Tổng cục Thống kê nên thuộc cơ quan nào?
Điều 7 Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thống kê; Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thống kê. Đây cũng là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận về Dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua. Trong khi nhiều ý kiến đề nghị cần tách Tổng cục Thống kê khỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bảo đảm tính độc lập, khách quan thì một số ý kiến khác cho rằng nên giữ Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư như luật hiện hành.
Nhấn mạnh yêu cầu cần bảo đảm tính độc lập, khách quan của số liệu thống kê cũng như hoạt động của tổ chức thống kê nhà nước, nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê nông lâm nghiệp thủy sản, PGS.TS. Nguyễn Sinh Cúc cho rằng nếu để Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì ưu điểm là giữ ổn định hoạt động chuyên môn cũng như cơ cấu tổ chức bộ máy. Thực tế, nhiều văn bản pháp quy liên quan đến thống kê cần trình Chính phủ do Bộ trưởng trực tiếp trình Chính phủ thì nhanh hơn Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trình. Song, ở góc độ khoa học, chuyên gia Nguyễn Sinh Cúc cũng chỉ rõ, với địa vị pháp lý của cơ quan thống kê như hiện nay cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Một trong những hạn chế đó là tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Do vậy, để bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động thống kê và thông tin thống kê nhà nước, Ban soạn thảo nên nghiên cứu giao Chính phủ trực tiếp hoặc Quốc hội quản lý Tổng cục Thống kê. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy, cơ quan thống kê cấp Trung ương thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, chứ không trực thuộc một bộ như nước ta. Mặt khác, hai mảng thống kê và kế hoạch có chuyên môn khác xa nhau, nên việc gộp chung cơ quan quản lý là một bộ sẽ khó bảo đảm tính thống nhất, khách quan của thông tin, số liệu thống kê.
Không đồng tình với quan điểm này, một số ý kiến khác tại Hội thảo chỉ rõ, tính độc lập, khách quan của hoạt động thống kê nhà nước là sự độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ. Hơn nữa, hệ thống tổ chức thống kê hiện đang vận hành ổn định. Do đó, nên duy trì mô hình tổ chức này và điều chỉnh để cơ quan này hoạt động theo nguyên tắc tập trung, thống nhất. Thực tế, quy định địa vị pháp lý của Tổng cục Thống kê thuộc Chính phủ hay thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không khác nhau là mấy. Bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là một cơ quan của Chính phủ.

Nguồn: teamclayton.com
|
Khắc phục tình trạng làm đẹp số liệu thống kê
Xác định rõ địa vị pháp lý của cơ quan thống kê là cần thiết, song theo một số ý kiến khác thì việc đặt cơ quan thống kê ở đâu chưa chắc đã khắc phục được tình trạng làm đẹp số liệu thống kê đang có xu hướng ngày càng phổ biến hiện nay. Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá, dù đặt Tổng cục Thống kê ở đâu cũng phải bảo đảm được nguyên tắc: người sử dụng các con số thống kê không được quyền chi phối, gây sức ép đối với cơ quan thống kê, số liệu thống kê công bố. Muốn vậy, cần xây dựng Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) có tính khả thi, hiệu quả cao tạo cơ sở pháp lý vững chắc để người đứng đầu và cơ quan làm công tác thống kê hoạt động độc lập, hiệu quả; bảo đảm tính khách quan, chính xác các số liệu thống kê được công bố. Dự án Luật cũng cần quy định rõ, cơ quan thống kê chỉ chịu trách nhiệm về tính chính xác của con số thống kê, chứ không chịu trách nhiệm về mức tăng trưởng kinh tế cao hay thấp, tránh tình trạng gắn hoạt động thống kê với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoặc làm đẹp con số cho một mục đích ẩn nào đó. Nói cách khác, sửa đổi Luật Thống kê lần này cần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sức ép vô hình lên các con số thống kê hay cơ quan thống kê.
Dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp thứ 9 đã quy định khá rõ về các nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê. Đối với hoạt động thống kê nhà nước, nguyên tắc cơ bản là: trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời; bảo đảm độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ; thống nhất về nghiệp vụ, không trùng lặp, chồng chéo; minh bạch, công khai; thông tin thống kê phải so sánh được... Tuy nhiên, đây mới là những quy định mang tính nguyên tắc. Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc xác định rõ địa vị pháp lý của cơ quan thống kê nhà nước, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về việc cung cấp số liệu, thông tin thứ cấp đầu vào cho các cơ quan thống kê và phương pháp tính toán thống kê phải bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó là những quy định cụ thể về chế tài xử phạt đối với cá nhân, tổ chức không cung cấp thông tin hay cung cấp thông tin sai sự thật cho cơ quan thống kê. Có như vậy thì sửa đổi Luật Thống kê lần này mới khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi luật hiện hành.
Ghi nhận những đóng góp của cơ quan thống kê, thông tin thống kê trong việc giúp Chính phủ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Song thực tế thực hiện Luật Thống kê hiện hành cũng cho thấy những vấn đề về chất lượng, độ tin cậy của số liệu thống kê, hay sự chênh lệch số liệu thống kê giữa Trung ương với địa phương, giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành về một số chỉ tiêu thống kê. Những vướng mắc này có lẽ không hoàn toàn do địa vị pháp lý của cơ quan thống kê.
Từ góc nhìn của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cân bằng: vấn đề không phải đặt Tổng cục Thống kê ở đâu mà quan trọng hơn là cần quy định thế nào để bảo đảm được tính độc lập, khách quan, chính xác, đầy đủ của số liệu thống kê. Vậy thì, trong sửa đổi Luật lần này cần quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của Tổng cục Thống kê, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để cơ quan này hoạt động thật sự có hiệu quả trong thực tiễn; và quy định để không ai hoặc không cơ quan, tổ chức nào được quyền can thiệp thay đổi thông tin, số liệu thống kê. Đây có lẽ mới là mấu chốt của vấn đề để bảo đảm tính chính xác của con số thống kê, khắc phục tình trạng làm đẹp con số thống kê để chạy theo thành tích như nhiều đại biểu đã chỉ ra khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 9.
Theo chương trình, Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) sẽ trình QH xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tới. Với những thông tin nhiều chiều thu được tại Hội thảo, cơ quan thẩm tra sẽ có thêm cơ sở lý luận cũng như thực tiễn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện Dự án Luật.