Trao đổi với PLO, một lãnh đạo VKSND huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết viện vừa quyết định trả hồ sơ vụ án hủy hoại rừng liên quan bị can Nguyễn Hữu Dương cùng đồng phạm.
Tám năm chưa khép lại vụ phá rừng
Trước đó, cuối tháng 1-2025, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong có kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can Nguyễn Hữu Dương (58 tuổi), Nguyễn Thành Lim (63 tuổi) và Nguyễn Văn Khoa (62 tuổi, cùng ngụ tỉnh Đắk Nông) tội hủy hoại rừng.
Ba bị can liên quan vụ án trong một phiên xét xử. Ảnh: N.N
Tuy nhiên, sau đó, VKSND huyện Đắk Glong quyết định trả hồ sơ, yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông (cơ quan tiếp tục thụ lý điều tra vụ án trên sau khi Công an huyện Đắk Glong kết thúc hoạt động) điều tra bổ sung. Nội dung điều tra bổ sung là thu thập bổ sung những bút lục, tài liệu còn thiếu; trưng cầu giám định để xác định trạng thái rừng, giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng...
Theo lãnh đạo VKSND huyện Đắk Glong, đến nay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông chưa có kết luận điều tra bổ sung vụ án.
Theo hồ sơ, năm 2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong khởi tố bị can, bắt tạm giam các ông Nguyễn Hữu Dương, Nguyễn Thành Lim, Nguyễn Văn Khoa để điều tra tội hủy hoại rừng. Sau đó, ba người này được thay đổi biện pháp ngăn chặn, được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Năm 2020, VKSND huyện Đắk Glong ban hành cáo trạng, truy tố ba bị can trên tội hủy hoại rừng.
Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2020, TAND huyện Đắk Glong tuyên phạt Nguyễn Hữu Dương một năm ba tháng tù, Nguyễn Thành Lim một năm tù, Nguyễn Văn Khoa tám tháng 20 ngày tù, cùng tội hủy hoại rừng. Sau đó, các bị cáo đều kháng cáo kêu oan.
Tháng 3-2021, TAND tỉnh Đắk Nông xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại vì nhiều vấn đề chưa được làm rõ, chưa đủ cơ sở buộc tội các bị cáo.
Tháng 11-2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong ban hành quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với các ông Dương, Khoa, Lim.
Lý do: hết thời hạn điều tra vụ án nhưng chưa có kết quả giám định vị trí, diện tích, trạng thái rừng, giá trị thiệt hại tài nguyên rừng đối với diện tích rừng bị phá trong và ngoài hồ sơ.
Mãi đến tháng 8-2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong mới có quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra đối với các bị can nói trên.
Mong ngày kết thúc điều tra
Theo kết luận điều tra mới nhất hồi tháng 1-2025 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong, năm 2014, ông Dương ký kết hợp đồng huy động vốn trồng rừng với Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa, với diện tích 23 ha, tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong.
Cùng năm đó, ông Dương nhờ ông Nguyễn Ngọc Sơn đứng tên, ký kết hợp đồng huy động vốn trồng rừng với Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha với tổng diện tích 22 ha cũng tại xã Quảng Sơn.
Do xảy ra tranh chấp với một công ty khác nên từ 2014 đến 2016, ông Dương không thực hiện dự án trồng rừng.
Ba bị can (từ trái qua) trao đổi thông tin để nhờ luật sư viết đơn kêu oan. Ảnh: M.H
Đầu tháng 2-2017, ông Dương thuê ông Lim và ông Khoa tìm thêm người chặt phát trên diện tích đất ký hợp đồng để trồng rừng.
Nhóm người do ông Dương thuê phát rừng từ ngày 6 đến 16-2-2017 thì bị ông Nguyễn Duy Chúc cùng nhóm cán bộ bảo vệ rừng kiểm tra, phát hiện.
Sau đó, ông Lim, ông Khoa cung cấp hồ sơ giao khoán trồng rừng của ông Dương, thì được nhóm bảo vệ rừng đồng ý cho tiếp tục chặt, phát cây rừng.
Quá trình phát dọn, nhóm người do ông Dương thuê xảy ra tranh chấp với nhóm của bà Mai Thị Thái. Vì vậy, ông Dương liên hệ, nhờ nhân viên bảo vệ rừng đo đạc, xác định ranh giới vị trí theo hai hợp đồng huy động vốn trồng rừng đã ký kết.
Ngày 22 và 23-2-2017, ông Nguyễn Duy Chúc cùng nhiều nhân viên bảo vệ rừng trực tiếp vào hiện trường, sử dụng máy định vị GPS, bản đồ, la bàn, hồ sơ giao khoán của ông Dương để đo đạc, xác định ranh giới theo hồ sơ giao khoán, làm căn cứ để không chồng lấn diện tích rừng tranh chấp với bà Thái.
Căn cứ ranh giới được nhóm bảo vệ rừng xác định, nhóm người được ông Dương thuê tiếp tục chặt, phát cây rừng nhưng vẫn xảy ra tranh chấp với nhóm của bà Thái. Vì vậy, ông Dương cho nhân công nghỉ.
Ngày 30-3-2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong tiếp nhận tin báo có vụ phá rừng nên phối hợp lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, xác định nhóm của ông Dương chặt phát 88.710 m2 rừng.
Công an xác định thời điểm phát dọn rừng, hiện trạng trên đất giao khoán cho ông Dương là rừng lồ ô, lác đác có cây gỗ tái sinh; không phải là đất trống không có cây gỗ tái sinh.
Khi phát rừng, ông Dương không báo cáo với cơ quan thẩm quyền để được kiểm tra, hướng dẫn. Vì vậy, đủ cơ sở xác định diện tích rừng bị nhóm người do ông Dương thuê chặt, phát là rừng lồ ô, loại rừng sản xuất, mức độ thiệt hại 100%.
Công an cũng xác định ông Dương giữ vai trò chủ mưu trong việc phá rừng. Ông Lim và ông Khoa giữ vai trò đồng phạm giúp sức, tổ chức thực hiện việc phá rừng.
Quá trình điều tra, các ông Dương, Lim và Khoa đều cho rằng việc thuê người phát rừng là thực hiện theo hợp đồng huy động vốn trồng rừng.
Ngoài ra, quá trình phát rừng đã được nhóm nhân viên quản lý, bảo vệ rừng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha xác định ranh giới để thực hiện việc chặt, phát rừng nên không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định hành vi thuê người chặt, phát rừng của các ông Dương, Khoa, Lim là hành vi phá rừng trái pháp luật. Trong hợp đồng huy động vốn trồng rừng và các tài liệu kèm theo, không có nội dung nào cho phép ông Dương phá rừng để trồng rừng.
Chia sẻ với PV, ông Dương nói vụ án kéo dài tám năm qua khiến ông rất mệt mỏi, suy sụp cả kinh tế lẫn tinh thần. Vì vậy, ông mong mỏi công an sớm kết thúc điều tra, khép lại vụ án.
“Vụ án kéo dài quá lâu, khiến gia đình chúng điêu đứng. Nếu chúng tôi có tội thì cứ xử, phạt tù theo quy định pháp luật. Còn nếu chúng tôi không có tội thì sớm đình chỉ, trả tự do, phục hồi danh dự cho chúng tôi"- ông Dương nói.
13 người được đình chỉ điều tra
Theo hồ sơ, năm 2017, thời điểm mới xảy ra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong khởi tố bị can tổng cộng 16 người. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến 2021, VKSND huyện Đắk Glong đã đình chỉ điều tra đối với 13 người.
Lý do đình chỉ điều tra là các bị can nhận thức pháp luật hạn chế, mục đích chặt phát cây để lấy tiền công, không nhằm mục đích nào khác. Ngoài ra, do chuyển biến tình hình, hành vi của các bị can không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Đối với nhóm người nguyên là nhân viên quản lý, bảo vệ rừng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha, cơ quan điều tra xác định họ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đồng phạm giúp sức thực hiện hành vi hủy hoại rừng. Vì vậy, cơ quan điều tra tách hành vi của nhóm này để điều tra trong vụ án khác.
(PLO)- Dù đã chấp hành án phạt tù xong nhưng sáu cựu chiến binh ở Đắk Nông vẫn kêu oan và sắp ra tòa trong vụ án phá rừng xảy ra cách đây 10 năm.
TIẾN THOẠI--PLO