Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, tặng quà Tết cựu chiến binh, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) tháng 1.2025. Ảnh: Nguyên Nguyên
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – thành công, thành công, đại thành công”
Từ thuở dựng nước đến giữ nước, lịch sử dân tộc Việt Nam luôn là bản trường ca hùng tráng về sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của
chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”. Người xem đại đoàn kết toàn dân là chiến lược cơ bản, lâu dài, là vấn đề sống còn của Cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng đó không chỉ được thể hiện trong đường lối cách mạng, mà còn được cụ thể hóa bằng các hình thức tổ chức phù hợp từng giai đoạn lịch sử. Từ Hội Phản đế đồng minh năm 1930 – hình thức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất, cho đến sự ra đời của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (1960) và Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (1968), tất cả đều nhằm mục tiêu quy tụ, kết nối các tầng lớp nhân dân vào khối đại đoàn kết vững chắc.
Đó là sự liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức; giữa đồng bào Kinh với đồng bào các dân tộc thiểu số; giữa lương và giáo, giữa trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Tất cả cùng chung một khát vọng cháy bỏng: Giành độc lập, thống nhất đất nước.
Trong suốt 21 năm chiến tranh (1954–1975), đế quốc Mỹ và tay sai đã triển khai nhiều chiến lược nhằm chia rẽ, phân hóa nội bộ nhân dân Việt Nam: Từ “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” đến các đòn tập kích hủy diệt như B-52 vào Hà Nội năm 1972.
Chiến tranh khốc liệt không thể khuất phục được khối đại đoàn kết dân tộc được hun đúc qua bao đời. Sự kết hợp giữa chiến tranh nhân dân và chiến tranh chính trị, giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng đã làm nên thế trận toàn dân đánh giặc, toàn dân làm chủ.
Trong suốt quá trình đó, các lực lượng chính trị và vũ trang đều được tổ chức, huấn luyện, lãnh đạo bài bản dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiên phong tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, ý chí của dân tộc.
Từ cuối năm 1974, đầu năm 1975, khi thời cơ chiến lược xuất hiện, toàn dân tộc đã được huy động vào một cuộc tổng lực lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân đã thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 – đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Chiến thắng đó là kết tinh của ý chí, niềm tin, lòng yêu nước và hơn hết là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đó là thắng lợi của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân làm nên.
Kế thừa và phát huy trong thời đại mới
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, không ngừng mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ sau Đổi mới (1986), hàng loạt nghị quyết, cương lĩnh, chỉ thị, kết luận đã được ban hành nhằm nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Các Nghị quyết của Trung ương đều khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, nguồn lực nội sinh quan trọng hàng đầu cho phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc.
Trên thực tế, tinh thần đó đã được cụ thể hóa bằng hàng loạt hoạt động thiết thực: Từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến “Ngày vì người nghèo”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.
Sự kết nối giữa Nhà nước với nhân dân, giữa các vùng miền, tôn giáo, dân tộc, giai tầng trong xã hội ngày càng chặt chẽ hơn, minh chứng rõ nét cho tinh thần đại đoàn kết đã và đang được phát huy mạnh mẽ.
Bài học lịch sử và khát vọng tương lai
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam càng phải củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là “pháo đài bất khả xâm phạm” bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị – xã hội.
Đại đoàn kết không chỉ là nhiệm vụ của riêng một tổ chức, cá nhân nào mà là sự đồng hành, phối hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Phải tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong việc tập hợp, vận động, kết nối và lan tỏa các giá trị tích cực trong cộng đồng.
Đồng thời, cần chủ động ứng dụng công nghệ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò của trí thức, người có uy tín, kiều bào, tôn giáo... trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc toàn diện và hiện đại hơn.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để mỗi người dân Việt Nam thêm tự hào và biết ơn những thế hệ đi trước đã dâng hiến máu xương cho độc lập, tự do. Từ những giá trị bền vững của đại đoàn kết dân tộc, chúng ta tin tưởng mạnh mẽ vào một tương lai tươi sáng – nơi Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc, trường tồn cùng thời đại.