Thứ sáu, ngày 10/01/2025 01:46:49 ĐT:(08) 3932 0692 - 3932 1636 - Fax: (08) 3932 5247 Email: hoiluatgiatvpl@gmail.com

Xóa rào cản tiếp cận thông tin cho người khuyết tật


Cập nhật: 5h32' ngày 08/07/2017


Tiếp cận thông tin không chỉ mở cánh cửa để người khuyết tật hòa nhập với xã hội mà còn giúp họ có cơ hội phát triển, khẳng định bản thân. Thế nhưng, trên thực tế để tiếp cận thông tin, người khuyết tật còn gặp không ít rào cản, cần được tháo gỡ.

Khó tiếp cận thông tin

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật TP Hà Nội (ICC), Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có 37% người khuyết tật thuộc hộ nghèo, 35% người khuyết tật trên 6 tuổi chưa biết chữ và 80% người khuyết tật trong độ tuổi lao động không có cơ hội tham gia thị trường lao động. Ông Phạm Văn Lực, Hội người mù huyện Thanh Trì, TP Hà Nội cho biết, người khiếm thị luôn mong muốn được tiếp cận thông tin trên báo đài, truyền hình về các vấn đề như hôn nhân gia đình, pháp luật về đất đai, dân sự tới những quyền lợi thiết thực liên quan. Thế nhưng, rào cản là nhiều chương trình phát sóng hiện nay thiếu định hướng thị giác về hình ảnh phát sóng, thiếu giao tiếp bằng lời nói và thường chỉ chú trọng tới hình ảnh.

Cũng gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin, Phó Chủ tịch Chi hội Người Điếc Hà Nội Đỗ Hoàng Thái Anh cho biết, đa phần người khiếm thính lấy thông tin qua bố mẹ, người thân và luôn gặp trở ngại về giao tiếp như không đọc được văn bản, sách vở nếu không được dịch ra ngôn ngữ, kí hiệu vì thế thông tin rất ít. Thông tin về thời sự rất hạn chế, chủ yếu liên tưởng qua hình ảnh, nhất là khi chương trình thời sự cho người khuyết tật thường phát vào 10 giờ tối, quá muộn để người khuyết tật theo dõi. Đáng nói là hiện chưa có hệ thống ngôn ngữ kí hiệu thống nhất trong cả nước, mỗi vùng miền sử dụng một loại ngôn ngữ khác nhau, người khiếm thính hiện vẫn chưa học qua các lớp ngôn ngữ, kí hiệu mà chỉ giao tiếp với nhau qua ngôn ngữ tự phát trong cộng đồng.

“Hệ thống ngôn ngữ, kí hiệu của Bộ Giáo dục - Đào tạo là 3.000 từ trong khi ngôn ngữ tối thiểu người điếc cần tới 7.000 đến 8.000 từ. Nếu so với Bộ Từ điển tiếng Việt 4 vạn từ thì thử hỏi, người điếc sẽ đến với thông tin bằng cách nào?” - một người khuyết tật đặt câu hỏi.

Không chỉ người khuyết tật nghe, nhìn gặp khó mà ngay cả những người khuyết tật vận động phải đi xe lăn cũng không dễ gì tiếp cận thông tin hoặc tới cơ quan nhà nước để yêu cầu cung cấp thông tin. Một người khuyết tật vận động chia sẻ, vì phải đi xe lăn nên khó tiếp cận quầy một cửa của cán bộ tiếp dân khi quầy này cao tới 1,5m; có tấm kính chắn ngang và chỉ để thừa một ô cửa nhỏ đủ để đưa bàn tay và giấy tờ qua. Hay bảng hướng dẫn của UBND cấp xã về việc làm chứng minh thư được treo quá cao với dạng chữ quá nhỏ khiến nhiều người không thể đọc nổi.

Xóa rào cản bằng pháp luật

 Kết quả tham vấn về quyền tiếp cận thông tin cho người khuyết tật tại 4 nhóm ở Hà Nội do ICC thực hiện cho thấy, có đến 85% người khuyết tật chưa biết đến quyền tiếp cận thông tin và chỉ 23% người khuyết tật cho biết được đáp ứng về thông tin, trong khi nhu cầu thông tin của đối tượng này là 92%.

Theo các chuyên gia, cần phải có các chính sách, cơ chế xóa bỏ những rào cản về thông tin; khuyến khích đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ thông tin dành cho nhóm đối tượng yếu thế. Luật Tiếp cận thông tin vừa có hiệu lực từ 1.7 đã có quy định ưu tiên, tạo điều kiện với các đối tượng yếu thế. Thế nhưng để kéo gần khoảng cách, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tiếp cận thông tin phải có những quy định chi tiết, cụ thể.

Bà Dương Thị Ngọc Chiến, Vụ Pháp luật Hành chính - Hình sự, Bộ Tư pháp băn khoăn đặt câu hỏi, Luật Người khuyết tật 2010 quy định nhiều dạng khuyết tật, đồng thời chia ra các mức độ khuyết tật như đặc biệt nặng, nặng và nhẹ. Câu hỏi đặt ra là nhu cầu tiếp cận thông tin với từng nhóm đối tượng như thế nào? Hay đối với người khuyết tật, theo Luật Tiếp cận thông tin 2016, ngoài hình thức tiếp cận thông tin chung thì cơ quan nhà nước phải xác định hình thức công khai thông tin phù hợp với khả năng tiếp cận thông tin của công dân. Vậy, các hình thức đó là gì? có cần làm rõ trong dự thảo Nghị định hay không?

TS. Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD) cho biết, người khuyết tật dạng nào cũng quan tâm tới các thông tin từ nhà đất, di chúc tới quyền lợi về y tế, khám sức khỏe… Vì thế dự thảo Nghị định không cần thiết phải phân loại, người khuyết tật dạng này hay dạng khác cần những thông tin này hay thông tin kia để tránh phức tạp, rườm rà. Tuy nhiên, đối với dạng khuyết tật nghe, nhìn hay không biết chữ lại rất cần những quy định cụ thể về cách thức cung cấp thông tin. Cụ thể, các phương tiện để tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận thông tin như hỗ trợ chữ nổi, phóng to chữ hay các dạng thức giao tiếp, kí hiệu khác cần được đề cập tới trong dự thảo.

Theo Giám đốc Trung tâm ICC Dương Thị Vân, việc ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận thông tin chính thống cũng cần bàn tới. Các bộ, ngành nên nghiên cứu một số ứng dụng hay website có thiết kế riêng dành cho người khiếm thị, đơn cử như trang thông tin sachnoi.com, sau 5 giây nếu không thực hiện thao tác định dạng cho người sáng mắt thì website đó sẽ tự động chuyển sang chế độ cho người khiếm thị, giúp họ dễ dàng sử dụng máy tính.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia là cán bộ cung cấp thông tin nên kiêm nhiệm hay chuyên trách. Rõ ràng, nếu chỉ là kiêm nhiệm thì rất khó phân loại thông tin cũng như không thể nắm vững được quy trình, biện pháp tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận thông tin. Nếu người yêu cầu cung cấp thông tin gặp khó khăn trong việc viết phiếu yêu cầu thì có thể yêu cầu bằng miệng để cán bộ cung cấp thông tin tiếp nhận yêu cầu điền phiếu giúp nhưng trong trường hợp người khuyết tật cần được phiên dịch bằng ngôn ngữ kí hiệu riêng thì những cán bộ này có buộc phải biết ngôn ngữ đó hay không? Dự thảo Nghị định phải dự liệu được mọi vấn đề phát sinh để nhóm đối tượng này có thể bảo đảm được quyền thông tin của mình.

Thảo Mộc--DBND

tin cùng chuyên mục

 
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể trình nhiều phương án sửa đổi Hiến pháp(16-05-2013)
  • Chủ tịch Quốc hội: Lạm phát “quá tốt” do điều hành dở(15-05-2013)
  • Đừng để bị chi phối khi bỏ phiếu(13-05-2013)
  • Bỏ phiếu tín nhiệm 49 lãnh đạo cao cấp(13-05-2013)
  • Cán bộ cao cấp cần tiêu chuẩn gì?(11-05-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật Đất đai – Bài 4: Chưa bịt kín các kẽ hở của Luật 2003(09-05-2013)
  • Sẽ lập tòa án hiến pháp?(08-05-2013)
  • Báo chí và cơ quan điều tra có những kênh điều tra riêng(07-05-2013)
  • 30 ngàn tỷ nên dành giải cứu người nghèo(07-05-2013)
  • “Đề xuất của Bộ Công an sẽ dấy lên sự lo ngại trong dân”(07-05-2013)
  • Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Chỉ nên giao quyền cho một cơ quan(07-05-2013)
  • Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Phóng viên điều tra sẽ bị “vặt bớt tay chân”(05-05-2013)
  • Hội đồng Hiến pháp – lựa chọn chính trị an toàn?(04-05-2013)
  • Đề xuất “C.A có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ nguồn tin” bị phản ứng(04-05-2013)
  • Lựa chọn tên nước không thể chỉ bằng tình cảm(03-05-2013)
  • ‘Một m2 đất lúa chuyển đổi cũng phải xin Thủ tướng’(26-04-2013)
  • Từ thực tiễn cuộc sống đến việc sửa đổi Luật đất đai – Bài 3: Muôn hình vạn trạng tham nhũng tập thể trong quản lý đất đai(24-04-2013)
  • Lấy phiếu tín nhiệm: Đừng để ‘hòa cả làng’(23-04-2013)
  • Đã đến lúc cần giáo dục liêm sỉ(23-04-2013)