(Thanh tra) - Trong khuôn khổ phi dự án “Nâng cao năng lực thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024”, ngày 6/12, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT), Thanh tra Chính phủ phối hợp với UNDP tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT cho biết, tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu, hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, khí hậu trái đất và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030.
Tại Việt Nam, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4/6/2019 về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số136/NQ-CP ngày 25/9/2020 về phát triển bền vững.
“17 mục tiêu phát triển bền vững là những mục tiêu lớn, bao trùm liên kết với nhau nhằm giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân Việt Nam và trên thế giới phải đối mặt. Theo đó, phòng, chống tham nhũng (PCTN) là một trong những yếu tố bảo đảm tiên quyết để có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, TS Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh.
Nhìn lại những kết quả đạt được, đến nay, công tác PCTN, tiêu cực của Việt Nam đã có được những bước chuyển biến, đột phá mạnh mẽ. Năm 2024, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãng phí, tiêu cực theo dõi được tích cực đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra. Chẳng hạn, theo Báo cáo số 653/BC-CP ngày 17/10/2024 của Chính phủ về công tác PCTN năm 2024, các cơ quan điều tra trong lực lượng Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 1.538 vụ án/3.897 bị can phạm tội tham nhũng. Đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 856 vụ án/2.686 bị can…
Công tác PCTN, tiêu cực tại Việt Nam không chỉ đạt được những kết quả tích cực về phương diện phát hiện và xử lý tham nhũng, mà trong năm 2024 còn có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN, tiêu cực; về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; về đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan chuyên trách PCTN, tiêu cực.
“Những kết quả đạt được trong thời gian qua là minh chứng khẳng định quyết tâm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” trong PCTN, tiêu cực. Điều này đã để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận và góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững” - TS Nguyễn Quốc Văn nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo TS Nguyễn Quốc Văn, đến nay, công tác PCTN, tiêu cực vẫn còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, trong bối cảnh tham nhũng, tiêu cực vẫn được nhìn nhận là một trong những nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng, đấu thầu, đấu giá, xây dựng pháp luật... còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Bên cạnh đó, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.
Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Công tác giám định, định giá tài sản có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tiến độ; giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản có tranh chấp quyền sở hữu chưa được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ về pháp lý, gây khó khăn cho thi hành án…
Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, rủi ro tham nhũng, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTN, tiêu cực trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cam kết theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; đặc biệt là trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị; tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển.
Bà Nicole Rague, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng nhấn mạnh: Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao nhận thức của công chúng và tăng cường quản lý Nhà nước liêm chính, giảm thiểu tham nhũng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tồn tại, Liên hợp quốc nhận thấy, tham nhũng có thể ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc tăng cường quản trị, thúc đẩy các nước có thu nhập tốt sẽ giúp chúng ta đạt được hiệu lực, hiệu quả cao nhất của công tác PCTN.
"Thông qua hội thảo này sẽ đánh giá được những giải pháp nào phát huy tác dụng, những giải pháp nào chưa phát huy tác dụng, thông qua những thảo luận đó, chúng ta sẽ rút ra những kinh nghiệm, những giải pháp có thể thúc đẩy hơn nữa hiệu quả, hiệu lực của công tác PCTN nhằm đạt được hiệu quả mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc"- bà Nicole Rague nói.
Bà hy vọng Việt Nam có được xã hội minh bạch, công bằng để phát triển đất nước bền vững.
Đồng quan điểm, bà Sabina A.Stein, Trợ lý đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho biết, chủ đề ngày quốc tế chống tham nhũng 9/12 năm nay là “Đoàn kết với giới trẻ trong PCTN: Định hình tương lai liêm chính”, bà vui mừng khi có mặt tại hội thảo để lắng nghe ý kiến vai trò của đoàn thanh niên Việt Nam trong PCTN.
Làm sao phát huy được sức trẻ, để họ hiểu rõ hơn làm thế nào để đấu tranh PCTN, theo bà Sabina A.Stein, tuổi trẻ có vai trò trong việc thúc đẩy minh bạch, trong sử dụng công nghệ có thể tăng cường công khai, minh bạch để phát hiện sai trái, tiêu cực, tham nhũng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi về bối cảnh của công tác PCTN của Việt Nam hiện nay và những thuận lợi, khó khăn, thách thức, cơ hội; thực trạng tham nhũng, tiêu cực, hậu quả của nó và những dự báo trong thời gian tới; thành tựu, kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập, khó khăn trên các mặt công tác PCTN.
Đồng thời, đề xuất các quan điểm, giải pháp, sáng kiến về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc PCTN và hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước nhằm PCTN.
Cùng với đó là đề xuất các quan điểm, giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý điều hành và tổ chức thực thi chính sách - pháp luật về PCTN; nâng cao hiệu quả của các thiết chế chuyên trách PCTN; phát huy vai trò của xã hội và hợp tác công tư trong PCTN; lồng ghép giới trong chính sách và thực tiễn PCTN; nâng cao hiệu quả quản trị Nhà nước và quản trị xã hội nhằm PCTN; giáo dục liêm chính PCTN trong hoạt động công vụ và trong Nhân dân; hợp tác quốc tế và vận dụng kinh nghiệm quốc tế về PCTN phù hợp với thực tiễn Việt Nam; tiêu chí, phương pháp đo lường, đánh giá tham nhũng và công tác PCTN…
Theo Bao thanhtra