Thứ ba, ngày 29/04/2025 05:04:00 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Một số vấn đề lý luận về trách nhiệm hình sự của pháp nhân


Cập nhật: 18h44' ngày 05/01/2016


 Trong quá trình hình thành và phát triển để trở thành chế định của luật hình sự, vấn đề pháp nhân và trách nhiệm hình sự của pháp nhân (TNHSPN) luôn nhận được nhiều ý kiến góp ý, tranh luận khác nhau. Quan điểm ủng hộ hay phản đối việc quy định TNHSPN đều xuất phát từ những luận chứng riêng biệt và rất sâu sắc. Chẳng hạn như vấn đề năng lực trách nhiệm hình sự, chủ thể của trách nhiệm hình sự, hình phạt áp dụng đối với pháp nhân… và ngay cả đối với các nước đã quy định TNHSPN trong hệ thống pháp luật thì trong giới luật học vẫn còn có những quan điểm tranh luận không ngừng về tính đúng đắn, phù hợp khi quy định TNHSPN. Có thể nói, từ góc độ lý luận, giữa các ý kiến ủng hộ và phản đối, thực sự khó tìm thấy ý kiến nào hoàn toàn thuyết phục được quan điểm còn lại. Bên cạnh đó, hoạt động “tố tụng” truy cứu TNHSPN cũng có những nét rất đặc thù, như tại Hoa Kỳ và Anh đã thiết lập cơ chế “tạm hoãn khởi tố” và “không khởi tố” (Deferred Prosecution Agreement, Non-Prosecution Agreement) hành vi phạm tội của pháp nhân. Mặc dù cơ chế này không phải là phủ nhận TNHSPN nhưng vẫn dẫn đến tâm lý hoài nghi về tính tồn tại của TNHSPN.

Tuy còn có những quan điểm về mặt lý luận vẫn chưa hoàn toàn thống nhất và thực tiễn quy định vấn đề TNHSPN còn có sự khác biệt, nhưng trên bình diện quốc gia và quốc tế, vấn đề TNHSPN đã được ghi nhận trong pháp luật của rất nhiều nước và ngày càng có thêm nhiều nước quy định nội dung này; hành vi phạm tội của pháp nhân cũng được thể hiện trong nhiều điều ước quốc tế về các lĩnh vực khác nhau.

I. Vấn đề chung về trách nhiệm hình sự của pháp nhân  

1. Về năng lực trách nhiệm hình sự

Quan điểm phủ nhận năng lực hình sự của pháp nhân dựa trên lý luận của học thuyết hư cấu pháp lý, theo học thuyết này, pháp nhân chẳng qua là thực thể pháp lý được pháp luật cho phép thành lập, được xác lập bởi sự hư cấu pháp lý, cho nên nó là thực thể trừu tượng, không tồn tại một cách thực sự trong đời sống tự nhiên, không có năng lực suy nghĩ, mà chỉ “con người tự nhiên” mới có ý chí và như vậy mới có thể có năng lực trách nhiệm hình sự. Luận điểm phủ nhận năng lực TNHSPN lấy tồn tại phi thực tế của pháp nhân làm tiền đề phủ nhận năng lực TNHSPN. Căn cứ khái niệm về hành vi phạm tội thì hành vi phạm tội là dựa trên suy nghĩ, ý chí của “người tự nhiên” quyết định, nó được biểu hiện ra bên ngoài bằng các cử chỉ, hành động có thể nhìn thấy được, có thể nghe được. Đây là một đặc tính cơ bản vốn có của “người tự nhiên” mà không phải do pháp luật trao cho, còn pháp nhân không có thân thể, không có năng lực suy nghĩ nên tất nhiên không có năng lực hành vi và năng lực phạm tội. Cái gọi là hành vi của pháp nhân, thực chất đó là hành vi phạm tội của nhân viên trong bộ máy tổ chức của pháp nhân thực hiện, nên nếu cho rằng, loại hành vi này là hành vi của pháp nhân thì đó là một cách nói đánh tráo khái niệm.

Quan điểm ủng hộ TNHSPN dựa trên học thuyết thực tại (Học thuyết hữu cơ) để chứng minh cho tính đúng đắn, phù hợp của năng lực TNHSPN. Quan điểm này cho rằng, mặc dù pháp nhân được thành lập bởi các thành viên sáng lập theo pháp luật, nhưng giữa nó và thành viên tồn tại độc lập với nhau. Thông qua người đại diện, nhân viên của mình để thể hiện ý chí và hành động, ý chí và hành động đó trở thành một chỉnh thể thống nhất của pháp nhân. Vì vậy, pháp nhân là một cơ thể sống của xã hội, có hành vi và suy nghĩ cố hữu của mình. Do đó, pháp nhân không phải do pháp luật hư cấu nên mà nó là một thực thể tồn tại thực sự trong đời sống xã hội, được pháp luật thừa nhận. Pháp nhân không chỉ có thể thực hiện được hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực dân sự, hành chính mà nó còn có thể thực hiện được hành vi phạm tội. Trong lĩnh vực pháp luật dân sự, hành chính đã thừa nhận năng lực của pháp nhân, vậy tại sao trong pháp luật hình sự lại không thể thừa nhận năng lực TNHSPN?

2. Chủ thể của của hình phạt

Về vấn đề này, quan điểm phủ nhận pháp nhân là chủ thể của hình phạt cho rằng, dùng chế tài hình sự để trừng phạt pháp nhân là không phù hợp với mục đích của hình phạt. Mục đích của hình phạt là nhằm phòng ngừa tội phạm, trừng trị hành vi phạm tội và giáo dục tội phạm. Để đạt được mục đích của hình phạt thì hình phạt tất yếu phải tác động đến cảm xúc, tinh thần của tội phạm, tức là năng lực cảm thụ hình phạt của người phạm tội. Loại cảm xúc này chỉ “con người tự nhiên” mới có, pháp nhân không thể có năng lực cảm thụ hình phạt. Vì vậy, việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân là không phù hợp, không đạt được mục đích của hình phạt. Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân cũng là áp dụng cho toàn bộ nhân viên của pháp nhân, bao gồm cả những người không thực hiện hành vi phạm tội đều có thể phải chịu hình phạt, dẫn đến hệ quả là làm oan người vô tội. Như vậy, việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân không chỉ là trái với nguyên tắc chỉ xử phạt những người thực hiện hành vi trái pháp luật, mà còn trái với nguyên tắc chủ thể của hình phạt thống nhất với chủ thể hành vi trong luật hình sự.

Quan điểm ủng hộ pháp nhân là chủ thể của hình phạt cho rằng, để đối phó hiệu quả đối với “mô hình tội phạm pháp nhân”, thì không thể lấy năng lực cảm thụ hình phạt vốn có của “người tự nhiên” mà phủ nhận pháp nhân là chủ thể của hình phạt. Pháp nhân muốn thực hiện hành vi phạm tội thì phải dựa vào năng lực và hành vi của thành viên pháp nhân. Do đó, việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân đương nhiên ảnh hưởng đến năng lực tinh thần, cảm thụ của pháp nhân. Vì vậy, ở đây nếu có tác động đến tinh thần của cơ quan pháp nhân khi bị áp dụng hình phạt, thì đó cũng là tính hiệu quả của hình phạt áp dụng đối với pháp nhân. Xử phạt pháp nhân không phải là xử phạt các thành viên của pháp nhân, mà nhằm vào pháp nhân. Điều này cũng giống như hành vi vi phạm của pháp nhân trong lĩnh vực hành chính và dân sự. Do vậy, không thể nói rằng, việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân sẽ làm oan người vô tội.

3. Hình phạt kép có phải là hai lần xử phạt?

Quan điểm phủ nhận cho rằng, sử dụng chế độ hình phạt kép đối với pháp nhân tức là vừa xử phạt pháp nhân lại xử phạt hành vi của cá nhân, cùng một hành vi nhưng lại bị xử phạt hai lần, như vậy là vi phạm nguyên tắc hình phạt (non bis in idem - một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần). Quan điểm ủng hộ cho rằng, áp dụng hình phạt kép đối với pháp nhân là chính sách hiệu quả, phù hợp với “mô hìnhtội phạm” là pháp nhân. Nếu như chỉ xử phạt người thực hiện hành vi phạm tội mà không xử phạt pháp nhân, thì chẳng những không phòng ngừa được pháp nhân phạm tội, mà có thể sẽ thúc đẩy hành vi phạm tội của pháp nhân. Theo đó, pháp nhân hoặc nhân viên của mình thực hiện hành vi phạm tội vừa không phải chịu tổn hại lại vừa không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy là không công bằng, trái với chính nghĩa xã hội và nguyên tắc chính sách hình sự. Thực chất nguyên tắc “một hành vi hai lần xử phạt” là cùng một hành vi nhưng áp dụng xử phạt hai lần cho cùng một chủ thể. Còn pháp nhân và thành viên của pháp nhân là hai chủ thể độc lập với nhau, cho nên dù một hành vi phạm tội thì cũng không tồn tại hai lần xử phạt.  

II. Học thuyết trách nhiệm hình sự của pháp nhân 

Hệ thống pháp luật Anh - Mỹ (Comon Law) áp dụng và quy định sớm nhất vấn đề truy cứu TNHSPN. Hiện nay, lý luận TNHSPN ở hệ thống pháp luật Comon Law phát triển khá toàn diện và được thể hiện về mặt lập pháp thông qua các quy định cụ thể về TNHSPN. Ở các nước thuộc hệ thống pháp luật Civil Law, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của luật La Mã, thời kỳ đầu, lý luận cũng như thực tiễn lập pháp hình sự đều phủ nhận TNHSPN, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “societas delinquere non potest” (pháp nhân không thể phạm tội). Với sự tiếp thu từ thực tiễn lập pháp cũng như lý luận của hệ thống Common Law, vấn đề TNHSPN từng bước được ghi nhận trên phương diện lập pháp hình sự ở các nước thuộc hệ thống Civi Law. Lý luận chung về TNHSPN ở các nước Civil law vì thế cơ bản chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Comon Law, nhưng về thực tiễn lập pháp thì TNHSPN không phải luôn được thể hiện trong luật hình sự, mà còn được quy định trong các văn bản pháp luật hành chính, đó là những chế tài có tính chất như hình sự hoặc bán hình sự (quasi criminal liability).

1. Học thuyết trách nhiệm thay thế (Vicarious Liability Theory)

Ở Anh, từ thế kỷ thứ 14 đã xuất hiện pháp nhân, đó là những pháp nhân Giáo hội ngoài chức năng chủ yếu là hoạt động tôn giáo còn có nhiệm vụ quản lý tài sản của nhà thờ. Tuy nhiên, TNHSPN ở thời kỳ này vẫn chưa được chấp nhận. Nguyên nhân là do quan niệm: pháp nhân là thực thể được pháp luật hư cấu nên được pháp luật trao quyền cho hoạt động. Pháp nhân hoạt động theo điều lệ cho nên mọi hành vi của nó được thực hiện trong phạm vi điều lệ, trường hợp hoạt động ngoài phạm vi điều lệ cho phép thì đó gọi là vượt quyền (lý luận vượt quyền) và do con người chứ không phải pháp nhân gây ra. Vì vậy, pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Vào năm 1635, TNHSPN được áp dụng đối với những loại tội phạm nghiêm ngặt (loại tội mà mặt chủ quan cấu thành tội phạm không cần điều kiện lỗi). Chẳng hạn như không thực hiện nghĩa vụ duy tu, sửa chữa công trình cầu đường[1]. Đến những năm 1840, thẩm phán, huân tước Charles Bowen quyết định giới thiệu nguyên tắc TNHSPN để áp dụng chính thức trong pháp luật Anh. Không lâu sau đó, tòa án Anh đã “mượn” lý luận trách nhiệm thay thế từ trong luật dân sự làm thành nguyên tắc trách nhiệm thay thế để áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân[2]. Nội hàm của trách nhiệm thay thế trong luật dân sự xuất phát từ nguyên tắc “đầy tớ phạm lỗi chủ chịu trách nhiệm”, theo đó, nhân viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gây thiệt hại về quyền và lợi ích của người khác thì người chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thay cho nhân viên của mình. Lý do là nếu dựa vào năng lực bồi thường của cá nhân, nhân viên khó có thể tự mình thực hiện được việc bồi thường một cách đầy đủ, kịp thời, vô hình chung càng gây thêm tổn hại cho người bị thiệt hại.

Năm 1827, Nghị viện Anh công bố pháp lệnh về thúc đẩy cải cách và hoàn thiện xét xử các vụ án hình sự. Điều 14 của pháp lệnh này quy định: trong các vụ án hình sự, khái niệm người bao gồm cả pháp nhân. Năm 1846 nguyên tắc trách nhiệm thay thế chính thức được áp dụng trong vụ án The Queen v. Great North of Enghland Railway. Công ty này bị buộc tội vì trong quá trình xây dựng đường sắt đã không tuân theo các quy định của pháp luật về xây dựng cầu cống, gây cản trở việc đi lại, vận chuyển[3].

Nội hàm của Học thuyết trách nhiệm thay thế là gắn TNHSPN với hành vi vi phạm của nhân viên (bao gồm giám đốc, hội đồng quản trị, người đại lý của pháp nhân). Nếu như nhân viên của pháp nhân trong phạm vi công việc được ủy quyền mà thực hiện hành vi phạm tội, thì pháp nhân đó phải chịu trách nhiệm hình sự thay cho nhân viên của mình, bất luận người này ở vào địa vị cao thấp như thế nào trong công ty.

Mô hình lý luận của Học thuyết này là: (B) phải chịu trách nhiệm thay cho (A) kể cả trong trường hợp mà (B) không có bất kỳ một hành vi vi phạm nào. Hành vi vi phạm nhất thiết phải là do (A) thực hiện; trong thời gian thực hiện tội phạm (A) phải là nhân viên hoặc là người đại lý của (B); hành vi vi phạm của (A) phải trong phạm vi thực hiện công việc cho (B); và cuối cùng (B) phải chịu trách nhiệm cho hành vi phạm pháp của (A)[4].

Học thuyết trách nhiệm thay thế có vai trò quan trọng trong việc truy cứu TNHSPN, trở thành căn cứ lý luận cho hoạt động lập pháp cũng như thực tiễn truy cứu TNHSPN. Xét về mặt thực tiễn, học thuyết này tạo ra sự răn đe rất lớn đối với pháp nhân, theo đó, chỉ cần thỏa mãn điều kiện có hành vi vi phạm hình sự của nhân viên, người đại lý trong thời gian thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân thì lập tức trách nhiệm hình sự được quy cho pháp nhân. Chính bởi yếu tố dễ sử dụng như vậy nên đã tạo thành biện pháp răn đe rất hiệu quả đối với hành vi phạm tội của pháp nhân, đồng thời ngăn chặn, phòng ngừa hành vi phạm tội của nhân viên, người đại lý dưới danh nghĩa pháp nhân. Tuy nhiên, dù có nhiều ưu thế trong thực tiễn áp dụng cũng như phòng ngừa pháp nhân phạm tội, học thuyết này vẫn có những khiếm khuyết lớn đó là, truy cứu TNHSPN mà không cần điều kiện lỗi của hành vi. theo đó chỉ cần có hành vi phạm tội của nhân viên dù cố ý hay vô ý, dù có lỗi hay không có lỗi thì pháp nhân đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, là không phù hợp với điều kiện, mục đích của việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Học thuyết đồng nhất hóa (Doctrine of Identification)

Nội dung cơ bản của Học thuyết này là lấy hành vi của người ở vào vị trí chủ đạo trong pháp nhân đồng nhất hóa thành hành vi của chính pháp nhân. Những người giữ vai trò vị trí chủ đạo thông thường bao gồm người đại diện của pháp nhân, giám đốc, hội đồng quản trị hoặc những người có vị trí chi phối và định hướng cho hoạt động của pháp nhân. Ý chí và hành vi của những người này, theo Học thuyết đồng nhất hóa được gọi là “một người ngoài tôi” (Alter ego) của pháp nhân thể hiện hiện ý chí và hành vi của pháp nhân.

Điều kiện để truy cứu TNHSPN theo Học thuyết này là người đại diện cho pháp nhân, giám đốc, hội đồng quản trị, cố ý hoặc vô ý thực hiện hành phạm tội, lập tức hành vi tội phạm đó được chuyển hóa thành hành vi phạm tội của pháp nhân và pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này. Lỗi và hành vi phạm tội của người đại diện pháp nhân, giám đốc, hội đồng quản trị chính là lỗi và hành vi phạm tội của pháp nhân. Pháp nhân chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có lỗi cố ý hoặc vô ý, trường hợp không có lỗi thì không tồn tại TNHSPN. Trong pháp nhân chỉ có một số người ở vào vị trí như người đại diện pháp nhân, giám đốc, hội đồng quản trị, người giữ vai trò chi phối và định hướng hoạt động cho pháp nhân mới trở thành nhân tố để tạo thành TNHSPN. Những cá nhân khác - ngoài những vị trí kể trên như nhân viên, người đại lý không thể là nhân tố làm phát sinh TNHSPN. Trong trường hợp người đại lý, nhân viên thực hiện hành vi phạm tội thì phải chịu trách nhiệm về hình sự về hành vi đó mà không thể quy cho pháp nhân.

Trước khi Học thuyết đồng nhất hóa được áp dụng vào thực tiễn để truy cứu TNHSPN thì lý luận đồng nhất hóa đã được “gợi ý” về khả năng áp dụng đối với pháp nhân. Đó là vào năm 1915, trong vụ án Lennard's Carrying Co Ltd v Asiatic Petroleum Co Ltd [1915] AC 705. Công ty Lennard’s đảm nhận việc vận chuyển hàng hóacho công ty dầu khí châu Á (Asiatic Petroleum). Trong quá trình vận chuyển, tàu hàng bị đắm cùng với hàng hóa. Công ty dầu khí châu Á cho rằng hậu quả này là do giám đốc Lenanrd’s nên đã kiện công ty Lennards vi phạm quy định về nghĩa vụ của bên nhận vận chuyển hàng hóa theo đạo luật Merchant Shipping 1894. Thẩm phán Viscount Haldane đã đưa ra đề xuất nổi tiếng mà sau này trở thành lý luận áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Đó là, đồng nhất hành vi của người đại diện thành hành vi của pháp nhân, lấy lỗi của người đại diện cấp cao quy cho pháp nhân. Viscount Haldane cho rằng, Pháp nhân là trừu tượng. Nó không có thân thể và suy nghĩ, hành vi và ý chí của nó tất yếu phải do sự thể hiện của người đại diện pháp nhân, suy nghĩ và hành vi của người đại diện pháp nhân trên thực tế chính là suy nghĩ và ý chí của pháp nhân, là ý thức và trung tâm của pháp nhân. Lý luận này về sau được áp dụng trong vụ án Wheeler v New Merton Board Mills Ltd [1933]

Tiếp đó vào năm 1957, lý luận đồng nhất hóa lại tiếp tục được đề cập trong vụ án HL Bolton (Engineering) Co Ltd v TJ Graham & Sons Ltd, thẩm phán Denning cho rằng, pháp nhân có nhiều phương diện có thể so sánh với với thể nhân, nó có trung tâm thần kinh và bộ não để kiểm soát hành vi của mình. Nó còn có đôi tay để thao tác công cụ và thực hiện hành động theo sự chỉ thị của trung tâm thần kinh. Nhân viên và người đại lý cũng làm việc bằng tay, nhưng không thể nói những người này là đại diện cho suy nghĩ và hành động của pháp nhân, mà chỉ những người như giám đốc, hội đồng quản trị, mới là đại diện cho ý chí và hành động của công ty. Ý chí và trạng thái tâm lý của những người này chính là ý chí và trạng thái tâm lý của pháp nhân

Tuy nhiên, đến năm 1972, Học thuyết đồng nhất hóa mới trở thành tiền lệ cho những vụ việc tương tự trong thực tiễn, thông qua phán quyết trong vụ án nổi tiếng Tesco Supermarket. Sau này còn được gọi là “nguyên tắc Tesco”, Tesco là công ty có chuỗi siêu thị rất rộng lớn, bị khởi tố vì hành vi quảng cáo giả mạo theo quy định của Luật Mô tả thương mại năm 1968 (Trade Descriptions Act 1968), bởi đã bán hàng hóa cho công chúng không đúng chủng loại đã thông báo (quảng cáo). Cụ thể là, nhân viên bán hàng đã đặt nhầm vị trí một loại hàng hóa (xà phòng bột) - cái mà theo quảng cáo của công ty là có giảm giá - sang một vị trí khác, hàng hóa (xà phòng bột) tại vị trí này có giá khác với giá mà siêu thị đã thông báo (quảng cáo). Chính vì hành vi này mà Công ty Tesco bị khởi kiện và bị khởi tố vì hành vi quảng cáo gian dối. Công ty Tesco đã không chấp nhận sự buộc tội và biện hộ rằng, hành vi vi phạm của nhân viên siêu thị không thể quy trách nhiệm cho Công ty, người quản lý siêu thị đã thực hiện tích cực các biện pháp phòng ngừa vi phạm trong hoạt động của siêu thị này theo quy định của Luật Mô thương mại năm 1968.

Trong quá trình xử lý vụ án, Tòa Thượng viện cho rằng, người quản lý trong trường hợp này không phải là người có vị trí quan trọng trong cơ cấu tổ chức của công ty, thông thường, ban giám đốc, giám đốc điều hành và cán bộ cấp trên hoặc là nhân viên cấp cao khác của công ty mới có thể thực hiện được chức năng quản lý, nói và hành động như là của chính công ty. Người quản lý siêu thị này chỉ là người nhân viên thực hiện ý chí của pháp nhân mà không phải là người đại diện cho pháp nhân, không phải là trung tâm, bộ não của pháp nhân. Lỗi và hành vi vi phạm này không phải là lỗi và hành vi của người ở vào vị trí chủ chốt, lãnh đạo pháp nhân (giám đốc, hội đồng quản trị…). Do vậy, hành vi vi phạm tại siêu thị này không thể quy cho công ty Tesco.

Về sau, dựa trên phán quyết trong vụ án Tesco, nguyên tắc đồng chất hóa trở thành tiền lệ cho việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, giữ vai trò chủ đạo về mặt lý luận trong việc xác định TNHSPN ở Anh và lý luận đồng nhất hóa được thể hiện cụ thể trong pháp luật của nhiều nước. Học thuyết đồng nhất hóa bước đầu đã giải quyết được khiếm khuyết trong Học thuyết trách nhiệm thay thế. Theo đó, điều kiện để truy cứu TNHSPN phải bảo đảm yếu tố hành vi và lỗi cụ thể, làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự.

3. Học thuyết phản ứng của pháp nhân (Reactive Corporate Fault)

Học thuyết phản ứng của pháp nhân do giáo sư Fisse[5] sáng lập. Fisse cho rằng, sẽ là thất bại trong việc áp đặt trách nhiệm hình sự cho pháp nhân, nếu cứ đi tìm chức năng đại diện của pháp nhân như là chức năng hành vi của con người. Vì vậy, ông đề xuất lý luận phản ứng của pháp nhân để truy cứu TNHSPN. Theo đó, loại bỏ phương pháp quy trách nhiệm hình sự cho pháp nhân thông qua hành vi phạm tội và lỗi của “người tự nhiên” (nhân viên, người đại lý, giám đốc, hội đồng quản trị). Cơ sở để truy cứu TNHSPN theo Học thuyết này là xuất phát từ chính sách của pháp nhân. Chính sách của pháp nhân là toàn bộ những quy tắc, định hướng hoạt động của pháp nhân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả hành vi phạm tội. Fisse cho rằng, có thể thấy được ý chí của pháp nhân, thậm chí cả ý đồ phạm tội của pháp nhân thể hiện một cách rõ ràng hoặc ngầm thể hiện trong chính sách của pháp nhân. Vì vậy, nếu pháp nhân không có chính sách phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tội phạm, dẫn đến phát sinh tội phạm, thì đây được gọi là “lỗi phản ứng” của pháp nhân. Căn cứ vào “lỗi phản ứng”, có thể nhận định rằng, trong chính sách của pháp nhân tồn tại ý đồ phạm tội và về nguyên tắc, pháp nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Fisse đưa ra mô hình lý luận để xác định TNHSPN như sau: (1) hành vi phạm tội nghiêm trọng của việc không tuân thủ phản ứng sẽ cần chứng minh yếu tố lỗi được thể hiện trong chiến lược, chính sách của pháp nhân, đó là sự cố tình hoặc coi thường việc tuân thủ nghĩa vụ pháp lý trong việc thực hiện biện pháp phòng ngừa hoặc sửa đổi, hoàn thiện chính sách của pháp nhân; (2) hành vi phạm tội ít nghiêm trọng của việc không tuân thủ “nguyên tắc phản ứng” sẽ cần chứng minh pháp nhân đã cố gắng thực thi trách nhiệm phản ứng nhưng vẫn không thể ngăn chặn được hành vi phạm tội[6].

Khi đã xác định được hành vi phạm tội, tòa án có quyền ra lệnh pháp nhân tự tiến hành điều tra, xác định nhân viên, người có trách nhiệm và áp dụng biện pháp xử phạt thích đáng đối với hành vi phạm tội của nhân viên đó, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong chính sách phòng ngừa của pháp nhân, bảo đảm rằng chính sách đó sẽ không là nguyên nhân phát sinh tội phạm tương tự trong tương lai. Nếu như pháp nhân thực thi có hiệu quả toàn bộ những yêu cầu, mệnh lệnh của tòa án thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu không áp dụng triệt để, thực thi nghiêm túc, có hiệu quả những yêu cầu, mệnh lệnh của tòa án, tòa án căn cứ vào đó mà bị truy cứu TNHSPN.

Lý luận về trách nhiệm phản ứng của pháp nhân đưa ra cách tiếp cận mới đối với vấn đề chủ thể, hành vi, lỗi của pháp nhân. Đồng thời, cơ chế áp dụng TNHSPN theo học thuyết này cũng được thực hiện theo một cách rất đặc thù. Đó là căn cứ vào chính sách của pháp nhân, xem đó là tiền đề để truy cứu trách nhiệm hình sự; căn cứ vào biện pháp khắc phục sau khi hành vi phạm tội được thực hiện, xem đó là căn cứ cuối cùng để quyết định có hay không việc truy cứu TNHSPN. Đây là nét đặc trưng và cũng là ưu điểm của học thuyết này, Tuy nhiên, trách nhiệm phòng ngừa tội phạm là thuộc về trách nhiệm của các cơ quan công quyền, của bộ máy quản lý chứ không phải trách nhiệm chính, chủ yếu của pháp nhân. Mặc dù pháp nhân có trách nhiệm “phản ứng” bằng biện pháp phòng ngừa đối với hành vi phạm tội nhưng lấy chính sách phòng ngừa tội phạm trở thành căn cứ truy cứu TNHSPN là không thỏa đáng. Vì rằng, pháp nhân không có khả năng và nguồn lực để thực hiện một cách hiệu quả vấn đề này.

4. Học thuyết văn hóa (The Coporate Culture Theory)

 Báo cáo về mô hình pháp điển hóa luật hình sự Australia của Ủy ban liên hiệp Liên bang và các bang Australia (năm 1992) cho rằng, nếu chỉ truy cứu TNHSPN theo nguyên tắc Tesco (Học thuyết đồng nhất hóa) thì không phù hợp với trình độ tổ chức, kết cấu của pháp nhân hiện đại, khi tính phân hóa trong kết cấu pháp nhân ngày càng cao, trong pháp nhân xuất hiện nhiều bộ phận có thể chi phối hoạt động của pháp nhân mà không chỉ bó hẹp trong phạm vi người đại diện, hội đồng quản trị, giám đốc. Vì vậy, kiến nghị mở rộng phạm vi truy cứu TNHSPN trên cơ sở sử dụng lý luận mới, đó là sử dụng học thuyết văn hóa pháp nhân. Theo học thuyết này, pháp nhân - cho dù được tổ chức dưới các hình thức khác nhau, nhưng trong pháp nhân luôn tồn tại văn hóa pháp nhân. Văn hóa pháp nhân thể hiện trong luật hình sự Australia được hiểu là toàn bộ chính sách, phương châm, cơ cấu tổ chức, quy tắc hoạt động của pháp nhân. Thông qua văn hóa pháp nhân có thể thấy được thái độ, ý đồ của pháp nhân thể hiện một cách tích cực hoặc tiêu cực đối với việc phòng ngừa tội phạm và việc nâng cao nhận thức cho nhân viên tuân thủ pháp luật.Nếu như hành vi phạm tội được thực hiện trong pháp nhân là do văn hóa pháp nhân ngầm cho phép, khuyến khích thực hiện thì đó là điều kiện để truy cứu TNHSPN theo quy định của luật hình sự Australia.

Căn cứ luật hình sự Australia, nguyên tắc chung cho việc áp dụng trách nhiệm hình sự là trách nhiệm hình sự của cá nhân được áp dụng như cho pháp nhân và pháp nhân có thể bị kết án bởi thực hiện bất cứ loại tội phạm nào (Chương II, Điều 12.1). Để xác định văn hóa pháp nhân có tồn tại việc cho phép, khuyến khích hoặc thúc đẩy hành vi phạm tội hay không phải căn cứ vào hai điều kiện: một là, có sự chỉ đạo, cổ vũ, buông lỏng quản lý pháp nhân dẫn đến tội phạm xảy ra; hai là, pháp nhân đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm phòng ngừa tội phạm và nâng cao văn hóa tuân thủ pháp luật cho toàn bộ nhân viên (Chương II, Điều 12.3.2c.d). Từ đó, có thể khẳng định, văn hóa pháp nhân đã ngầm đồng ý, cho phép hoặc bỏ mặc cho hành vi phạm tội xảy ra tương ứng với hành vi cố ý phạm tội hoặc vô ý phạm tội.

Học thuyết văn hóa pháp nhân được thể hiện khá toàn diện trong luật hình sự Australia. Tuy nhiên, văn hóa pháp nhân là khái niệm tương đối trừu tượng, trong thực tiễn, văn hóa không chỉ được thể hiện trong chính sách, quy định của công ty mà còn được thể hiện ở các phương diện như thói quen, cách hành xử của nhân viên trong nội bộ pháp nhân với nhau. Vì vậy, việc xác định văn hóa pháp nhân để truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa bảo đảm tính khách quan, chính xác, đặc biệt trong lĩnh vực hình sự.

III. Tiểu kết

Các học thuyết về TNHSPN đều tồn tại ưu khuyết điểm nhất định, có thể thấy học thuyết trách nhiệm thay thế có ưu thế trong việc răn đe, phòng ngừa hành vi phạm tội của pháp nhân, vì việc truy cứu TNHSPN theo học thuyết này không cần điều kiện lỗi. Chính vì tính nghiêm ngặt như vậy mà có tác động rất lớn đến chính sách hoạt động của pháp nhân, nhất là đối với lĩnh vực liên quan đến lợi ích công cộng mà pháp nhân đảm nhiệm thực hiện (ví dụ như lĩnh vực cầu đường, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt…). Tuy nhiên, nếu xem xét dưới góc độ lỗi hành vi thì lại không phù hợp bởi lẽ pháp nhân có thể phải chịu TNHS cả trong trường hợp không có lỗi. Vì vậy, việc tiếp thu lý luận về TNHSPN và kinh nghiệm lập pháp phải tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nước và lí luận truyền thống của nước đó. Đặc điểm chung là Học thuyết đồng nhất hóa đã được quy định trong pháp luật của đại đa số các nước ghi nhận về mặt lập pháp TNHSPN ở hệ thống Common law và Civil law. Dưới góc độ lý luận trách nhiệm hình sự so sánh với các học thuyết khác thì việc truy cứu TNHSPN theo học thuyết đồng nhất hóa là phù hợp hơn cả, đó là TNHS được cấu thành bởi lỗi hành vi. Nếu hành vi phạm tội không có lỗi thì không tồn tại TNHSPN. Đồng thời TNHSPN được “cá thể hóa” trong phạm vi những người chủ chốt, giữ vai trò chi phối, lãnh đạo pháp nhân. Do đó việc xác định trách nhiệm hình sự của chủ thể để đồng nhất hóa với TNHS pháp nhân là tương đối dễ thực hiện. Đối với những pháp nhân có kết cấu phức tạp, nhiều tầng nấc, có nhiều vị trí ngoài những người giữ vị trí chủ đạo, chi phối hoạt động của pháp nhân thì khi thể hiện về mặt lập pháp có thể mở rộng chủ thể để đồng nhất hóa trách nhiệm của những người này thành trách nhiệm của pháp nhân.

Có thể nói rằng, trong hệ thống lý luận trách nhiệm hình sự trên thế giới, TNHSPN là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất của các chuyên gia, học giả pháp luật. Hiếm có một vấn đề pháp luật nào mà xoay quanh nó lại có nhiều lý luận, học thuyết đến như vậy. Ngoài những học thuyết, quan điểm đã trình bày, còn có một số học thuyết khác như học thuyết tập hợp, học thuyết lỗi vô ý, lí luận trách nhiệm tổ chức pháp nhân, lý luận về lỗi phòng ngừa của pháp nhân, lý luận kết cấu của pháp nhân, lý luận về đặc tính trách nhiệm của pháp nhân... Dường như, xung quanh vấn đề TNHSPN vẫn luôn tồn tại các ý kiến tranh luận diễn ra cùng với hoạt động truy cứu TNHSPN. Điều đó cho thấy, tính chất phức tạp của vấn đề TNHSPN, đồng thời, đó cũng là nét đặc sắc của vấn đề này./.



[1]Andrew WeissmanAndrew, “Rethinking Criminal Corporate Liability”, Indianalaw Jounal 2007, p. 419.

[2]Anca Iulia Pop, Criminal Liability of corporations – Comparative Jurisprudence, Anca Iulia Pop, 2006, p.12.

[3] Hà Bính Tùng (chủ biên), Pháp nhân phạm tội và trách nhiệm hình sự, Nxb Pháp chế Trung Quốc, 2000, tr.106.

[4]J.W. Neyers, A Theory of vicarious liability, Alberta Law Review, p.4.

[6] Nt.

 

  Hoàng Trí Ngọc, ThS, Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, NCS Viện Luật, Đại học Nhân dân Trung Quốc.--TCNCLP

tin cùng chuyên mục

 
  • Sửa Luật để hạn chế tiêu cực trong đấu thầu(17-05-2013)
  • Luật “xa” thực tế vì… phản biện “hình thức”(17-05-2013)
  • Bỏ hình thức di chúc chung của vợ chồng?(17-05-2013)
  • “Khoảng trống” còn lớn trong quy định về người đồng tính(16-05-2013)
  • Bộ TT&TT bị đứng “ngoài cuộc“ trong phạt vi phạm về quảng cáo?(16-05-2013)
  • Lãng phí khó tính hết bằng tiền từ việc xây dựng văn bản(15-05-2013)
  • Thêm cơ hội phục thiện cho người chưa thành niên vi phạm(13-05-2013)
  • Đổi mới Tòa án để đảm bảo quyền tiếp cận công lý(11-05-2013)
  • Quy định về hộ gia đình “làm khó“ người giao dịch dân sự(06-05-2013)
  • Luật chưa phải “cây gậy thần“ ngăn tình trạng mua bán người?(06-05-2013)
  • Mã số công dân: Nhìn từ thành công của châu Âu(04-05-2013)
  • Phụ nữ Việt Nam mơ luật bỏ tù chồng ngoại tình như Hàn Quốc(04-05-2013)
  • Thừa phát lại không được lập vi bằng về bí mật đời tư(03-05-2013)
  • Lỗ hổng pháp luật trong bảo vệ bí mật đời tư(03-05-2013)
  • Người đồng tính chỉ được cưới sau khi xác định lại giới tính?(01-05-2013)
  • Miễn trách nhiệm hình sự thế nào để tránh hàm oan, lọt tội?(30-04-2013)
  • Nguồn “đóng“, Luật hình sự “chạy đuổi“ thực tế(26-04-2013)
  • Kêu oan vì được... miễn tội(24-04-2013)
  • “Nguy hiểm”… quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất?(23-04-2013)
  • “Luật HNGĐ phải tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người”(22-04-2013)