Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1576/QĐ-TTg ngày 16/12/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch).
Kế hoạch nhằm mục đích triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế); cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế; xây dựng lộ trình thực hiện danh mục dự án dự kiến ưu tiên đầu tư, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện.
Yêu cầu của Kế hoạch là bám sát mục tiêu, định hướng phát triển của Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế; bảo đảm tính tuân thủ, tính kế thừa các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt; bảo đảm tính liên kết, thống nhất giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, các địa phương.
Bảo đảm tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bối cảnh hội nhập quốc tế và thực tiễn tại địa phương; huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển mạng lưới cơ sở y tế; phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn; kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực, bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn vốn.
Ưu tiên đầu tư công phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới cơ sở y tế khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa
Một trong những nội dung chủ yếu của Kế hoạch là triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch. Trong đó, các dự án sử dụng vốn đầu tư công được xác định theo nguyên tắc tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản của cấp có thẩm quyền liên quan về đầu tư công; sử dụng hiệu quả đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia các công trình đầu tư phát triển các cơ sở y tế theo quy hoạch.
Ưu tiên đầu tư công phát triển cơ sở hạ tầng đối với mạng lưới cơ sở y tế tại các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo và các lĩnh vực hạn chế về nguồn thu: y tế dự phòng, bệnh viện lao, phong, tâm thần...
Nhà nước đầu tư và có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phù hợp để các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu tham gia đầu tư các phòng thí nghiệm chuyên ngành để nghiên cứu, phát triển thuốc.
Khuyến khích đầu tư tư nhân phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Khuyến khích đầu tư tư nhân phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, tiên tiến hiện đại, dịch vụ theo yêu cầu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, người nước ngoài.
Thu hút nguồn lực xã hội theo các hình thức: đầu tư cơ sở y tế tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công tư; vay vốn, thuê, cho thuê tài sản; tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo phát triển y tế
Xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo phát triển y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp, chuyển đổi, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp y tế; điều chỉnh chức năng nhiệm vụ phù hợp bảo đảm đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Phát triển nguồn nhân lực y tế, tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đào tạo khối ngành sức khỏe để bảo đảm nhu cầu nhân lực là bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng cả về số lượng và trình độ chuyên môn. Rà soát cơ cấu nhân lực theo yêu cầu vị trí việc làm ở từng lĩnh vực trong đó cần chú trọng tăng số lượng các chuyên gia dịch tễ học, y tế công cộng và các chuyên ngành sâu cho phát triển các phòng xét nghiệm cũng như trong lĩnh vực khác liên quan tới kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe do biến đổi khí hậu, môi trường và xã hội.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y khoa, đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ mới trong dự phòng và khám bệnh, chữa bệnh, trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc, vaccine, thiết bị y tế. Nâng cao tiềm lực, tập trung ưu tiên phát triển công nghệ có khả năng ứng dụng cao, đặc biệt là y tế số, trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ sinh học, dược học, điện tử y sinh.
Ưu tiên đầu tư nâng cấp 06 Bệnh viện ngang tầm quốc tế
Theo kế hoạch, ưu tiên đầu tư nâng cấp 06 Bệnh viện ngang tầm quốc tế gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175. Đồng thời, ưu tiên đầu tư xây dựng Bệnh viện Trung ương Tây Nguyên; Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, ưu tiên đầu tư xây dựng trung tâm kiểm soát bệnh tật trung ương và đầu tư xây dựng 03 trung tâm kiểm soát bệnh tật khu vực.
Trong lĩnh vực Dân số - sức khỏe sinh sản, sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng 02 trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại Thái Nguyên và Đắk Lắk. Đồng thời, ưu tiêu đầu tư nâng cấp 06 trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể vừa ký Quyết định số 144/QĐ-BCĐQGKTTT ngày 16/12/2024 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo này.
Quy chế quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác, trách nhiệm của thành viên, nhiệm vụ của cơ quan thường trực, chế độ thông tin, báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) được kiện toàn theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Nguyên tắc tổ chức, hoạt động
Ban Chỉ đạo được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận và chỉ đạo thực hiện; bảo đảm yêu cầu phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.
Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật liên quan.
Chế độ làm việc
Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Ban Chỉ đạo làm việc thông qua các cuộc họp định kỳ 6 tháng, hằng năm hoặc đột xuất theo triệu tập của Trưởng Ban Chỉ đạo; trường hợp không tổ chức được cuộc họp, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo bằng văn bản và báo cáo, xin ý kiến quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ do Trưởng Ban Chỉ đạo phân công; phối hợp chặt chẽ, kịp thời thông tin giữa các Ủy viên Ban Chỉ đạo, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo
Theo Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ:
Đầu mối giúp Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; giúp Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành, điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo; theo dõi, đôn đốc các Ủy viên Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Chủ trì hướng dẫn xây dựng và tổng hợp, trình Trưởng Ban Chỉ đạo về kế hoạch hoạt động hằng năm của Ban Chỉ đạo.
Tham mưu, đề xuất Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì các cuộc họp, làm việc của Ban Chỉ đạo; đề xuất thời gian, địa điểm, thành phần tham gia; chuẩn bị nội dung, báo cáo, tài liệu, chương trình, kịch bản, dự thảo nội dung phát biểu khai mạc và kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo, công tác hậu cần phục vụ các cuộc họp, làm việc của Ban Chỉ đạo.
Theo dõi, tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan về phát triển kinh tế tập thể.
Tổng hợp, xây dựng các báo cáo định kỳ, đột xuất và các báo cáo phục vụ công tác của Ban Chỉ đạo; thực hiện các nhiệm vụ khác được Trưởng Ban Chỉ đạo giao./.
Theo chinhphu.vn