Thẩm phán phải dự liệu các tình huống
Nhà văn hóa phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - thường được chọn làm nơi xét xử lưu động bởi vị thế giao thông khá thuận tiện cũng như cơ ngơi khang trang. Ở đó, người dân tham gia phiên tòa đã chứng kiến đủ hoàn cảnh phạm tội, mỗi một người một nỗi dẫn đến vòng lao lý. Ở đó, người ta còn chứng kiến ánh mắt tìm người thân, với nhiều nỗi niềm, những lời xin lỗi muộn màng. Đối với bị cáo, người thân có mặt tại phiên tòa lưu động, phiên xét xử đã bớt đi không khí trang nghiêm, có phần hơi nặng nề thường thấy ở các phiên xử tại Tòa án. Công đường với không ít người dân vẫn là một khái niệm xa cách, họ đến với Tòa, dù với tư cách gì, cũng còn ít nhiều tâm lý e dè.

Một vụ án về tàng trữ trái phép chất ma túy trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội được đem ra xét xử lưu động |
Gần dân, để dân hiểu hơn về công việc của mình, về pháp luật chính là thế mạnh của các phiên tòa xét xử lưu động. Và, ở góc độ nào đó, phiên tòa lưu động được tiến hành với sự giám sát của người dân. Đến với phiên tòa lưu động, người dân có cơ hội để hiểu biết thêm về pháp luật, về công việc của những người làm tố tụng (thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên và lực lượng trợ giúp tư pháp...). Với 17 năm kinh nghiệm xét xử lưu động, Chánh án Tòa Hành chính, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hội chia sẻ, ý nghĩa giáo dục pháp luật của những phiên tòa xét xử lưu động rất cao, không chỉ tác động đến bị cáo, người thân, những người liên quan đến vụ án mà còn đối với ngay cả người dân vì rất nhiều lý do khác nhau đến dự phiên tòa. Đặc biệt, việc xét xử lưu động thường được tổ chức tại các địa điểm công cộng (nhà văn hóa, đình làng, bến xe...) hay tại các trường học (nhất là các trường đào tạo nghề luật), hoặc chính nơi bị cáo đang bị tạm giam thì tính răn đe, sự giáo dục còn có giá trị hơn rất nhiều lần.
Xét xử lưu động có xu hướng tăng trong 10 năm trở lại đây tại hầu khắp các tòa án của Hà Nội. Theo số liệu thống kê trong 2 tháng (6 và 7.2015), Tòa án Nhân dân các cấp của Hà Nội đã xét xử lưu động 232 vụ/250 bị cáo. Mỗi năm căn cứ mục tiêu chính trị, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, dự báo các loại tội phạm... UBND xây dựng chỉ tiêu, từ đó phân bổ tỷ lệ các loại án tiến hành xét xử lưu động. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, mỗi năm có trên 2.000 án ma túy, mại dâm được tiến hành xét xử lưu động và mỗi thẩm phán trung bình xét xử lưu động từ 3 - 4 vụ/tháng. Chẳng hạn, năm 2014, Tòa án Nhân dân quận Long Biên đã xét xử 160 vụ/181 bị cáo; riêng tháng 7.2015 đã xét xử 37 vụ/51 bị cáo. Chánh án Tòa án Nhân dân quận Long Biên Lưu Tuấn Dũng cho biết, trung bình mỗi năm xử khoảng 200 vụ các loại tội phạm như ma túy, chống người thi hành công vụ, tội phạm về môi trường, hàng giả, đối với mỗi thẩm phán việc xét xử lưu động là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Khi được lựa chọn xét xử lưu động, nhất là những vụ án điểm thì Chánh án thường lựa chọn những thẩm phán chuyên môn khá hơn, bản lĩnh chính trị vững vàng, diễn đạt khúc triết, khẩu khí tốt và ngoại hình... ổn.
Mặc dù, là công việc thường ngày của thẩm phán, song để phiên xử không bị vỡ trận, đòi hỏi ngoài việc nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, thẩm phán phải dự liệu được các tình huống có thể xảy ra trong quá trình xét xử cũng như việc giải quyết các tình huống đó; đồng thời phải nhận được sự hỗ trợ chặt chẽ từ các lực lượng hỗ trợ tư pháp. Dự báo tốt đến đâu, thì phiên tòa thành công đến đấy. Để có được điều này, đòi hỏi ngoài những hiểu biết pháp luật, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải là người am tường cuộc sống, loại hình tội phạm (ma túy, mại dâm, hàng giả, hàng lậu...). Chánh án Tòa Hành chính, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hội chia sẻ, không ít trường hợp khi biết mình bị áp dụng khung hình phạt cao, bị cáo không muốn đưa về nơi sinh sống xét xử, nên bị cáo đã cáo ốm, đau, có trường hợp lăn đùng... gặp những trường hợp như thế phải có sự giúp đỡ của nhân viên y tế, đồng thời làm công tác tư tưởng cho bị cáo để tiếp tục xét xử. Cũng không ít trường hợp, khi tống đạt quyết định xét xử bị cáo từ chối quyền mời luật sư, nhưng đến khi xét xử thì lại yêu cầu phải có luật sư.
Giữa cảm xúc và cán cân công lý
Cảm xúc cá nhân ai cũng có, Chánh án Tòa Hành chính Nguyễn Quốc Hội phân trần. Trong 30 năm làm công tác xét xử, ông cũng gặp không ít hoàn cảnh phạm tội rất đáng thương, nhất là những đối tượng vì nghiện ngập mà dính dẫn đến mua bán nhỏ lẻ, tan nát gia đình. Con đường từ con nghiện trở thành người phạm tội rất ngắn, đặc biệt đối với những người nghiện ma túy. Từ góc độ của người làm công tác xét xử, Thẩm phán Hội cho rằng, cần có sự phân loại cụ thể để có chính sách hình sự hợp lý đồng thời làm tốt công tác cộng đồng. Bởi khi còn đối tượng nghiện thì vẫn còn người buôn bán ma túy. Ở góc độ khác, Phó chánh án Tòa án Nhân dân quận Long Biên Lưu Đình Hùng cho rằng, xét xử là nghề nghiệp của mình, tuy nhiêu nếu đặt phiên tòa trong trong mối quan hệ nhiều chiều, đan xen giữa quyền lợi người bị hại, bị cáo, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan... thì đó là một xã hội thu nhỏ. Chính vì thế, để giữ được cán cân công lý là không hề đơn giản, không ít ngườâi bị hại đã phản ứng, thậm chí gay gắt tại phiên tòa. Đó cũng là chuyện thường bình thường, phản ứng này có thể đúng, có thể sai nhưng nghĩa vụ của Hội đồng xét xử, của Thẩm phán là... chấp nhận. Thực tế, xét xử lưu động chủ yếu là án ma túy, trong đó có những vụ áp dụng Khung 2 Điều 194 - kịch khung thẩm quyền áp dụng của Tòa cấp quận, huyện, chính vì thế áp lực của những thẩm phán cấp huyện không nhỏ.
Nên luật hóa hoạt động xét xử lưu động
Xét xử lưu động có đóng một vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục… Bởi sự giáo dục này có tính chất trực quan, sinh động, tác động trực tiếp đến những người tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có văn bản hướng dẫn liên ngành cụ thể, mới chỉ dừng lại ở những công văn phối hợp ở quy mô nhỏ về công tác xét xử lưu động.
Để việc xét xử lưu động mang lại hiệu quả thiết thực, cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ. Theo Chánh án Tòa án Nhân dân quận Long Biên, Lưu Tuấn Dũng đề xuất, có thể không cần quy định ở một điều luật độc lập, nhưng cần thiết kế để luật hóa hoạt động xét xử lưu động, tiến tới sự chuyên nghiệp hơn, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, những vấn đề cụ thể trong triển khai thực hiện cũng cần quan tâm giải quyết. Hiện chi phí hỗ trợ cho một phiên tòa xét xử lưu động là 1,5 triệu đồng/vụ (bao gồm công tác bảo vệ, di chuyển các trang thiết bị phục vụ công tác xét xử, âm thanh, chi phí cho hội thẩm, đội ngũ bảo vệ...). Theo đánh giá của đại diện nhiều Tòa án trên địa bàn Hà Nội thì mức chi phí này là chưa hợp lý, các tòa thường phải lấy chi phí dự phòng để bù thêm. Hơn nữa, với cách tính trên đầu vụ là không đáp ứng được thực tế, vì có những vụ có 1 bị cáo, nhưng đa phần các tội phạm ma túy, mại dâm là đồng phạm (thường nhiều bị cáo); có những vụ xét xử ở xa như Sơn Tây, Ba Vì...