/10/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty Hoàng Dân và các đơn vị liên quan; đến nay đã khởi tố tổng cộng tám bị can. Đây là hai trong số nhiều vụ án về lãng phí mà Bộ Công an đang quyết liệt chỉ đạo điều tra theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các báo cùng ngày cho biết, liên quan đến vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố thêm 09 bị can, đồng thời triệu tập 20 đối tượng để mở rộng điều tra; trong đó, có Trưởng Văn phòng đại diện khu vực Tây Bắc Nguyễn Văn Dương và Trưởng Văn phòng đại diện khu vực Tây Nguyên Vũ Đình Đăng. Những người còn lại đều là phóng viên của tạp chí này. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.
|
Các phóng viên đặt câu hỏi về những nội dung đang được dư luận quan tâm tại buổi họp báo của Bộ Công an chiều ngày 26/12/2024 |
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, Chinhphu.vn, Điện tử ĐCS, CAND, QĐND, Tin tức, Pháp luật VN, Công lý, Lao động, Giao thông, VnExpress, VietNamNet, VietNamPlus, Thanh tra, Thanh niên, Tiền phong, VTC News, Đầu tư, Đại đoàn kết, Người Lao động, Dân trí, Dân Việt, Người đưa tin, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, SGGP, Công an TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, Hà Nội mới (26/12) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành cáo trạng truy tố bị can Lưu Bình Nhưỡng (cựu đại biểu Quốc hội), bị can Lê Thanh Vân (cựu đại biểu Quốc hội) và 3 bị can khác về các tội cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Theo cáo trạng, ngoài việc hỗ trợ cho nhóm bị can Phạm Minh Cường, Vũ Đăng Phương cưỡng đoạt tài sản, can thiệp việc xét xử của Tòa án, ông Lưu Bình Nhưỡng còn can thiệp, tác động để trợ giúp Doanh nghiệp xin dự án. Bị can Lưu Bình Nhưỡng đã can thiệp đến Chính phủ để Công ty Mạnh Đức được phê duyệt thực hiện dự án Quế Võ III và yêu cầu được hưởng lợi để giải quyết việc này là 300.000 USD. Năm 2019, ông Nhưỡng ký 2 văn bản yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36 ha. Cùng vụ án, bị can Lê Thanh Vân đã ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36 ha nói trên. Sau khi nhận 3,3 tỷ đồng của Công ty Hạ Long và được hứa sẽ nhận 10% số đất của dự án 36 ha; cho ông Nhưỡng và ông Vân mỗi người 1 lô đất ở Đông Anh và hứa cho bị can Nhưỡng và Vân 1.000m2 đất tại dự án 36 ha (trị giá hơn 1,9 tỷ đồng), ông Nguyễn Văn Vương (chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước) hưởng lợi 13.349 m2 trị giá hơn 26 tỷ đồng. Báo Pháp luật TP.HCM (26/12) cho biết thêm, ông Lưu Bình Nhưỡng còn bị cáo buộc can thiệp vào việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng để trục lợi. Việc tác động của ông Nhưỡng đã giúp ông được hưởng lợi là bộ cánh cửa nhà thờ bằng gỗ lim... Báo Tiền phong (27/12) cho biết, do mong muốn tiếp tục thực hiện dự án, phía doanh nghiệp đã nhờ hai người trung gian kết nối với Nguyễn Văn Vương giúp đỡ; bị can Vương đồng ý nhưng yêu cầu Công ty Hạ Long phải chi 7 tỷ đồng, trong đó 4 tỷ đồng cần chuyển trước để “lo quan hệ”; tuy nhiên, sau khi qua trung gian, số tiền đến bị can Vương “bốc hơi” chỉ còn 3,3 tỷ đồng. Báo Người Lao động (27/12) thông tin, quá trình điều tra, nhiều lần can thiệp để hưởng lợi tiền tỷ nhưng bị can Lê Thanh Vân quanh co không nhận tội nhằm trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, Chinhphu.vn, Điện tử ĐCS, CAND, QĐND, Tin tức, Pháp luật VN, Công lý, Lao động, Giao thông, VnExpress, VietNamNet, VietNamPlus, Thanh tra, Thanh niên, Tiền phong, VTC News, Đầu tư, Đại đoàn kết, Người Lao động, Dân trí, Dân Việt, Người đưa tin, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, SGGP, Công an TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, Hà Nội mới (27/12) đưa tin, Công an huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình bắt quả tang 2 người là phóng viên và cộng tác viên báo Tài nguyên và Môi trường vì có hành vi cưỡng đoạt tài sản của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Theo thông tin, 2 người này đã đến một mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa và đe dọa chủ mỏ sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua. Trong quá trình thương lượng, chủ doanh nghiệp đề nghị không viết bài và xin giảm tiền xuống do điều kiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Khi Bùi Thanh Tùng và Phan Văn Tiến đang nhận số tiền 15 triệu đồng từ chủ doanh nghiệp thì bị Công an bắt quả tang.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, CAND, QĐND, Tin tức, Pháp luật VN, Tin tức (29/12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận quyết định khởi tố 3 bị can liên quan đến sai phạm trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất xảy ra trên địa bàn phường Phú Thủy. Năm 2022, Thanh tra TP. Phan Thiết đã chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ ông Nguyễn Văn Huỳnh với diện tích 506 m2 gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Quá trình điều tra, Cơ quan Công an xác định, Nguyễn Hoàng Phương, công chức địa chính phường Phú Thủy; Nguyễn Thị Hoàng Oanh, công chức Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Phan Thiết và Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Chi nhánh đã thiếu trách nhiệm, thực hiện sai các quy trình trong quản lý về đất đai, gây hậu quả nghiêm trọng.
TIN QUỐC TẾ
TTXVN, Đài TNVN, báo QĐND, Thanh tra, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Truyền hình CAND (25/12) cho biết, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã không tuân thủ lệnh triệu tập của Cơ quan điều tra chống tham nhũng. Đây là lần thứ hai ông từ chối yêu cầu từ cơ quan này. Văn phòng Điều tra tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao của Hàn Quốc (CIO) trước đó đã yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol phải có mặt vào ngày 25/12 để phục vụ cho cuộc điều tra xung quanh cáo buộc ông đã kích động nổi loạn thông qua tuyên bố thiết quân luật vào ngày 3/12. Hiện, ông Yoon đang bị đình chỉ chức vụ. Phát biểu trước Ủy ban Lập pháp của Quốc hội ngày 17/12, ông Oh Dong-woon, Chánh Văn phòng CIO cho biết, Văn phòng đang xem xét liệu có đầy đủ các tiêu chí để xin lệnh bắt giữ Tổng thống hay không.
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Tuyên án tử hình bị cáo Oanh “Hà” và 26 đàn em trong đường dây mua bán ma túy từ khu vực Tam giác vàng về Việt Nam;
- Tuyên án 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2;
- Ban hành cáo trạng truy tố bị can Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân (cựu đại biểu Quốc hội);
- Xét xử nhóm bị cáo vận chuyển gần 4.000 tỷ đồng ra nước ngoài.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG--noichinh.vn