Thảo luận tại tổ chiều nay, 7/5, các ĐBQH của Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk và Lào Cai) đều bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí rất cao việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 như nội dung Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thống nhất sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Cán bộ, công chức.
Tinh gọn bộ máy - ý Đảng hợp lòng Dân
Tham gia thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong 5-6 tháng qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã họp liên tục để thực hiện chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Để phục vụ cho giai đoạn 2: sáp nhập xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện và sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh thì nhiệm vụ đặt ra là phải sửa đổi Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và một số luật liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dư luận cử tri, nhân dân và cán bộ rất mong đợi Kỳ họp này, đặt nhiều kỳ vọng vào các quyết định của Quốc hội để tạo nền tảng pháp lý cho việc tinh gọn tổ chức bộ máy.
"Ai cũng mong muốn xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nhiều nhiệm kỳ vừa qua, có thể nói là nhiệm kỳ nào Trung ương cũng có Nghị quyết về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhưng thực hiện còn khó khăn, chưa đạt mục tiêu, giảm còn cơ học. Lần này, chúng ta thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 18. Đây là chủ trương hợp lòng Dân, là ý Đảng - lòng Dân nên phải quyết tâm thực hiện. Và như vậy, phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, một số luật liên quan", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thông tin các công việc liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đã được các cơ quan triển khai quyết liệt vừa qua, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự kiến phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này chỉ gọn trong 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 và chỉ sửa để phục vụ cho công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy, không mở rộng ra các nội dung khác để thực hiện ngay.
Cái gì phân cấp được cho địa phương là phân cấp
Nêu vấn đề phân cấp, phân quyền được nhiều ĐBQH quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, vừa qua khi Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là đã phân cấp khá mạnh. Lần này, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Luật khác sẽ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương theo đúng tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
"Phải có nguồn lực để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến thông qua 34 luật và cho ý kiến lần đầu 6 dự án Luật thì đều theo đúng tinh thần này, cái gì phân cấp được cho địa phương là phân cấp".
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội từ thực tiễn công tác tại các địa phương và trong các ngành cần xem xét, góp ý kiến cụ thể để thực sự phân cấp cho địa phương, làm sao tới đây, địa phương không phải lên Trung ương nữa mà chủ động thực hiện. Bây giờ giao dự án, giao tiền cho địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm, địa phương phải quyết, địa phương phải làm chứ tiền giao, dự án giao nhưng địa phương vẫn phải lên báo cáo với trên trung ương thì rất mất thời gian và không hiệu quả.
"Phân về địa phương, dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy, sự điều hành của UBND, sự giám sát của HĐND thì công trình, dự án mới nhanh, hiệu quả, khắc phục tình trạng giải ngân hiện nay ở nhiều địa phương rất chậm do thủ tục quy định quá nhiều. Tới đây sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước sẽ phân cấp mạnh cho địa phương", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Thể chế thông thoáng thì sẽ tạo ra sự phát triển cho đất nước
Nhắc lại quan điểm xây dựng luật hiện nay là Quốc hội chỉ ban hành Luật khung, việc cụ thể giao Chính phủ ban hành nghị định, Bộ ban hành thông tư , Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trừ Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, các Luật Tố tụng liên quan tới con người, quyền con người phải bàn chi li, chi tiết từng khoản, từng điều, từng chương cho rõ, còn liên quan đến lĩnh vực kinh tế, xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước thay đổi liên tục như hiện nay thì Quốc hội giao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy việc gì ủy quyền được cho Chính phủ, Thủ tướng thì sẽ ủy quyền cho Chính phủ và Thủ tướng để giải quyết nhanh nhất.
"Từ Kỳ họp thứ Tám, Kỳ họp bất thường lần thứ Chín chúng ta đã đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Nhờ đó, một Kỳ họp chúng ta thông qua được 18 luật (tại Kỳ họp thứ Tám) thì Kỳ họp thứ Chín dự kiến sẽ thông qua 34 luật, hơn 10 nghị quyết. Chúng ta đổi mới tư duy thì mới làm được như vậy và mới đáp ứng được yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy. Nếu vẫn theo cách làm xưa, không đổi mới tư duy xây dựng pháp luật thì sẽ không làm được. Thể chế thông thoáng thì sẽ tạo ra sự phát triển cho đất nước", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Quang cảnh thảo luận Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần chia sẻ nhờ những quyết sách hết sức nhanh chóng, kịp thời của Quốc hội, đặc biệt là các luật, các nghị quyết từ Kỳ họp thứ Bảy đến nay đã góp phần quan trọng để đất nước đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu, trong đó, tăng trưởng kinh tế năm 2024 lên tới 7,09%, quy mô kinh tế hơn 476,4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người hơn 4.700 USD...
"Một Kỳ họp chúng ta quyết định là mang lại hiệu ứng ngay. Kỳ họp thứ Chín này cũng như vậy, phải tạo tiền đề để năm 2025 tăng trưởng khoảng 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo để đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta sẽ là nước thu nhập trung bình khá; đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta sẽ là nước thu nhập cao".
Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quốc hội thông qua sửa đổi, bổ sung Hiến pháp tại Kỳ họp này sẽ tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo nền tảng cho sắp xếp bộ máy. "Chúng ta sắp xếp bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì sẽ có thêm nhiều nguồn lực để phát triển đất nước".
Đơn cử, chính việc sắp xếp bộ máy mà Kỳ họp này chúng ta mới trình Quốc hội quyết định các chính sách miễn học phí cho các cấp học từ mầm non đến phổ thông với nguồn lực khoảng 30.000 tỷ đồng.
Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì làm việc với ngành về y tế về lộ trình miễn, giảm viện phí. Mong muốn của Tổng Bí thư là người dân hàng năm phải được khám sức khoẻ ít nhất một lần và được miễn phí. Dự kiến nguồn lực theo lãnh đạo Bộ Y tế là khoảng 25.000 tỷ đồng.
Chính việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo... sẽ giúp chúng ta có thêm các nguồn lực để thực hiện thêm nhiều chính sách an sinh xã hội như vậy.
Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho tổ chức thực hiện
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cần đặc biệt quan tâm nhóm nhiệm vụ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện, hoàn thiện thể chế pháp luật và các quy định phải đi trước một bước để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho tổ chức thực hiện.
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thì sẽ kết thúc hoạt động của cấp huyện. Khi đó, chức năng, nhiệm vụ của cấp huyện làm hiện nay sẽ giao về cho cấp xã hoặc chuyển về cấp tỉnh. Cùng với sắp xếp thì phải chọn được cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; rồi quản lý, sử dụng tài sản công, trụ sở công như thế nào…
Dẫn thông tin báo chí phản ánh tình trạng trụ sở bỏ hoang trong sắp xếp giai đoạn 1 ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay trưa nay đã yêu cầu thư ký chụp nguyên bài báo đó gửi cho Bộ trưởng Bộ Tài chính để làm sao phải có hướng dẫn về việc sử dụng tài sản công, trụ sở công sau sắp xếp.
Chia sẻ một nỗi lo hiện nay của người dân là vấn đề trụ sở bỏ hoang, lãng phí sau sắp xếp bộ máy, sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong ba tháng qua, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đã chỉ đạo hết sức quyết liệt về vấn đề này. Theo đó, trước hết là ưu tiên cải tạo, sửa chữa, điều chỉnh công năng để phục vụ cho giáo dục; thứ hai là để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở địa phương; thứ ba là trở thành điểm vui chơi, giải trí cho nhân dân.
Qua thảo luận tại tổ cho thấy, các ĐBQH đồng thuận rất cao và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể cho dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đánh giá cao tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là nhiệm vụ rất hệ trọng mà mỗi đại biểu Quốc hội đều phải phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của mình để hoàn thành tốt nhất trọng trách này.